Từ lâu, sâm Lai Châu được đồng bào các dân tộc trong tỉnh sử dụng để nâng cao sức khỏe, đến nay sản phẩm sâm Ngọc Linh nói riêng và một số loại sâm quý được trồng trên địa bàn tỉnh trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị rất cao, được nhân dân trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn. Đây chính là cơ hội quý cho Lai Châu phát triển ngành sâm và thực phẩm chức năng từ sâm.
Tối 11/11, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Lễ khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”. Tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác cần xứng danh với tên gọi 'quốc bảo' của Việt Nam. Cùng dự có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, một số địa phương, khách mời quốc tế; một số tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học, nhà đầu tư…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tỉnh Lai Châu tổ chức Hội chợ sâm Lai Châu quy mô, bài bản để quảng bá tiềm năng tới các nhà đầu tư. Đồng thời, Chủ tịch nước đánh giá, với 6/10 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Việt Nam, độ che phủ rừng tự nhiên gần 52%, Lai Châu có nhiều lâm sản, thực vật, cây thuốc quý hiếm có dược tính cao, trong đó có cây sâm Lai Châu. Tỉnh có cơ hội phát triển 40.000 ha loại sâm này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Sâm Lai Châu, Sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác cần xứng danh với tên gọi "Quốc bảo" của Việt Nam. Cùng với đó, cần nỗ lực làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ để đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Phát biểu trong chương trình khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng khẳng định, sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu. Tất cả các bộ phận của cây đều được dùng để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Sâm Lai Châu thuộc họ Nhân sâm, chi Panax, phân bố ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mặt nước biển, phù hợp với địa hình khí hậu phần lớn các xã vùng biên giới, vùng cao của tỉnh Lai Châu.
Qua rà soát, đánh giá Lai Châu xác định có hơn 38 nghìn ha có khả năng phát triển tốt Sâm Lai Châu. Hiện nay Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sin Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gene dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Hội chợ Sâm lần này nhằm quảng bá Sâm Lai Châu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước; giới thiệu tiềm năng, lợi thế và các chính sách của tỉnh để thu hút đầu tư, nhằm hiện thực hóa việc phát triển vùng nguyên liệu sâm khoảng ba nghìn ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hiện thực hóa khát vọng "thoát nghèo, góp phần thay đổi cuộc sống" của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.