Sai lầm thường gặp của người mắc COVID-19 khi tập phục hồi chức năng

SKĐS - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ rõ một số hiểu lầm thường gặp của người mắc COVID-19 khi tập phục hồi chức năng.

Theo Hướng dẫn Phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế, điều trị phục hồi chức năng người bệnh COVID-19 nhằm:

  • Cải thiện chức năng hô hấp, tăng thông khí, giảm công hô hấp, giảm mức độ khó thở;
  • Tăng khả năng tống thải đờm dịch;
  • Tăng cường khả năng vận động cơ thể và các cơ tham gia hô hấp;
  • Ngăn ngừa các biến chứng khác;
  • Ngăn chặn sự suy giảm thể chất và tinh thần.

Mục tiêu dài hạn là phục hồi lại sức khỏe và các chức năng sinh hoạt hàng ngày, để bệnh nhân trở lại công việc thường ngày và hòa nhập cộng đồng.

Hướng dẫn cũng phân loại thể lâm sàng tương ứng với các kỹ thuật phục hồi chức năng bao gồm thể nhẹ là những người bệnh viêm đường hô hấp trên và viêm phổi nhẹ, thể viêm phổi nặng và thể nguy kịch.

Sai lầm thường gặp của người mắc COVID-19 khi tập phục hồi chức năng - Ảnh 1.

Hướng dẫn các bài tập cho người bệnh COVID-19 thể nhẹ. PHCN cho nhóm người bệnh này tập trung vào các kỹ thuật thở: thở cơ hoành, thở chúm môi, thở dưỡng sinh và tập vận động… để nâng cao thể chất, tinh thần.

- Đối với người bệnh thể nhẹ, ý thức tỉnh, có thể thực hiện các kỹ thuật chủ động theo hướng dẫn qua băng hình, tờ rơi, tuy nhiên vẫn dưới sự giám sát của nhân viên y tế để bảo đảm người bệnh thực hiện đúng kỹ thuật và đủ thời gian. Phục hồi chức năng cho nhóm người bệnh này tập trung vào các kỹ thuật thở: Thở cơ hoành, thở chúm môi, thở dưỡng sinh và tập vận động... để nâng cao thể chất, tinh thần. Nếu người bệnh có tiết nhiều đờm dịch thì bổ sung kỹ thuật thở chu kỳ chủ động và kỹ thuật ho hữu hiệu.

- Đối với người bệnh thể nặng hoặc nguy kịch, việc phục hồi chức năng nhằm tống đờm, chất tiết từ đường hô hấp ra ngoài, làm tăng thông khí, dễ thở, đề phòng các biến chứng loét da, biến chứng suy hô hấp, tim mạch và các cơ quan khác.

- Người bệnh thể nặng hoặc nguy kịch nhưng vẫn tỉnh và tự thực hiện các kỹ thuật theo hướng dẫn của video, tờ rơi dưới sự giám sát của nhân viên y tế hoặc hướng dẫn của người điều trị đứng cách xa trên 2 mét thực hiện các động tác. Các kỹ thuật bao gồm:

  • Tập vận động chủ động;
  • Người bệnh tự lăn trở 2h/lần, tự kiểm tra vùng da hay bị đè ép;
  • Tập thở cơ hoành, tập thổi vào bình nước to hoặc dụng cụ tập hô hấp;
  • Tập ho hữu hiệu.
  • Nếu người bệnh tỉnh nhưng yếu để thực hiện động tác, người điều trị trợ giúp một phần để người bệnh thực hiện các kỹ thuật đó.

- Người bệnh hôn mê hoặc nguy kịch không thể thực hiện được thì người điều trị thực hiện các kỹ thuật: Điều chỉnh tư thế để người bệnh thư giãn cơ hoành giúp hô hấp dễ dàng hơn; tập vận động thụ động; dẫn lưu tư thế; vỗ, rung lồng ngực; thở có trợ giúp.

Những người bệnh thể nặng thường có biểu hiện lo lắng, trầm cảm, căng thẳng tâm lý kéo dài... Nhân viên y tế nếu phát hiện các vấn đề tâm lý của người bệnh có thể sử dụng các kiến thức về chuyên môn, kinh nghiệm của mình để tư vấn cho người bệnh. Người điều trị theo dõi, ghi hồ sơ bệnh án kết quả thực hiện, các thận trọng và lưu ý khi thực hiện kỹ thuật đối với người có bệnh kèm theo hoặc người cao tuổi.

Sai lầm thường gặp của người mắc COVID-19 khi tập phục hồi chức năng - Ảnh 2.

Hướng dẫn các bài tập cho người mắc COVID-19 sau khi ra viện.

Bộ Y tế lưu ý, sau khi xuất viện, người bệnh vẫn phải thực hiện phương pháp phục hồi lại sức khỏe và các chức năng sinh hoạt hằng ngày để trở lại công việc và hòa nhập cộng đồng. Trong giai đoạn này, người bệnh cần được hướng dẫn tập thở, tập luyện thể lực phù hợp lứa tuổi và tình trạng người bệnh theo các tài liệu hướng dẫn hoặc tờ rơi.

- Đối với người bệnh thể nhẹ, khi ra viện cần được tăng cường tập các bài tập vận động, các bài tập thở và điều chỉnh tâm lý.

- Đối với người bệnh đã từng bị thể nặng hoặc nguy kịch, khi ra viện cần được đánh giá về tổn thương chức năng phổi và đưa ra phương án phục hồi chức năng tổng hợp gồm tập vận động, tập thở, tâm lý trị liệu, dinh dưỡng theo từng trường hợp.

Một số hiểu lầm thường gặp của người mắc COVID-19 khi tập phục hồi chức năng

1. Không cần phục hồi chức năng

6 sai lầm thường gặp của người mắc COVID-19 khi tập phục hồi chức năng - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên.

Người bệnh thường cho rằng sau điều trị, phẫu thuật là sẽ hồi phục hoàn toàn.

Tuy nhiên mục tiêu điều trị thực tế không chỉ cần phục hồi về mặt giải phẫu mà còn phải đảm bảo hồi phục về mặt chức năng.

2. Lựa chọn thời điểm tập PHCN quá sớm, quá muộn

Tùy từng bệnh lý và tổn thương chức năng mà các bác sĩ sẽ chỉ định tập PHCN khác nhau. 

Một số người bệnh nôn nóng tập PHCN quá sớm hay quá muộn đều không tốt. Nếu tập PHCN quá sớm có nguy cơ làm nặng thêm trình trạng bệnh, tuy nhiên tập quá muộn thì nguy cơ biến chứng, kém hiệu quả và tàn tật.

3. Lựa chọn bài tập không phù hợp, không đúng kỹ thuật và cường độ tập luyện

Chương trình tập PHCN cho người mắc COVID-19 phải theo từng giai đoạn của bệnh, phải có kiến thức về sinh cơ học, sinh lý chức năng và giải phẫu cơ quan cũng như tiến triển của bệnh để xây dựng bài tập luyện với cường độ phù hợp. Người bệnh không tự ý tập luyện khi không có hướng dẫn và theo dõi từ bác sĩ và kỹ thuật viên PHCN.

4. Chỉ tập luyện một vùng liên quan đến tổn thương

Việc tập luyện nâng cao sức khỏe tổng thể là quan trọng giúp hỗ trợ người bệnh tăng cường cơ lực và chức năng sinh hoạt tạo điều kiện tránh các tổn thương và bệnh lý khác trong tương lai.

Ngoài can thiệp về vận động, PHCN còn có thể can thiệp các rối loạn chức năng khác như: ngôn ngữ, nuốt, nhận thức, rối loạn chức năng đại – tiểu tiện, thăng bằng điều hợp, dụng cụ chỉnh hình…

[Video] Hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho người nhiễm COVID19 nhẹ và không triệu chứng:

7 bài tập phục hồi chức năng phổi cho người mắc COVID-19 thể nhẹ và trung bình7 bài tập phục hồi chức năng phổi cho người mắc COVID-19 thể nhẹ và trung bình

SKĐS - Thông qua Báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Calvin Q Trịnh - Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM (Bệnh Viện 1A) chia sẻ chi tiết 7 bài tập phục hồi chức năng phổi đối với người bệnh COVID-19 thể nhẹ và trung bình.


PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên
Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Ý kiến của bạn