Hà Nội

Săn chim: Tận diệt chim trời

21-06-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Miền Bắc đang vào vụ gặt. Trong không khí tất bật hối hả ấy, có một kiểu làm ăn không kém phần sôi động, đó là săn bắt chim trời.

Miền Bắc đang vào vụ gặt. Trong không khí tất bật hối hả ấy, có một kiểu làm ăn không kém phần sôi động, đó là săn bắt chim trời. Mỗi miền quê, hằng ngày có cả ngàn chú chim các loại bị tóm gọn, nhốt trong lồng hoặc bị giết thịt, trở thành món đặc sản tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy nhiều người xử tệ với thiên nhiên.

Chim trời bị bày bán

Chim trời bị bày bán

Theo chân những gã săn chim

Tôi đã từng chứng kiến những gã “sát chim” bách phát bách trúng, chuyên đi tiêu diệt các đàn cò ở Bắc Giang và lân la đến các vườn cò săn trộm. Tôi cũng từng chứng kiến cảnh người ta vặt trụi lông những chú chim trời ở giữa phố phường Hà Nội. Những chú chim nhỏ nhoi, bị vặt lông sống, trần trụi, đứng ngơ ngác, đau đớn chờ đợi phút giây... lên đĩa. Thế rồi một ngày, khi “đột nhập” vào chợ chim Nhật Tân, huyện Kim Bảng (Hà Nam), lòng tôi (và có lẽ bất cứ người yêu thiên nhiên nào) cũng sẽ xót xa tận đáy lòng, bởi thấy cả trăm ngàn con chim các loại bị vặt lông, mình đỏ hỏn, tứa máu bị bày bán. Có khi, chúng bị vặt sạch lông, rồi bị buộc túm lại, con nào con nấy vừa giãy giụa và kêu chiêm chiếp như oán trách.

Chiều ngày 3/4, trong cái nắng như đổ lửa, tôi theo Ma Văn Lũy (SN 1984) ở xã Đại Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) để chứng kiến cảnh những chú chim trời bị hạ gục. Dụng cụ đắc lực là chiếc xe máy, giúp Lũy có thể đi xa vài chục cây số, rong ruổi trên khắp các cánh đồng để đặt bẫy. Những thứ còn lại là lưới, dây, đài phát tiếng. Và một thứ cũng cực kỳ quan trọng, đó là... cái duyên (!?). Theo những gì Lũy nói, thì cậu ta thật có duyên. Bởi thế, trong nháy mắt, cả chục chú chim kém may mắn đã... mắc lưới.

Được biết, trước đây Lũy là công nhân, nhưng thu nhập hạn hẹp, hai năm qua nhờ học lỏm được nghề săn chim của một số người thôn Đại Nội, các xã Đại Đức không xa. Sẵn có sức khỏe, lại chịu khó, Lũy đã săn được hàng chục chú chim các loại/ngày. Chim sẻ dùng làm thịt, các loại chim sáo, vành khuyên, cu gáy, chào mào... thì bán cho khách Hà Nội mua về làm cảnh. Chỉ trong vòng vài tháng, Lũy đã kiếm được vài chục triệu đồng tiền bán chim. “Có tháng, tiền bán chim của em bằng nửa năm đi làm”, Lũy chia sẻ.

Tôi hỏi: “Vậy săn chim thế này, Lũy có nghĩ mình đang làm hại thiên nhiên?”. Lũy cười, trả lời: “Em không săn thì người khác cũng săn. Ở khắp các cánh đồng đang mùa gặt, nơi nào chả có người giăng bẫy. Nó là lộc của trời mà”.

Bắt được một chú chim xấu số.

Bắt được một chú chim xấu số.

Nhờ những tiết lộ của Lũy, tôi đã tìm được ông Trần Văn Ban (64 tuổi) chuyên săn chim bằng lưới bán cho người dân phóng sinh. Ông Ban cho biết, vào các ngày lễ, giỗ chạp, người dân thường có thói quen mua chim về phóng sinh. Một số người săn như ông trở thành những người “cung” đắc lực cho nhu cầu của người dân. Ông Ban nói: “Với loại chim sẻ, chúng tôi bắt, bán cho lái buôn 6 nghìn đồng/con. Khi dân buôn bán cho người dùng, họ nâng giá cao gấp đôi”. Tôi hỏi: “Vậy sau khi người dân phóng sinh, có khi các ông lại săn được những chú chim vừa thả?”. Ông Ban trả lời: “Không loại trừ khả năng đó đâu. Bởi chim được thả ra, lại bay ra đồng, rồi sẽ chẳng thoát được...”.

Nhờ ông Ban, tôi được biết anh Trần Văn Quyết, chuyên dùng súng hơi bắn chim cung cấp cho các quán nhậu ở TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Được biết, Quyết cũng là người sát chim, bách phát bách trúng. Trong tủ lạnh nhà Quyết, lúc nào cũng phải có vài cân chim trời vặt lông sẵn, chỉ cần khách “a lô” là được mang đi giao ngay.

Đất lành chim... chết

Thật xót xa, trong dòng chảy cuồn cuộn, cuộc mưu sinh vật vã của con người, họ đã làm nên những phố bán chim như ở Nhật Tân (Hà Nam), chợ Vàng, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), một số con phố như Hoàng Hoa Thám, Lê Duẩn... (Hà Nội). Nếu dạo một vòng quanh chợ Quế, người ta sẽ thấy cả dãy lồng đựng chim, với cách mặc cả, mua bán chẳng khác mớ rau và đặc biệt ở đây có rất nhiều cò. Cò ở đây được các đầu nậu thu mua với giá 20 - 30 nghìn đồng/con. Sau đó chuyển cho các nhà hàng với giá 40 - 50 nghìn đồng/con. Khi vào tới nhà hàng, giá được đẩy lên khoảng 100 nghìn đồng/con. Vạc ở chợ được giá hơn, hiện nay giá vào khoảng 70 nghìn đồng/con, khi đến mùa đông khan hiếm thì giá được đẩy lên tới 150 - 200 nghìn đồng/con. Thịt các loại chim tự nhiên được dân nhậu ưa thích vì không độc hại, vừa ngon vừa bổ. Chị Trần Thị Giêng, một người bán chim ở chợ Quế cho hay: “Vùng chúng tôi gần rừng, cách đồng lúa rộng, chim cò về rất nhiều. Giờ rất nhiều người trong khu vực hành nghề săn chim, cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong nội tỉnh. Ngoài ra, không ít khách quen ở xa họ đặt hàng”.

Ở Nhật Tân, tôi hỏi han và làm quen được N.V.Tấn, một gã săn chim có hạng. Theo tìm hiểu, những người săn chim như Tấn có thể “tóm” được cả trăm con chim mỗi ngày một cách nhẹ nhàng. Ngoài dùng lưỡi, họ dùng những con chim mồi, rồi đặt bẫy nhựa thông để chim trời, cò, vạc đến cứu đồng loại sẽ dính phải. “Săn, chúng tôi chẳng lo đầu ra. Hàng luôn có khách đặt, không bao giờ bị ế. Dụng cụ đánh bắt giờ tiện lợi lắm. Chỉ cần tấm lưới được thiết kế dây kéo và chụp, gắn thêm bộ phát âm thanh các loài chim để làm cái nhử. Chim trời tưởng đồng loại gọi sẽ sà xuống. Lúc đó chỉ cần giật dây, lưới sẽ chụp xuống...”, Tấn cho biết.

Hiện ở khu vực Nhật Tân, những người đi săn như Tấn có hàng chục, nhưng “siêu” như Tấn thì chỉ có một vài. Chim, cò bắt được, người ta mang ra chợ Quế, cách đó vài cây số. Tại đây, số phận những chú chim sẽ được định đoạt.

Dân gian có câu: “Đất lành chim đậu”. Điều này, ở ta có một nghịch lý xảy ra, là “đất lành chim chết”. Bởi những chú chim đâu biết hiểm họa bủa vây mình lúc nào, ở đâu. Trên khắp các cánh đồng, các làng quê, chúng chỉ biết tự do bay, tự do kiếm mồi, rồi sẽ bất ngờ bị... tóm! Chúng không biết mình lại trở thành món đặc sản cho dân bợm nhậu, càng không thể ngờ con người lại nhẫn tâm với chúng như vậy. Và chiểu theo câu “Đất lành chim đậu”, thì Kim Bảng là vùng đất lành? Các cánh đồng Vĩnh Phúc là đất lành? Vâng, hẳn nhiên rồi. Qua trò chuyện, các cụ già cũng khẳng định đây là những vùng đất lành, hiếu học, người dân hay lam hay làm. Những cánh đồng cũng phì nhiêu, màu mỡ. Song, ở đâu cũng có cạm bẫy giăng ra trước những chú chim tội nghiệp.

Nói gì thì nói, ở đâu cũng có những người tốt, ra sức bảo vệ chim trời. Họ thật sự là những “hiệp sĩ của thiên nhiên”. Ví như ở Vĩnh Phúc, có bà Vũ Thị Khiêm, nghèo khó, nhưng suốt mấy chục năm qua đã dồn tâm sức bảo vệ vườn cò Hải Lựu, xã Hải Lựu, Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Biết bao kẻ đã về gạ gẫm bà bán cò, nhưng bà coi cò như con, bằng giá nào cũng không bán. Xung quanh vườn cò, rất nhiều “cò tặc” rình rập săn trộm. Và thi thoảng vẫn có những con cò tội nghiệp của bà phải chết.

Tấm gương của bà Khiêm phải được phổ biến, nhân rộng. Nhưng chắc chắn như thế vẫn là chưa đủ. Bà cùng với vài chục người tốt bảo vệ chim cò trong cả nước (nói rộng ra) không đủ để giúp những chú chim trời thoát khỏi vòng vây của hàng vạn người khác. Lộc trời đang bị tận hưởng. Những chú chim đang bị tận diệt. Hiện đang thiếu sự hành động của các cơ quan chức năng, dẫn đến hậu quả là chẳng bao lâu nữa những chú chim trời chỉ còn trong ký ức. Thôi đành cậy nhờ vào sự khoan dung của con người đối với loài chim vậy. 

 Bài và ảnh: Hải Miên


Ý kiến của bạn