Nên đặt ở phía Nam?
Hội đồng thẩm định Nhà nước đang trình Thủ tướng phê duyệt Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không - sân bay cấp quốc gia. Tại Đề án này, có quy hoạch sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô. Hội đồng thẩm định Nhà nước đã thông qua đề án và hiện đang trình Thủ tướng.
Theo đó, sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô bước đầu được xác định ở phía Đông Nam của Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên chưa có vị trí cụ thể. Việc quy hoạch sân bay thứ 2 nhằm có hướng mở để nghiên cứu xây dựng, nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050.
Theo đề xuất, vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất - hạ cánh song song với đường cất - hạ cánh của sân bay Nội Bài.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sân bay thứ hai trong vùng không chỉ phục vụ người dân các huyện phía nam Hà Nội mà cả các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định... Hiện khu vực này chưa có sân bay dù ngành du lịch phát triển. Trước đây ban soạn thảo quy hoạch vùng thủ đô đã đề xuất vị trí sân bay thứ hai tại huyện Mỹ Đức, song chưa được Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch.
Về ý kiến cho rằng huyện phía nam thủ đô có địa hình đất thấp không thuận lợi cho xây sân bay, ông Chính cho rằng cần khảo sát đánh giá kỹ hơn về diện tích quy hoạch và cần giải tỏa, nếu đất thấp có thể đào đắp tôn cao và làm hệ thống thoát nước tốt. Để quy hoạch sân bay cần đánh giá nhiều tiêu chí về lượng hành khách, hệ thống giao thông kết nối, đặc điểm tự nhiên, xã hội khu vực, hướng gió, vùng trời chứ không chỉ địa hình...
Theo chuyên gia về hàng không, TS. Nguyễn Tùng Bách, vị trí xây sân bay thứ 2 của Hà Nội nên đặt ở địa bàn giáp ranh với tỉnh Hà Nam, đơn cử như huyện Phú Xuyên. Khu vực này dù địa hình trũng song có quỹ đất khoảng 1.000 ha phục vụ xây dựng sân bay công suất 50 triệu hành khách mỗi năm, đồng thời không phải là đường xuống của máy bay đến Nội Bài.
Ông Tùng không ủng hộ vị trí huyện Ứng Hòa như đề xuất trước đây của Hà Nội do tĩnh không khu vực này là đường xuống của máy bay đến Nội Bài nên sẽ ảnh hưởng hoạt động của cả hai sân bay sau này.
Về các sân bay quân sự hiện có tại Hà Nội, theo ông Tùng, chưa đủ điều kiện để quy hoạch thành sân bay quốc tế. Sân bay Hòa Lạc không đủ diện tích đất mở rộng; sân bay Miếu Môn diện tích lớn song gần núi đá vôi, nhiều mây mù, không thích hợp cho bay dân dụng với tần suất lớn.
Nên mở rộng sân bay Gia Lâm?
TS. Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội rất cần thiết có thêm 1 sân bay nữa để xử lý các vấn đề như quá tải ở sân bay Nội Bài, khi gặp các sự cố khẩn cấp, các tình huống thời tiết bất thường, tai nạn hay thậm chí là khủng bố. Các thủ đô trên thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan – Malaysia …. đều có í nhất 2 sân bay.
Hiện tượng quá tải hàng không diễn ra thường xuyên tại Sân bay Nội Bài cho thấy sự cần thiết phải có thêm sân bay. Vấn đề là vị trí xây dựng ở đâu? Việc tìm vị trí dự kiến đặt sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô là cần thiết, song cần nghiên cứu khảo sát để chọn vị trí tối ưu, đúng luật hàng không dân dụng Việt Nam, đúng quy định của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.
Có ý kiến cho rằng "khu vực phía Bắc và phía Nam Hà Nội đều là các vùng đất trũng, không an toàn nếu đặt sân bay quốc tế thứ 2 ở đây", theo TS. Trần Đình Bá là không chính xác vì công nghệ xây dựng ngày nay có thể đặt bất cứ sân bay ở đâu , kể cả trên sa mạc – đầm lầy và trên biển. Siêu sân bay quốc tế Phố Đông (Thượng Hải - Trung Quốc ) đặt trên vùng đầm lầy ven biển, Hồng Kong còn làm cả sân bay Cheplapkok trên một hòn đảo.
Có nên mở rộng sân bay quân sự thay vì mở sân bay mới? TS. Trần Đình Bá cho biết, ông từng đề xuất Việt Nam nên khai thác các sân bay quân sự vốn có, mở rộng ra, trang bị hiện đại hơn chính là cách làm hiệu quả và nhanh nhất. Xu thế sân bay lưỡng dụng trên trê giới rất nhiều, họ khai thác cả dân dụng và quân sự để tiết kiệm và hiện đại hóa sân bay hoạt động cho cả ngày – đêm và trong điều kiện chiến tranh – tất cả các sân bay đều là quân sự để chống lại sự xâm lược.
TS. Trần Đình Bá cho biết, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, các sân bay như Nội Bài – Đà Nẵng – Tân Sơn Nhất đều khai thác cả dân dụng và quân sự để bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, sân bay thứ hai ở Hà Nội nên tái sử dụng sân bay Gia Lâm. Đó là sân bay quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập thống nhất năm 1945. Trong chiến tranh phá hoại 1964-1975, sân bay bay đặc biệt này có chức năng vừa là sân bay quân sự bảo vệ vùng trời Thủ đô, vừa là sân bay dân dụng giao thương quốc tế. Sân bay này chỉ cách trung tâm Hà Nội 6 km, có thể khai thác các loại máy bay dân dụng – vận tải hạng vừa như A320, A321 là hợp lý nhất.
TS. Trần Đình Bá cho rằng, sân bay Gia Lâm đang "bị lãng quên" và để lãng phí tài nguyên, trong khi hoàn toàn có thể phát huy công năng của nó. Ngoài ra có thể tận dụng sân bay quân sự Hòa Lạc, vừa tiết kiệm vốn đầu tư vừa có thời gian thi công nhanh. Hà Nội còn có sân bay Bạch Mai từ thời Pháp - cũng là sân bay nhỏ nhưng ít người biết đến.
"Trước đây tôi đã từng đề xuất giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách đưa sân bay Biên Hòa – một sân bay quân sự vào để khai thác, nhưng không được lắng nghe. Hệ quả là đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nặng nề, đến mức phải giải cứu. Tôi tin rằng việc tái sử dụng sân bay Gia Lâm chắc chắn mang lại giá trị kinh tế, xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng, là một lựa chọn tốt nhất cho chủ trương xây dựng sân bay thứ 2 ở Hà Nội", TS. Trần Đình Bá cho hay.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết để xác định vị trí xây dựng cần rất nhiều yếu tố như vùng trời, mặt đất, mặt bằng, dân cư, điều kiện tự nhiên, kỹ thuật… Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc đề xuất vị trí xây sân bay thứ hai cho Hà Nội cần phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố và nghiên cứu khoa học cụ thể chứ không thể nói đặt ở đâu là đặt được.
Vị này cũng cho biết, việc quyết định đặt sân bay ở vị trí nào phải được xem xét bởi rất nhiều bộ, ngành, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bay và đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng.