Sâm Lai Châu và 22 loài khác thuộc danh mục dược liệu quý hiếm và đặc dụng phải kiểm soát
Theo danh mục đã được Bộ Y tế ban hành, hiện có 23 loài, chủng loại dược liệu quý hiếm và đặc dụng phải kiểm soát gồm: 1- Bách hợp; 2- Bát giác liên; 3- Bảy lá một hoa; 4- Bình vôi; 5- Cẩu tích; 6- Cốt toái bổ; 7- Đẳng sâm; 8- Hoàng đằng; 9- Hoàng liên ô rô; 10- Hoàng tinh hoa đỏ; 11- Hoàng tinh hoa trắng; 12- Na rừng; 13- Nam hoàng liên; 14- Sâm Lai Châu; 15- Sâm Lang bian; 16- Sâm Ngọc Linh; 17- Tắc kè đá; 18- Tế tân; 19- Thạch tùng răng cưa; 20- Thổ hoàng liên; 21- Thông đỏ lá dài; 22- Thông đỏ lá ngắn; 23- Vàng đắng.
Bộ Y tế cho biết, danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm và đặc hữu phải kiểm soát được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu bảo vệ nguồn dược liệu quý, hiếm và đặc hữu trong tự nhiên; đảo đảm cơ sở khoa học và phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và phù hợp với thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Dược liệu được lựa chọn đưa vào danh mục là dược liệu thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước về dược liệu trong giai đoạn hiện nay. Dược liệu không đáp ứng các tiêu chí trên sẽ được xem xét đưa ra khỏi danh mục.
Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gien cây thuốc quý hiếm được quan tâm
Công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gien cây thuốc đã được nhiều cơ quan trong và ngoài ngành y tế tham gia thực hiện trong suốt hơn 30 năm qua.
Hiện nay, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) là đơn vị đầu mối thực hiện công tác bảo tồn nguồn gien và giống cây thuốc. Đến nay, đã xây dựng được hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gien cây thuốc tại các vùng sinh thái khác nhau. Kết quả điều tra của Viện Dược liệu đến năm 2016 cho thấy, đã ghi nhận và thống kê được 5.117 loài và dưới loài thực vật được sử dụng làm thuốc.
Mỗi năm, thông qua công tác điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu đã thu thập bổ sung hàng trăm nguồn gien đưa về trồng bảo tồn tại các vườn bảo tồn. Trong đó, thu thập được một số loài, nhóm loài theo tập đoàn phục vụ công tác chọn, tạo giống như: Sả, bạc hà, nghệ, đinh lăng, kim ngân, gấc, ba kích, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, trinh nữ hoàng cung...
Một số loài, nhóm loài thuộc diện quý hiếm có tên trong sách đỏ cũng đã được thu thập, bổ sung, ưu tiên bảo tồn như: Bảy lá một hoa, ngũ vị tử hoa đỏ, ba gạc lá to, lan kim tuyến, ngân đằng, các loài thuộc chi Panax L…
Tính đến tháng 12/2021, hệ thống năm vườn bảo tồn của Viện Dược liệu đang bảo tồn và lưu giữ 1.180 nguồn gien cây thuốc, trong đó có 66 loài cây thuốc thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đây là những nguồn vật liệu quan trọng cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, khai thác và phát triển nguồn gien, tạo nhiều giống dược liệu quý, có năng suất và chất lượng cao.
Bộ Y tế cho biết, loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm là dược liệu có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng. Loài, chủng loại dược liệu đặc hữu là dược liệu chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp và giới hạn trong một vùng lãnh thổ nhất định của Việt Nam mà không được ghi nhận là có ở nơi khác trên thế giới.