Có ai đó đã phải thốt lên “mắc sai sót là quyền của con người”. Thật thế! Chúng ta đã sai sót, vấp ngã bao nhiêu lần kể từ khi sinh ra…, bạn có đếm được không? Không. Tôi cũng vậy. Ai cũng đã từng trải qua những dại dột thời trẻ con. Ai cũng mắc vào những ngông cuồng, mê đắm, lú lẫn thời son trẻ. Khi trưởng thành rồi những toan tính, ước mơ không trở thành hiện thực làm ta đau khổ. Những lầm tưởng luôn khiến ta điêu đứng khi nhận ra sự thực. Tất cả những sai sót, lầm lỡ ấy đã tạo ra mỗi con người chúng ta ngày hôm nay. Mái tóc bạc, sự già nua đi kèm với sự thông thái và kinh nghiệm. Danh vị có lẽ chỉ là phép đánh đổi của học tập không ngừng nghỉ, đúc rút kinh nghiệm và một phần rất quan trọng là rút ra được bài học cần thiết từ những sai lầm. Hành nghề y thật nghiệt ngã bởi vinh quang và cay đắng luôn ở rất gần nhau. Sự trả giá là khốc liệt, có khi là tàn bạo hơn ta tưởng. Sinh nghề, tử nghiệp, rất nhiều người đã kết thúc sự nghiệp tròn vẹn và vinh quang. Nhưng cũng thật buồn là đã có những người không thể… Và chúng ta lại ngậm ngùi: trông người lại nghĩ đến ta.
Làm nghề bác sĩ mắt được 17 năm, may mà vẫn toàn vẹn được chữ bác sĩ trên ngực áo. Nếu tôi thoát hiểm được đến ngày hôm nay thì bí quyết là gì xin được mạnh dạn chia sẻ với các đồng nghiệp:
- Thận trọng và thận trọng: Những phút thăng hoa, chủ quan, ngại việc sẽ cung cấp sai lầm cho ta nhiều nhất. Một bệnh nhân đến vào sát 12 giờ trưa, một thoáng lười nhác khiến tôi không khám kỹ để điều chỉnh thuốc hợp lý đã làm tôi khốn đốn. Mấy tuần sau, vì bệnh nặng lên nên bệnh nhân phải nhập viện lại, cho là bác sĩ mải ăn trưa nên kém nhiệt tình đã cho tôi 2 đơn đề nghị kiểm điểm và kỷ luật. Trớ trêu là những phút lơ đãng, thiếu thận trọng luôn có trong đời người nên bí quyết sau đây sẽ phải nêu ra tiếp…
Kinh nghiệm và trình độ sẽ giúp người thầy thuốc hạn chế được sai sót trong hành nghề.
- Kiểm tra đi và kiểm tra lại: Bao nhiêu lần trong khám chữa bệnh ta đã phải kiểm tra đi rồi có gì đó lại kiểm tra lại và cuối cùng đã thành công, thoát khỏi sai sót một cách ngoạn mục. Một bệnh nhân có sẹo ở giác mạc nhưng soi kỹ thì đáy mắt cũng có viêm võng mạc. Một thứ không chữa được còn cái còn lại vẫn chữa được. Vậy là ta đã thoát hiểm nếu như ai đó lại thay ta phát hiện được bệnh thứ hai. Mọi cái như bình thường nhưng bệnh nhân cứ than phiền về điều này, điều nọ thì phải suy nghĩ thêm, kiểm tra lại chẩn đoán… chắc chắn giúp ta có hướng đi mới, cải thiện được tình hình. Những điều bệnh nhân kể lể tuy có vẻ nhàm tai nhưng khi được bác sĩ gợi mở đúng, quan tâm đúng mức sẽ làm nên giá trị của chẩn đoán và điều trị. Một ông giám đốc đi cùng vợ kể lể về mắt làm tôi hóa điên vì chẳng giống bệnh gì cả. Mãi đến khi bà vợ than phiền công ty vừa phá sản, ông chồng bắt đi khắp nơi chữa bệnh thì tôi mới vỡ lẽ: Hoang tưởng mắc bệnh chứ không phải là bệnh thực thể.
- Làm đầy kiến thức chuyên môn nhiều thêm nữa. Mỗi bài báo, trang sách, giờ giảng, buổi sinh hoạt khoa học đều như nước mưa thấm đẫm dần mảnh đất tri thức của người bác sĩ. Những điểm mấu chốt, nguyên tắc lớn cần được nắm vững để gạt bỏ những bối rối, sai lầm thường ngày. Những trường hợp khó cần được bàn bạc, hội chẩn, đầu tư thêm công sức cũng là lẽ thường của ngành y để tránh sai lầm cho mỗi bác sĩ chúng ta.
Còn gì nữa? Chính sách tốt vẫn phải là bao trùm lên tất cả những đúc kết hay kinh nghiệm của người này, người nọ. Tai nạn nghề nghiệp gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh, dấy lên lo ngại của xã hội, công việc vốn đã quá tải sẽ càng thêm nặng nề. Ai cũng có quyền mắc sai lầm mặc dù đó là cái quyền chả ai trong chúng ta muốn dùng đến. Vậy thì cơ chế và chính sách phải như người bảo hộ cho nhân viên y tế. Bảo hiểm nghề nghiệp phải ra đời, hội nghề nghiệp phải có thêm nhiều quyền năng nữa. Qui trình chuyên môn, nguyên tắc điều trị… đã có từ lâu nhưng mỗi khi có vụ việc mới được đem ra để răn đe, sửa chữa. Vững chuyên môn và có thêm nhiều hướng dẫn, kiểm tra... (guide line, time-in, time-out, checklist...) học từ nước ngoài sẽ trang bị thêm hành trang cho chúng ta để chống lại sai sót y khoa.