Hà Nội

Sai lầm thường gặp khi điều trị ung thư bằng y học cổ truyền

SKĐS - Điều trị ung thư bằng các phương pháp y học cổ truyền được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người bệnh và người nhà bệnh nhân có quan điểm chưa đúng về vấn đề này, nên đã xảy ra không ít các trường hợp đáng tiếc.

1. Điều trị ung thư bằng thuốc thảo dược theo quảng cáo

Ung thư được xem là bệnh khó điều trị, có thể di căn và dẫn đến tử vong.

Người bệnh mắc ung thư thường rất lo lắng, chạy chữa rất nhiều nơi. Các phương pháp y học cổ truyền (YHCT) như dùng thuốc thảo dược hoặc châm cứu bấm huyệt được người bệnh mắc ung thư rất quan tâm và rất dễ đặt niềm tin vào các quảng cáo tràn lan không được kiểm duyệt.

Theo đó, người bệnh tự ý sử dụng một vài loại dược liệu cho mọi loại ung thư. Điều này không hoàn toàn chính xác.

Việc sử dụng loại dược liệu gì, phối hợp thế nào và liều lượng bao nhiêu phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Ví dụ, bán chi liên là một loại thảo dược được sử dụng rất nhiều. Tuy nhiên dược liệu này theo quan điểm YHCT có tính hàn, dùng để thanh nhiệt giải độc. Nếu người bệnh thuộc thể "hàn chứng" mà sử dụng bán chi liên quá nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy, mệt mỏi, có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Trong khi đó, với trường hợp thể hàn chứng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các loại thảo dược khác như nhục quế, can khương, phụ tử để nâng "dương khí" của người bệnh, đồng thời giảm bớt các tác dụng ngoại ý của bán chi liên.

Quan điểm sai lầm thường gặp khi điều trị ung thư bằng y học cổ truyền - Ảnh 2.

Vị thuốc bán chi liên được dùng để hỗ trợ điều trị ung thư nhưng phải biết sử dụng đúng cách.

2. Từ chối điều trị ung thư bằng y học hiện đại

Người bệnh ung thư thường cho rằng chỉ cần sử dụng phương pháp YHCT là đủ và từ chối điều trị bằng Y học hiện đại (YHHĐ). Đây là một quan điểm rất sai lầm do hiện nay, hầu hết các loại ung thư đều phải được điều trị bằng YHHĐ trước khi sử dụng các phương pháp khác.

Rất ít loại ung thư được chữa khỏi hoàn toàn, kể cả sử dụng YHCT hay YHHĐ. Một số loại thuốc thảo dược được sử dụng lâu đời đã có nhiều bằng chứng trong việc hỗ trợ giảm kích thước khối u, giảm sự di căn của tế bào ung thư như bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, xạ đen, đan sâm, tam thất, trinh nữ hoàng cung... Tuy nhiên, hiện nay các loại thuốc này chưa có đủ bằng chứng, chứng minh rằng nó có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh ung thư mà chỉ có vai trò một phần hỗ trợ kiểm soát ung thư.

Quan điểm sai lầm thường gặp khi điều trị ung thư bằng y học cổ truyền - Ảnh 3.

Không nên chỉ điều trị ung thư bằng YHCT mà từ chối các biện pháp chữa bệnh của YHHĐ.

Việc từ chối điều trị YHHĐ có thể do quan điểm rằng sử dụng phương pháp xạ trị hoặc hóa trị sẽ gây tổn hại đến cơ thể. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh từ chối các phương pháp này, vì chúng là những phương pháp hiệu quả đề ngăn ngừa sự lan rộng và di căn của tế bào ung thư.

Các bác sĩ trước khi đưa ra bất kỳ chỉ định nào cũng đã tính toán lợi ích và nguy cơ. Nếu lợi ích cao hơn nguy cơ thì mới chỉ định cho người bệnh. Hiện nay, nhiều bằng chứng đã cho thấy rằng YHCT như thảo dược và các phương pháp châm cứu có tiềm năng lớn trong việc cải thiện các tác dụng ngoại ý của xạ trị và hóa trị như tiêu chảy, táo bón, tiêu tiểu ra máu, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, các rối loạn da…

Chính vì thế, người bệnh ung thư nên tuân thủ theo các hướng dẫn điều trị YHHĐ để tránh ung thư tiến triển đến các giai đoạn muộn.

Các liệu pháp YHCT sẽ được sử dụng kết hợp như một phương pháp hỗ trợ trong điều trị ung thư bao gồm:

  • Hỗ trợ kiểm soát tế bào ung thư.
  • Hỗ trợ điều trị các triệu chứng kèm theo của người bệnh.
  • Hỗ trợ giảm thiểu các tác dụng ngoại ý của xạ trị, hóa trị, phẫu thuật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh mắc ung thư.
Người bệnh ung thư thường cho rằng chỉ cần sử dụng phương pháp YHCT là đủ và từ chối điều trị bằng y học hiện đại (YHHĐ). Đây là một quan điểm rất sai lầm do hiện nay, hầu hết các loại ung thư đều phải được điều trị bằng YHHĐ trước khi sử dụng các phương pháp khác.

Mời bạn xem tiếp video:

Phương pháp loại bỏ căng thẳng trước khi ngủ



ThS. BS. Trần Hòa An
Phòng khám hỗ trợ điều trị Ung thư - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3
Ý kiến của bạn