Saint - Just nghĩ gì?

25-11-2019 06:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Saint Just 1767-1794 (Xanh Zúyx tơ) là một khuôn mặt điển hình của Cách mạng Pháp 1789.

Mất năm 27 tuổi, ông được bầu vào Nghị viện cách mạng Convention năm 25 tuổi, nghị sĩ trẻ nhất. Ông là một nghị sĩ thuộc phe Montagne và là một thành viên của câu lạc bộ Jacobins.

Ông chủ trương một nền Cộng hòa bình đẳng tuyệt đối và có đạo đức, ông trở thành nhà lý luận và linh hồn của Thời Khủng bố (Terreur), dùng bạo lực đưa lên máy chém những ai chống lại cách mạng.

Sau sự thất bại của Robespierre lãnh đạo phe mình, ông cũng bị đưa lên máy chém.

Ngày 20/11/1792, người ta tìm thấy tủ sách và một số tài liệu chứng tỏ Vua Louis XVI phản bội nhân dân. Nghị viện Convention tự biến thành tòa án xét xử nhà vua. Nghị viện trở thành đấu trường giữa hai phái: phái Montagne, muốn gấp rút tuyên án cực nặng, và phái Gironde, e sợ một quyết định quá vội vàng. Ngày 27/12 phê phán sự lưỡng lự của phái Gironde, Saint-Just đọc một bài diễn văn mạnh mẽ thuyết phục Nghị viện Convention đưa Louis XVI lên máy chém.

Saint Just (1767-1794 ).

Saint Just (1767-1794 ).

Sau đây là trích đoạn bài diễn văn:

“Trước đây khi nhân dân bị đàn áp, những người bênh vực nhân dân bị đày ải: hỡi các vị đang bênh vực kẻ mà toàn dân lên án, các vị sẽ không ân hận về sự bất công ấy hay sao! Các vua chúa đã truy hại đức hạnh trong bóng tối. Còn chúng ta thì chúng ta xét xử công khai các vua chúa trước thế giới. Những cuộc thảo luận của chúng ta thì công khai để không ai có thể lên án chúng ta là đã ứng xử không được chu đáo. Hỡi các vị hãy còn bảo vệ Louis, các vị đang bảo vệ những người Pháp chống lại sự phán xét mà toàn thế giới sẽ làm! Quả là một nhân dân hào hiệp cho đến ngày cuối cùng! Nhân dân ấy đã không muốn tự mình phán xét kẻ thù của mình ư, nhân dân đã cho phép người ta tìm mọi cách để thuyết phục họ là họ sai lầm, ngay cả khi biết bao gia đình đã phải để tang con cháu, và trong khi những công dân tốt nhất, do kết quả của sự phản bội và bạo chính, đã bị chôn vùi trong dãy núi Argonne, trong tất cả đế chế và ở Paris quanh các vị! Vậy thế mà một dân tộc bất hạnh, phá tan xiềng xích và trừng phạt sự lạm dụng chức quyền, lại buộc phải chứng minh tính cách đứng đắn của sự anh dũng và đạo đức của mình ư! Đến cả các vị, cũng dường như là những thẩm phán nghiêm khắc nhất của tính chất vô chính phủ, chắc chắn các vị sẽ không để người ta sẽ nói là, sự nghiêm khắc của các vị là dành cho nhân dân, còn sự nhạy cảm của các vị là để cho vua chúa. Chúng ta không còn được phép tỏ ra yếu đuối: khi chúng ta đã đòi hỏi lưu đày bè lũ Buốc-bông, nếu người ta lưu đày những người vô tội thì chúng ta lại cần phải không khoan nhượng chút nào đối với những kẻ có tội.[…]

Tổ quốc ở giữa các vị, các vị hãy lựa chọn giữa tổ quốc và nhà vua, hãy lựa chọn giữa việc thi hành xét xử của nhân dân và sự thể hiện sự nhu nhược của bản thân các vị […]

Các vị hãy nói với châu Âu, được gọi đến làm chứng: hãy phục vụ các vị quân vương của ngươi chống lại chúng ta, chúng ta đã là những kẻ phản nghịch”; các vị hãy có dũng cảm nói lên sự thật; vì hình như ở đây, người ta sợ chân thực. Sự thật đang rực cháy một cách lặng lẽ trong tất cả các trái tim, như một ngọn đèn rực sáng trong một nấm mồ. Nhưng nếu có một người nào mà số phận nền Cộng hòa không làm rung cảm chút nào, thì kẻ đó hãy khụy xuống chân tên bạo chúa, và kẻ đó hãy trao trả cho y con dao mà y đã dùng để giết những công dân của các vị; hãy để hắn quên tất cả những tội ác của hắn, và để hắn bảo nhân dân bảo là người ta đã hủ hóa chúng tôi […]

Để làm dịu bớt phán xét của các vị, người ta sẽ nêu lên là xét xử chẳng qua chỉ là vấn đề phe phái. Như vậy là tư tưởng vì quân chủ vẫn ngự trị trong chúng ta, và những tập quán của nền cộng hòa không được coi ra cái gì; tinh thần nền cộng hòa, các vị làm ra luật pháp có nhiệm vụ phải trị những bè phái ấy. Như vậy thì vì một mối liên kết giữa tội ác và nhân dân, tên bạo chúa sẽ có thể làm cho tự do chậm bước, và người ta có thể đặt số phận của tổ quốc trên sự không trừng phạt tên bạo chúa. Sự nhu nhược ấy không xứng đáng với các vị. Không phải là không vất vả mới có được tự do; nhưng trong tình thế của chúng ta hiện nay, vấn đề không phải là sợ sệt, chúng ta có cách đắc thắng! không có suy luận nào có thể cản bước quá trình công lý được; công lý đồng hành với khôn ngoan và thắng lợi.

Tôi yêu cầu từng vị nghị sĩ Convention lần lượt lên lễ đài, và nói lên câu này: “Tên Louis đã biết tội hay chưa?”. Sau đó, mỗi vị sẽ cho biết đồng ý xử tội hay tha tội. Tiếp theo chủ tịch sẽ thảo và tuyên bố quyết định cuộc xét xử.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn