Sai lầm phổ biến có thể gây bại liệt, tàn phế suốt đời

23-06-2019 10:10 | Dược
google news

SKĐS - Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân thoát vị đĩa đệm tự ý mua và uống thuốc giảm đau khi xuất hiện cơn đau. Họ không hề biết rằng điều này có thể gây những hệ lụy khôn lường, thậm chí làm tăng nguy cơ teo cơ, bại liệt, tàn phế suốt đời.

Thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh cơ xương khớp thường gặp nhất, đặc biệt là ở người trung niên, cao tuổi, những người phải lao động nặng và nhân viên văn phòng. Khi bị thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân thường cảm thấy đau lưng, mông, đùi, cẳng chân, có thể lan tới một phần bàn chân hoặc đau vùng cổ, vai, cánh tay, cơn đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ, đau tăng khi vận động, hắt hơi, ho và giảm khi nghỉ ngơi.

Không tự ý dùng thuốc giảm đau

Khi xuất hiện cơn đau, do chủ quan hoặc nôn nóng muốn nhanh thoát khỏi cơn đau hành hạ, nhiều người đã tự ý mua và uống thuốc giảm đau. Theo BS.CKI. Trần Công Năng, BV. Gia An 115,  đây là một sai lầm mà rất nhiều bệnh nhân mắc phải.

Bởi vì, tùy thuộc vào tình trạng thoát vị đĩa đệm của mỗi người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp như điều trị bảo tồn (dùng thuốc, vật lý trị liệu) hay phải phẫu thuật.

Với những trường hợp nhẹ, có thể điều trị bằng thuốc nhưng dùng thuốc gì, liều lượng như thế nào cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Việc tự ý dùng thuốc giảm đau có thể gây nhiều tác dụng phụ. Nếu lạm dụng thuốc giảm đau, cơ thể không chỉ lệ thuộc vào thuốc mà còn có nguy cơ viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, thận...

Hơn nữa, với các trường hợp thoát vị đĩa đệm có chèn ép rễ thần kinh hoặc khi bệnh không cải thiện sau khi điều trị bảo tồn từ 6 - 12 tuần, thường bắt buộc phải phẫu thuật.

Nếu người bệnh tự ý mua và dùng thuốc giảm đau, triệu chứng đau có thể giảm tạm thời nhưng càng để lâu không điều trị, bệnh sẽ càng diễn tiến nặng hơn, không chỉ làm giảm chất lượng sống mà còn có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn cảm giác, tê bì chân tay, teo cơ, thậm chí bại liệt, tàn phế suốt đời.

Người thoát vị  đĩa đệm tự ý dùng thuốc giảm đau

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cố chịu đau và tự tìm đến thuốc giảm đau thay vì tới bệnh viện khám và điều trị vì lo ngại phải phẫu thuật, đối mặt với rủi ro tai biến và thời gian nằm viện dài. Nhưng, thực tế, không phải trường hợp nào cũng phải phẫu thuật.Nếu điều trị sớm, tình trạng bệnh còn nhẹ, có thể điều trị bảo tồn.

Nếu lạm dụng thuốc giảm đau, cơ thể không chỉ lệ thuộc vào thuốc mà còn có nguy cơ viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, thận...

BS. Trần Công Năng cho biết thêm, ngày nay, nhiều bệnh viện đã áp dụng phẫu thuật vi phẫu và phẫu thuật nội soi, có tỷ lệ tai biến thấp, vết mổ nhỏ, thời gian bệnh nhân hồi phục rất nhanh.

Mới đây, BS.Năng cũng trực tiếp phẫu thuật cho 2 bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5 - S1, có chèn ép rễ thần kinh.Cả 2 ca phẫu thuật đều rất thành công, vết mổ nhỏ, đường mổ ngắn, bệnh nhân có thể đi lại bình thường ngay sau mổ, thời gian nằm viện rất ít.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân H.N.Q, sinh năm 1966, ngụ tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Với sự hỗ trợ của kính hiển vi phẫu thuật 3 thị kính có khả năng phóng đại lớn, độ sắc nét cao giúp quan sát rõ nét nơi thương tổn và máy C-Arm giúp định vị vùng mổ chính xác. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân diễn tiến rất tốt.Chỉ sau 6 ngày, bệnh nhân đã được xuất viện.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.T.T.T, sinh năm 1967, ngụ tại TX.Cai Lậy, Tiền Giang. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau phần mông, đùi, cơn đau dữ dội đến mức không thể đi lại, ngồi cũng khó chịu.Bệnh nhân cũng được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5 - S1 và được mổ lấy đĩa đệm thoát vị.Bệnh nhân hết đau nhanh, đi lại được ngay sau mổ.

Có thể nói, những tiến bộ trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm chính là cơ hội giúp những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả, nâng cao chất lượng sống và tránh những biến chứng nguy hiểm.


N.HƯNG
Ý kiến của bạn