Biểu hiện đau lưng sau khi chơi thể thao có thể là đau nhói hoặc đau âm ỉ ở vùng cột sống thắt lưng. Người bệnh có cảm giác đau tăng nặng khi ngồi, đứng lâu hoặc khi chạy nhảy. Nếu nằm xuống để nghỉ ngơi thì sẽ thấy bớt đau.
Càng để lâu thì sẽ càng đau nhiều hơn nhất là khi cử động. Cơn đau vùng lưng có thể lan dần xuống mông, đùi, hoặc háng; Lưng trở nên đơ cứng, khó khăn trong việc khom cúi người và phải đi ưỡn ngực.
Nguyên nhân đau lưng sau tập luyện có nhiều tuy nhiên, những sai lầm sau có thể dẫn đến tình trạng đau lưng sau khi tập luyện.
Sai tư thế, căng cơ
Một lý do phổ biến gây đau lưng sau khi tập thể dục là do thay đổi tư thế trong quá trình tập luyện. Khi bạn thực hiện các bài tập mới hoặc nâng cấp mức độ tập luyện của mình, cơ thể của bạn có thể phải thích nghi với các nguyên tắc và tư thế mới. Điều này có thể tạo ra một áp lực lớn lên các cơ lưng và dây chằng.
Ngoài ra, căng cơ cũng có thể là một nguyên nhân gây đau lưng sau khi tập thể dục. Khi bạn tập luyện, cơ bắp của bạn có thể căng cứng hơn bình thường. Việc căng cơ kéo dài có thể gây ra cảm giác đau và khó chịu sau tập thể dục.
Nhiều người cho rằng việc đi bộ không gây đau lưng tuy nhiên, chạy bộ, đi bộ thông thường hoặc chạy bộ cardio luôn phải đảm bảo giữ lưng thẳng vì theo nhịp độ tăng dần của các bài tập, mỗi bước chạy sẽ tác động mạnh trực tiếp đến cơ xương chân kéo dài đến vùng khớp lưng. Thế nên, nếu lưng không thẳng hoặc cong vẹo sẽ dễ gây đau sau khi chạy. Một số môn thể thao có tư thế liên quan đến lưng như: Golf, Tennis … có tư thế xoay vai lưng hoặc gập người lập lại nhiều lần và phải giữ trong khoảng thời gian dài nhất định.

Việc tập luyện thể thao quá sức dẫn đến quá tải, làm mỏi và đau nhức cơ thắt lưng. ảnh minh họa
Tập luyện quá mức
Việc tập luyện thể thao quá sức dẫn đến quá tải, làm mỏi và đau nhức cơ thắt lưng. Nhiều người ham luyện tập nên thường tập với cường độ nặng, gồng lưng nhiều lần và quá sức luôn mang đến cảm giác đau mỏi sau khi vận động.
Trong các trường hợp, đôi khi cơn đau lưng sẽ trở nên dữ dội, thậm chí là tồi tệ hơn và có thể đang báo hiệu các bệnh lý về cơ xương khớp như nứt xương, đứt/ rách dây chằng…
Mặt khác, việc dồn sức sai chỗ và chỉ tập trung vào lưng cũng dẫn đến chấn thương, đặc biệt là phần thắt lưng và khu vực lưng trên gần với bả vai.
Ở những môn thể thao có tính chất cúi người, khuân vác hoặc tập tạ, người tập thường điều hướng và sử dụng sức lực phân bổ không đều khiến lưng chịu ảnh hưởng bởi sức nặng của vật nặng thay vì dùng sức ở bắp tay hoặc chân để nâng đỡ.
Không khởi động khi tập luyện
Việc không khởi động trước khi luyện tập cũng có thể gây đau lưng. Khởi động là một phần quan trọng của bất kỳ hoạt động thể chất nào và yoga cũng không ngoại lệ. Các động tác dãn cơ cơ bản (như cuộn cổ, cuộn vai và xoay người nhẹ nhàng) giúp cơ thể bạn sẵn sàng cho các tư thế khó hơn sau này.
Cố luyện tập khi bị chấn thương nhẹ
Một nguyên nhân khác dẫn đến đau lưng sau khi tập thể dục có thể là do chấn thương nhẹ. Đôi khi, chúng ta có thể làm tổn thương các dây chằng, cơ, hoặc các khớp khi tập luyện một cách quá mức hoặc không đúng cách. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố luyện tập dẫn đến các chấn thương này càng thêm trầm trọng và có thể gây ra đau lưng sau khi tập thể dục.
Ghi nhận thực tế, người ít vận động, ngồi hàng giờ trước máy tính sẽ làm cột sống thoái hóa sớm và các tổ chức liên quan cũng không còn đủ sức giữ đĩa đệm nằm yên vị trí. Có khi vô tình, một tác động nhỏ như cúi người vội vàng, bưng vật nặng… cũng khiến đĩa đệm bị thoát vị. Đĩa đệm thoát vị gây chèn ép các tổ chức khác như thần kinh gây đau và hiện tượng thoái hóa cột sống sớm do ngồi nhiều cũng gây đau lưng rất khó chịu nếu vận động, tập luyện không đúng sẽ khiến tình trạng đau thêm trầm trọng.
Lời khuyên thầy thuốc
Đau lưng sau khi tập thể dục không nhất thiết là một vấn đề nghiêm trọng. Thông thường, đau lưng sau khi tập có thể được giảm đau và điều trị bằng các biện pháp tự nhiên như thay đổi tư thế, nghỉ ngơi và luyện tập cơ lưng.
Các cơn đau lưng có thể ở mức nhẹ nên người tập có thể thử các cách sau để giảm đau ngay tại nhà như: Nghỉ ngơi, chườm đá, uống thuốc giảm đau, dùng miếng dán giảm đau; Thực hiện tư thế thiền nằm: nằm thẳng lưng và điều hòa nhịp thở…
Tuy nhiên, khi cơn đau dần trở nên dai dẳng và đau hơn trước, người tập nên cân nhắc thực hiện thăm khám với bác sĩ và chụp X-quang để có thể nắm rõ tình hình cơn đau và điều trị dứt điểm trước khi trở nặng.