1. Vì sao bị nám da?
Mặc dù nguyên nhân gây nám da chưa được xác định rõ, nhưng các yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố nữ, do lão hóa, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời… Vì thế nám da thường gặp nhiều hơn từ 30 tuổi trở lên, cả 2 giới, nhưng gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Có khá nhiều loại dược mỹ phẩm điều trị nám da. Tuy nhiên, một thực trạng khá thường gặp và cũng là điều khiến chị em khi điều trị nám lo lắng, đó là làn da trở nên đen sạm, nám nhiều hơn sau khi… điều trị nám.
Nhằm tránh gặp phải tác dụng phụ dở khóc dở cười này, tốt nhất chị em nên được tư vấn bởi chuyên gia chăm sóc da hoặc bác sĩ da liễu, để được hướng dẫn sử dụng sản phẩm phù hợp và cách dùng đúng, an toàn.
2. Các hoạt chất thường dùng trong điều trị nám
Trong điều trị nám da (không kể phụ nữ nám da do quá trình mang thai), các chế phẩm đầu tay thường dùng là:
2.1 Hydroquinone trị nám da
Hydroquinone được sử dụng đầu tay trong điều trị nám da, do hoạt chất này có tác dụng rất tốt đối với các vết sắc tố da, tăng sắc tố sau viêm, nám và một số dạng tăng sắc tố khác có liên quan đến lão hóa da do ánh nắng mặt trời. Hydroquinone làm mờ dần sự xuất hiện của các mảng nám và cải thiện đáng kể màu da không đồng đều do tăng sắc tố.
Nhưng hydroquinone không thực sự loại bỏ sắc tố ra khỏi da mà chỉ đơn giản là làm ngừng quá trình sản xuất. Khi tế bào hắc tố chết đi, chúng sẽ tích tụ trên da. Tế bào này chứa nhiều sắc tố hơn, sự tích tụ của chúng trên bề mặt da có thể tạm thời làm da bạn trông tối xỉn, sạm đen hơn trước.
Hơn nữa, hydroquinone còn khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Vì thế khi dùng hydroquinone điều trị nám da mà không thoa kem chống nắng thích hợp, dùng hydroquinone nồng độ cao quá mức, dùng thời gian quá dài… cũng khiến da đen sạm hơn.
Hydroquinone được khuyến cáo sử dụng không quá 6 tháng. Nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng hydroquinone trong khoảng 4 tháng đầu sẽ cho kết quả tốt. Nhưng nếu sử dụng kéo dài đến tháng thứ 5-6 thì kết quả cải thiện da không nhiều hơn mà nguy cơ sạm da cao hơn. Điều này có thể do các tế bào hắc tố trở nên đề kháng với hydroquinone và chứng tăng sắc tố của bệnh nhân trở nên xấu đi khi sử dụng hydroquinone kéo dài.
- Để phòng tránh hiệu ứng dội ngược do hydroquinone, thực hiện quy trình sau:
- Luôn luôn sử dụng kem chống nắng chỉ số SPF 30+ trở lên.
- Chỉ sử dụng sau khi được bác sĩ khám và kê toa nồng độ phù hợp. Quá trình điều trị nên được bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc da theo dõi.
- Sau khi đạt được làn da đều màu, sau 3 chu kỳ da (18 tuần) nên ngưng sử dụng.
- Sử dụng kết hợp với các hoạt chất trắng da khác...
- Để xử trí khi bị tăng sắc tố/dội ngược sắc tố có thể thực hiện các bước sau:
- Dùng các hoạt chất trắng da như arbutin, vitamin c, azelaic acid.
- Kết hợp các hoạt chất phục hồi da như HA, peptide, B5....
- Kết hợp mặt nạ phục hồi da
- Cùng với đường uống các hoạt chất trắng da...
2.2 Retinol
Là một dẫn xuất của vitamin A, retinol có vai trò làm giảm vết thâm nám, vết nhăn và giúp mau liền sẹo. Chính vì thế, retinol thường được các bác sĩ kê toa trong điều trị nám và mụn. Tuy nhiên, retinol cũng có nhiều nồng độ và tác dụng phụ là gây kích ứng da, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời… khiến da bị đen sạm hơn nếu sử dụng sai cách.
Để phòng tránh sạm da, tăng sắc tố da sau khi dùng retinol:
- Trước khi dùng nên kiểm tra độ nhạy cảm của da bằng cách thoa retinol lên mặt trong cánh tay.
- Chỉ sử dụng retinol ở nồng độ thấp (0,05%) hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, sau đó mới tăng nồng độ để da kịp thích ứng.
- Chỉ thoa retinol tuần 2-3 lần vào mỗi tối khi mới sử dụng.
- Tránh cho da tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, máy tính, tivi…
- Ban ngày luôn nhớ thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, thoa kem chống nắng cả khi không đi ra ngoài trời. Khi ra ngoài trời, ngoài sử dụng kem chống nắng, cần che chắn bảo vệ da bằng mặt nạ, kính râm, quần áo chống nắng
- Với da nhạy cảm, nên thoa kem giữ ẩm trước khi dùng kem retinol ít nhất 15 phút, đợi đến khi kem giữ ẩm thấm hoàn toàn vào da thì mới thoa kem retinol lên, nhất là kem retinol nồng độ cao từ đơn của bác sĩ.
Mời độc giả xem thêm video:
Ngủ trưa liệu có tốt cho sức khỏe như nhiều người nghĩ?