Ngủ trưa dài để chống mất ngủ
Một giấc ngủ dài vào ban ngày, đặc biệt là sau 16h hoặc một chút gà gật vào buổi tối khi xem tivi có thể làm hỏng giấc ngủ ngon vào ban đêm. Nếu cảm thấy cần phải có giấc ngủ ngày, hãy chỉ chợp mắt một lần trong khoảng nửa giờ và trước 16h. Nhìn chung, một giấc ngủ trưa ngắn không ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm và với nhiều người, chợp mắt chừng 30 phút sau khi ăn trưa hay “nạp điện” 20 phút trước 16h khiến cho cơ thể cảm thấy minh mẫn và sảng khoái hơn hẳn.
Không đánh tín hiệu cho cơn buồn ngủ
Cơ thể cần thời gian đủ để gửi tín hiệu phản hồi tới trung tâm giấc ngủ của não, từ đó dẫn đến việc sản sinh các hormone cho phép con người ta ngủ. Cùng với đó, về mặt bản năng, nhịp ngủ - thức luân phiên nhau là nhờ bóng tối và ánh sáng. Nhưng môi trường hiện nay có quá nhiều ánh sáng nhân tạo, ngăn cản quá trình đi vào giấc ngủ tự nhiên. Vì vậy, giải pháp để chuẩn bị cho giấc ngủ là khoảng 10h, tắt màn hình máy tính, tivi hoặc các thiết bị điện tử vì chúng là nguyên nhân gây kích thích não, khiến bạn tỉnh táo lâu hơn. Cùng với đó, trước khi đi ngủ chừng 1 giờ, tắt bớt đèn, tắm nước ấm hoặc nghe nhạc cho thư giãn. Bắt tâm trí và cơ thể sẵn sàng cho giấc ngủ là rất cần thiết.
Xem tivi cho dễ chợp mắt
Một số chuyên gia cho biết, họ có khá nhiều bệnh nhân bị mất ngủ do xem tivi trước giờ ngủ. Có thể khi yên vị trên giường xem truyền hình, họ rơi vào giấc ngủ nhanh hơn nhưng cũng rất hay thức giấc bất chợt sau đó. Chu kỳ này lặp đi lặp lại sẽ khiến người ta ngủ kém hơn. Bởi vậy, lời khuyên là phòng ngủ nên hạn chế đặt tivi.
Ăn nhẹ với thực phẩm ngũ cốc và đường
Đây là những chất phá vỡ sự trao đổi chất khi làm tăng đường huyết và khiến các cơ quan có liên quan đến việc điều tiết hormone trong cơ thể bị quá tải. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ khi mà mức hormone dao động không đúng quy luật, đánh thức bạn dậy vào thời điểm bất thường trong đêm. Tốt nhất là không ăn gì trước khi đi ngủ, nhưng nếu phải lót dạ, hãy ăn bữa nhẹ giàu protein để ngăn chặn dao động bất thường của hormone, đồng thời còn có thể cung cấp L-tryptophan, một loại axit amin cần thiết để sản xuất melatonin - hormone gây buồn ngủ.
Liệu pháp thuốc ngủ hay đồ uống có cồn
Thuốc ngủ không giải quyết được nguyên nhân của chứng mất ngủ. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng, thuốc ngủ cho dù có kê đơn hay không kê đơn nếu dùng dài hạn tác hại nhiều hơn lợi ích đem lại. Chúng có thể gây nghiện và theo thời gian, thuốc ngủ thực sự có thể làm cho chứng mất ngủ nặng hơn. Sai lầm tương tự, nhiều người bị mất ngủ thích uống rượu để dựa vào tác dụng an thần của rượu. Ban đầu rượu cũng giúp giấc ngủ đến nhanh hơn nhưng nó dễ đánh thức người ta dậy tầm nửa đêm về sáng, kết quả là giảm thời gian ngủ nói chung. Muốn sử dụng các chất hỗ trợ cho giấc ngủ, hãy tìm đến các loại trà thảo mộc, rễ cây, hoa cúc. Đối với một số người, đặc biệt là những người trên 50 tuổi, bổ sung melatonin cũng hữu ích vì người già, cơ thể sản xuất melatonin ít hơn nên họ bị khó ngủ hơn. Cùng với đó là các bài tập thư giãn như tập thở, thiền, yoga…
Nằm lỳ trên giường mong dễ ngủ
Nếu không thể ngủ dù đã lên giường 30-45 phút, có thể còn lâu cơn buồn ngủ mới tới bởi khi đó, bạn đã bỏ lỡ “cửa ngủ” - tức khoảng thời gian vàng mà cơ thể cho phép đi vào giấc ngủ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bộ não của chúng ta lặp lại nhiều chu kỳ giấc ngủ mỗi đêm, mỗi chu kỳ kéo dài từ 90 phút đến 2 tiếng và ở đầu mỗi chu kỳ, “cửa ngủ” sẽ mở ra, nếu không ngủ được thì “cánh cửa” đó sẽ đóng lại. Phương pháp khắc phục ở đây chính là “bắt sóng”. Nếu thấy không thể ngủ trong vòng 45 phút, nằm yên trên giường chỉ gây căng thẳng không cần thiết, vì thế hãy đứng dậy và ra khỏi phòng ngủ. Đọc một cuốn sách, làm một vài hoạt động êm dịu khác thêm 1 đến 1 tiếng rưỡi nữa để cố gắng ngủ lại.