Sân chơi cho thiếu nhi nên bớt chiêu trò

14-03-2013 14:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

Những sân chơi nghệ thuật cho các em nhỏ đang dần khẳng định vị trí nhất định. Điều cần làm để các chương trình trở nên thu hút và đi đường dài hơn là định hướng thật rõ ràng và khéo léo.

Những sân chơi nghệ thuật cho các em nhỏ đang dần khẳng định vị trí nhất định. Điều cần làm để các chương trình trở nên thu hút và đi đường dài hơn là định hướng thật rõ ràng và khéo léo.

Nơi ươm mầm các tài năng nghệ thuật

Không những các chương trình giới hạn độ tuổi, xác định dành riêng cho các em nhỏ như Đồ rê mí, Lotte cầu thủ tí hon, Con đã lớn khôn và tới đây là The Voice phiên bản nhí, một số chương trình truyền hình thực tế mà tiêu biểu là Vietnam’s got talent đã chứng tỏ được sức hút với các em nhỏ. Cũng chính nhờ các chương trình này, năng khiếu nghệ thuật của các em được phát hiện, trau dồi và giới thiệu tới công chúng, từ đó góp phần xây dựng bộ phận kế cận các ngôi sao giải trí có sức bền, ngày càng trở nên hiếm hoi trong showbis Việt.

Sân chơi cho thiếu nhi nên bớt chiêu trò 1
Chương trình Đồ rê mí đã thực hiện tốt tiêu chí của mình: ươm mầm tài năng âm nhạc.

Xét về tính chuyên biệt, đến thời điểm này, Đồ rê mí có lẽ là chương trình làm tốt và rõ rệt những tiêu chí của một cuộc thi tìm kiếm và phát hiện tài năng ca hát và biểu diễn của thiếu nhi nhất. Những Thanh Trúc, Trí Dũng, Nhật Tiến... đã khẳng định được tài năng vượt trội của mình khiến khán giả cảm thấy thích thú, cảm phục. Sau cuộc thi, các em cũng xuất hiện tại nhiều sân khấu, được tham gia các khóa huấn luyện trau dồi khả năng ca hát và biểu diễn.

Lotte cầu thủ tí hon - chương trình truyền hình thực tế về bóng đá dành cho lứa tuổi nhi đồng thực sự gây nên mối đồng cảm sâu sắc với khán giả. Các em nhỏ được các cầu thủ nổi tiếng tham gia huấn luyện, được giao lưu với các cầu thủ nhí trên mọi miền Tổ quốc, gặp gỡ những cầu thủ bóng đá nổi tiếng Việt Nam, trải nghiệm thú vị tại Học viện bóng đá FC Barcelona. Đặc biệt, những em nhỏ xuất sắc nhất được lên đường tham gia chuyến du lịch tại thành phố Manchester xinh đẹp và có trận giao hữu bóng đá với các cầu thủ nhí nơi đây. Cuộc thi chạm được đến niềm đam mê với trái bóng tròn của các em nhỏ, khơi gợi được năng khiếu thể thao và mở ra những chân trời ước mơ cho các em.

Sâu sắc hơn, chương trình thực tế Con đã lớn khôn là sợi dây kết nối giữa bố mẹ và con cái, giúp trẻ rèn luyện những đức tính, kỹ năng để có thể phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần. Vietnam’s got talent - chương trình tìm kiếm tài năng Việt cũng đã tỏ rõ tiêu chí phát hiện những tài năng mới cho làng giải trí Việt Nam khi vinh danh xứng đáng cặp nhảy nhí Đăng Quân - Bảo Ngọc. The Voice Kids - phiên bản nhí của chương trình Giọng hát Việt từng làm mưa làm gió cuối năm 2012 cũng đang bắt đầu khởi động, dự định lên sóng vào giữa năm 2013 với dàn huấn luyện viên là vợ chồng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang, ca sĩ Hiền Thục, Thanh Bùi.

Cần có một đường hướng rõ ràng hơn

Có thể nói, mặc dù có những tín hiệu đáng mừng nhưng so với thế giới, sân chơi của các em nhỏ có năng khiếu tại Việt Nam chưa thực sự phong phú. Những chương trình thuần Việt như Đồ rê mí chưa nhiều. Các em chưa có một môi trường đạt chuẩn để bộc lộ những khả năng tiềm ẩn của bản thân mà phần lớn còn phụ thuộc nhiều vào kịch bản chương trình gốc. Đương nhiên kỹ năng biểu diễn cần được quan tâm hơn cả. Tuy nhiên, với các em nhỏ, khi mà kinh nghiệm sân khấu chưa nhiều, bản năng vẫn nên là tiêu chí được quan tâm, phát triển.

Bắt nguồn từ quan niệm chưa được khai mở của khán giả Việt cũng như sự chưa khéo léo trong xử lý của người làm chương trình, nhiều tình huống không mong muốn đã xảy ra. Và người chịu thiệt là các em nhỏ, là đòn đau về mặt tâm lý mà chúng ta vô tình không để ý. Sự việc Quán quân Đồ rê mí 2012 Nhật Tiến khóc khi hát ca khúc về mẹ đã bị đem ra mổ xe, phân tích với bản gốc của hiện tượng Gặp mẹ trong mơ Uudam China’s Got Talent, Uudam. Từ đó, xuất hiện những lời chỉ trích, bình luận  không hay về dàn dựng chương trình, về cảm xúc thật của cậu bé. Đối với lứa tuổi đang hồn nhiên, đó giống như một cú sốc. Ngược lại, sự săn đón của giới truyền thông với chiến thắng của Đăng Quân - Bảo Ngọc tại Vietnam’s got talent đã làm các em choáng ngợp. Tâm lý thắng thua ngấm ngầm tại các cuộc thi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ, tâm sinh lý của các em.

Một điều dễ nhận thấy là ngay trong các chương trình dành cho lứa tuổi thiếu nhi, việc sử dụng các nghệ sĩ nổi tiếng vẫn đang bị lạm dụng. Điều này vô tình làm lu mờ các tài năng nhí, chiêu trò của chương trình bỗng dưng bị phản tác dụng. Rõ ràng các em nhỏ mới bước lên sân khấu không thể tự tỏa sáng bằng các ngôi sao đã có kinh nghiệm lâu năm. Và chúng ta cần xác định lại rằng ai là nhân vật chính trong chương trình và phải làm sáng lên vai trò, khả năng thay vì biến các em thành người phụ họa bất đắc dĩ.

Chúng ta không thể phủ nhận sự hấp dẫn của các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi, lấy thiếu nhi làm trung tâm, nhân vật chính. Tuy nhiên, việc cốt yếu là làm thế nào để chương trình thực sự là những món ăn hợp khẩu vị và nếu trở thành món ăn truyền thống thì càng tuyệt vời hơn.

Ngữ Nam



Ý kiến của bạn