Theo đó, 4 bị can cùng bị đề nghị truy tố với ông Nguyễn Thành Tài gồm: ông Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM), ông Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận ủy quận 2, TP. HCM), bà Lê Thị Thanh Thúy (cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue) và ông Trương Văn Út (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở TN&MT TP. HCM).
Tại bản kết luận điều tra bổ sung lần này, cơ quan điều tra đã làm rõ các yêu cầu của VKSND Tối cao. Cụ thể là, về yêu cầu trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị can Lê Thị Thanh Thúy. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Kết quả, bị can Thúy không mắc bệnh tâm thần, không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình.
Khu đất 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Về yêu cầu của VKSND Tối cao là điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu đồng phạm với bị can Nguyễn Thành Tài của các ông Lưu Văn Thăng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xăng dầu Vitaco), Nguyễn Bình Xuân (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kim khí TP. HCM), Nguyễn Khắc Thám (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa chất vật liệu xây dựng TP. HCM), Nguyễn Đình Hiền (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn), Cơ quan CSĐT - Bộ Công an giữ nguyên quan điểm như trước. Theo đó, Cơ quan CSĐT cho rằng không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự với những người này về hành vi vi phạm quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát. Kết quả điều tra đến nay cũng không có tài liệu nào chứng minh các ông này có hành vi bàn bạc thông đồng với bị can Tài. Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Thành Tài là người tổ chức, các bị can Kiệt, Nam, Út là đồng phạm với vai trò người thực hành và bị can Thúy là đồng phạm với vai trò giúp sức.
Về yêu cầu điều tra xác minh làm rõ tài sản các bị can để xem xét đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã kê biên 11 bất động sản thuộc sở hữu của các bị can. Đối với yêu cầu xác định hậu quả thiệt hại và thất thoát tài sản nhà nước, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an xác định các bị can phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, đề nghị VKSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố các bị can.
Trước đó, cuối năm 2019, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, đã hoàn tất kết luận điều tra, tuy nhiên sau đó, VKSND Tối cao đã không ban hành cáo trạng mà trả hồ sơ lại cho Cơ quan CSĐT - Bộ Công an để tiếp tục điều tra. Tại kết luận điều tra trước đó, khu đất tại số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM có tổng diện tích 4896,3m2, gồm 2 khu đất tại số 8 và 12 Lê Duẩn. Khu đất này là sở hữu Nhà nước, từ năm 1994 giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà, ký hợp đồng cho nhóm 4 công ty thuê đất, trả tiền thuê hàng năm.
Do muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai khu đất 8-12 Lê Duẩn thành khách sạn cao cấp và bị tác động mối quan hệ tình cảm với bị can Lê Thị Thanh Thúy, ông Nguyễn Thành Tài đã ký ban hành quyết định giao đất và cho thuê đất chỉ định tại 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Lavenue (công ty không phải là đối tượng được mua tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng bằng hình thức chỉ định) không đúng đối tượng, trái với Quyết định 09/2007 và Quyết định 140/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Sai phạm của các bị can trong vụ 8-12 Lê Duẩn, theo cơ quan điều tra là Nhà nước bị thất thu ngân sách gần 248 tỷ đồng. Tại thời điểm Cơ quan CSĐT - Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án (tháng 12/2018), hậu quả, thiệt hại và thất thoát, lãng phí do hành vi phạm tội của các bị can gây ra là trên 2.000 tỷ đồng.
Ngoài 5 bị can trên, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cũng truy nã đối tượng Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà), kiến nghị xem xét xử lý, kỷ luật cá nhân liên quan tại UBND TP. HCM, Ban 09 TP. HCM.