Sâm cau – Dược liệu vàng cho sinh lực phái mạnh

SKĐS - Sâm cau từ xưa tới nay vẫn được coi như viagra dành cho các quý ông. Sâm cau mọc ở các tỉnh miền núi từ Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang…đến Tây Nguyên. Nhóm chất cycloartan triterpen saponin chứa trong thân rễ Sâm cau có tác dụng làm tăng khả năng sản xuất nội tiết tố nam testosterone, tăng gấp đôi trọng lượng tinh hoàn, chống co thắt, làm thư giãn cơ, giảm ức chế thần kinh, bảo vệ tế bào thần kinh, làm dịu căng thẳng.

Giao hợp là động tác sinh lý tự nhiên gồm 3 giai đoạn: ham muốn sắc dục, cương dương vật và cực khoái. Giao hợp là sự kết hợp hài hòa giữa thần kinh trung ương, cũng như thần kinh thực vật với hệ tuần hoàn và hệ nội tiết. Một trong các yếu tố trên bị rối loạn sẽ dẫn tới yếu sinh lý, giảm sinh lực.

Những nguyên nhân chính gây giảm hám muốn ở nam giới

Do thần kinh : Giao hợp đòi hỏi có sự tác động hài hòa giữa trung tâm giao cảm ở tủy sống với trung tâm tình dục ở não, thương tổn các dây thần kinh thẹn và dây thần kinh cương, sẽ gây ra hiện tượng bất lực.

Do yếu tố tâm lý: Lo nghĩ quá mức, buồn phiền, nghiện rượu, nghiện ma túy, sự bất hòa trong cuộc sống gia đình, bất mãn trong cuộc sống xã hội, lao lực quá mức cũng dẫn tới giảm ham muốn ở nam giới.

Do nội tiết: do giảm hàm lượng nội tiết tố nam testosterone, làm giảm kích thích các trung tâm tình dục ở não, đặc biệt ở người từ tuổi trung niên trở lên, lượng testosterone trong máu giảm xuống dưới 2ng/ml, tăng prolactin do tuyến yên cũng gây giảm testosterone, từ đó làm giảm ham muốn.

Do huyết mạch: làm cho máu không dồn về thể hang của dương vật, không kìm giữ máu tại chỗ trong suốt thời gian giao hợp.

Cây Sâm cau

Thân, rễ Sâm cau chứa nhiều chất quý tăng khả năng sinh lực

Thuốc điều trị bệnh yếu sinh lý nam gồm 2 loại, thúc đẩy cương dương vật không cần sự kích thích sắc dục bổ sung và thuốc trợ giúp cương với sự trợ giúp kích thích sắc dục.

Theo Y học cổ truyền, bệnh liệt dương gọi là chứng “dương nuy” do khí thận hư. Khí vận hành theo các đường “kinh”, “mạch”, “huyệt” như một dòng nước, chỗ đi ra gọi là “tĩnh”, trôi chảy gọi là “huỳnh”, dồn lại gọi là “dư”, đi qua gọi là “kinh”, nhập lại gọi là “hợp”.

Đường kinh như một chùm ống dẫn, nhờ nó mà khí ngũ hành xuyên suốt các cơ quan. Khí gắn với huyết, nhưng không phải là huyết, huyết giúp khí di chuyển, huyết vượng thì khí thông, huyết ngừng thì khí cũng ngừng. Chính vì vậy, chứng liệt dương là do khí thận hư.

Sâm cau có tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn là một trong những dược liệu vàng hỗ trợ việc tăng cường sức mạnh sinh lý nam. Sâm cau chuộc họ Tỏi voi lùn (Hypoxidaceae). Trên thế giới, Sâm cau phân bố ở Ấn Độ, một số tỉnh phía nam Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, sâm cau mọc ở các tỉnh miền núi từ Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang…đến Tây Nguyên.

Trước những năm 1980, Sơn La và Hòa Bình khai thác quá mức, đến nay đã khan hiếm. Bởi vậy, hiện nay, Sâm cau đang được trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu rất lớn.

Vùng trồng Sâm cau của người dân

Sâm cau, có vị cay, tính ấm, quy vào 2 kinh tỳ và thận, làm tăng cái nóng, làm hết cái lạnh, cường dương, mạnh gân cốt. Sâm cau, từ xa xưa đã được dùng để chữa các chứng: nam giới tinh lạnh, liệt dương, người già đái són, lạnh bụng, kém ăn, tê thấp, lưng gối vận động khó khăn, lại thêm tăng sức lực, nên được gọi là sâm.

Ở Trung Quốc, nước sắc Sâm cau được dùng làm thuốc bổ, thuốc hồi sức để điều trị bệnh suy nhược cơ thể, đau lưng, viêm khớp, viêm thận mạn tính…(bài thuốc: “Nhị Tiên thang”). Ở Ấn Độ, Sâm cau tươi thái nhỏ, hầm với gà để bồi bổ cơ thể. Ở Ấn Độ, Nepal, Philipin và Việt Nam, thân rễ Sâm cau được dùng làm thuốc bổ và thuốc kích dục. Ở Ấn Độ người ta có thói quen, hòa bột tán mịn rễ sâm cau với sữa uống, khi cảm thấy mệt mỏi, yếu sinh lý hay bị bệnh tiểu đường. Ở Ấn Độ, hiện nay đang lưu hành trên thị trường một số sản phẩm bào chế từ sâm cau giúp tăng cường sức khỏe và sinh lý nam.

Trong thân và rễ Sâm Cau có nhóm chất cycloartan triterpen saponin có tác dụng làm tăng khả năng sản xuất nội tiết tố nam testosterone, chống co thắt, làm thư giãn cơ và giảm ức chế thần kinh. Ngoài ra, Sâm cau còn chứa chất curculosid có tác dụng chống ngưng tập beta-amyloid, qua đó bảo vệ tế bào thần kinh, làm dịu căng thẳng. Curculigosaponin C và F kích thích sản sinh tế bào lympho lách, làm tăng khả năng miễn dịch.

Curculigosaponin F và G có tác dụng làm tăng trở lại khối lượng tuyến ức (tuyến này ở tuổi dậy thì khối lượng tăng gấp đôi, nhưng sau đó dần dần nhỏ lại). Một peptid curculin C có tác dụng tốt cho hệ thống miễn dịch, tăng khả năng sinh thích nghi và các hoạt động khác liên quan đến khả năng tự bảo vệ của cơ thể.

Trong thân và rễ Sâm Cau có nhóm chất cycloartan triterpen saponin có tác dụng làm tăng khả năng sản xuất nội tiết tố nam testosterone, chống co thắt, làm thư giãn cơ và giảm ức chế thần kinh.

Theo Jitendra Mehta (ĐH Kota, Ấn Độ) đăng trên Pharm.& Biomedi. Res 2014, 1(1) tr.12-16, Sâm cau đã được khoa học hiện đại chứng minh có một số tác dụng  như: Kích dục ở liều 100mg cao cồn/kg thể trọng và 200mg cao nước/kg thể trọng, tác dụng tăng sản xuất tinh trùng (spermatogenic), tác dụng tăng cường miễn dịch trên mô hình gây suy giảm miễn dịch bằng cyclophosphamid, chống viêm và chống mệt mỏi mạn tính.

Trong bài tổng quan về các loài cây thuốc có tác dụng tăng cường hoạt động tình dục, đăng trên tạp chí Biomed. Research International năm 2014, cho thấy: Sâm cau là cây thuốc truyền thống có tác dụng tăng cường khả năng hoạt động tình dục, tăng khoái cảm. Tác dụng này của sâm cau được đánh giá trên độ cương cứng của dương vật khi sử dụng liều 200mg cao nước trong 14 ngày.

Sâm cau được sử dụng cho nam giới suy giảm thời gian và số lần giao hợp, suy nhược sức lực tình dục, tăng khả năng sản sinh tinh dịch, tốt cho người suy giảm khả năng tình dục, do suy giảm sức lực, suy giảm chức năng của các bộ phận sinh dục.

Năm 2014, Đại học Y khoa Tamil Nadu đã tài trợ cho viện Siddha, nghiên cứu lâm sàng trên 50 bệnh nhân thiếu hụt tinh trùng, không có các bệnh về gan, thận và đường tiết niệu, tinh trùng được  định lượng trước và sau khi sử dụng thuốc. Đại đa số bệnh nhân đã cải thiện tốt khả năng hoạt động tình dục, có sự thay đổi đáng kể về thời gian sống của tinh trùng sau 1 tháng uống thuốc, ở tháng thứ 2 bắt đầu có sự tăng về số lượng và tăng khả năng vận động của tinh trùng, sau 3 tháng điều trị, số lượng tinh trùng đã khôi phục lại được 80% so với người khỏe mạnh, 15 trong số 50 cặp vợ chồng sau đó đã sinh con.



Hoa và củ Sâm cau

Tại Việt Nam, công trình nghiên cứu của Viện Dược liệu Trung ương năm 2005 cho thấy: Sâm cau thể hiện tác dụng tăng lực tốt nhất (tốt hơn cả sâm bố chính và sa sâm) chỉ sau 7 ngày và 14 ngày sử dụng.

Một công trình nghiên cứu khác của Bùi Minh Giang cho thấy: Cao cồn sâm cau có tác dụng tăng hoạt tính sinh dục nam cao gấp 1,5 lần so với các loài khác có tác dụng tương tự, làm tăng trọng lượng tinh hoàn 150,2%.

Nghiên cứu trên thực nghiệm của TS. Phan Quốc Kinh cũng cho thấy: Sâm cau làm tăng gấp đôi trọng lượng tinh hoàn, tăng khối lượng tinh hoàn có thể giúp làm tăng nồng độ testosterone, yếu tố quan trọng quyết định hoạt động tình dục, vì thế mà sâm cau được xem là “viagra” tự nhiên tốt cho nam giới.

Sâm cau có thể dùng đơn lẻ bằng cách ngâm rượu, tuy nhiên để sử dụng sâm cau một cách hiệu quả nhất, thì ngoài việc dùng đúng dược liệu, Sâm cau thường được dùng phối hợp với nhung hươu, nhân sâm hoặc một số vị thuốc khác… để gia tăng tác dụng, dùng dài ngày còn giúp làm trẻ hóa cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa, săn chắc cơ bắp, đặc biệt giúp cơ thể hồi phục khả năng sản xuất nội tiết tố nam testosterone.


PGS. TS. Nguyễn Thượng Dong–Nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu
Ý kiến của bạn