Hà Nội

Sai lầm hay gặp khi chữa vảy nến khiến bệnh nặng thêm

BS. Hoàng Văn Tâm

BS. Hoàng Văn Tâm

Phó trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu TW

20-10-2022 22:19 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Bác sĩ nội trú Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu Trung ương chỉ rõ những sai lầm mà bệnh nhân vảy nến hay gặp phải khi điều trị khiến bệnh rất khó kiểm soát, thậm chí bùng phát nặng thêm.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến

Theo BSNT Hoàng Văn Tâm, vảy nến là một bệnh da mãn tính có cơ chế sinh bệnh bao gồm yếu tố gen, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường.

Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn như:

  • Căng thẳng quá độ
  • Chấn thương do gãi, chà xát mạnh, nhiễm trùng,...
  • Sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích...

Các thể vảy nến:

  • Vảy nến thể thông thường gồm: vảy nến thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng.
  • Vảy nến thể đặc biệt: thể đảo ngược, thể ở lòng bàn chân - bàn tay, thể đỏ da toàn thân, vảy nến thể mủ, vảy nến móng - khớp, viêm đầu chi liên tục, vảy nến niêm mạc.

Sai lầm hay gặp khi điều trị vảy nến

Theo chuyên gia da liễu, bệnh vảy nến vốn dai dẳng, hay tái phát nên nhiều người tìm mọi cách để điều trị không theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Họ sử dụng các thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc bắc, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc… làm bệnh bùng phát nặng lên, gây nguy hiểm đến sức khỏe bản thân.

Cùng nghe BS. Hoàng Văn Tâm chia sẻ:

BS. Hoàng Văn Tâm nói về sai lầm người bệnh hay gặp khi điều trị bệnh vảy nến. Video: D.Hải

Các phương pháp điều trị vảy nến

Theo chuyên gia da liễu, vảy nến là một bệnh mạn tính, đến nay chưa có phương pháp giúp điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh có thể kiểm soát được. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.

Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến. Lựa chọn phương pháp điều trị bệnh cần phải cân nhắc về tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bị bệnh, các phương pháp và các thuốc đã sử dụng.

- Điều trị tại chỗ bằng một số loại thuốc: Acid Salycilic, Corticosteroid, Calcipotriol, Tacrolimus, Tazarotene, kem dưỡng ẩm,...

- Điều trị toàn thân bằng một số loại thuốc: Methotrexate, Acitretin, Cyclosporin, các chế phẩm sinh học...

Các thuốc này có tác dụng tốt, nhưng có thể có tác dụng phụ. Do đó, cần được chỉ định đúng và theo dõi nghiêm ngặt trong quá trình điều trị.

- Liệu pháp ánh sáng: Có thể phối hợp các phương pháp trên với chiếu tia cực tím có bước sóng khác nhau (UVA, UVB) cũng có kết quả rất tốt và kéo dài thời gian ổn định bệnh. Đặc biệt hiện nay phương pháp PUVA (Psoralene Ultraviolet A) đang được áp dụng để điều trị bệnh vảy nến các thể khác nhau và có kết quả rất khả quan.

- Ứng dụng thuốc sinh học: Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã tổng hợp được nhiều chất sinh học có tác dụng tốt trong điều trị bệnh vảy nến, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh như: Infliximab, Etanercept, Adalinumab, Alefacept, Efalizumab, Secukinumab.

Sai lầm hay gặp khi chữa vảy nến khiến bệnh nặng thêm - Ảnh 3.

Bệnh nhân vảy nến được thăm khám, quản lý tốt sẽ giúp kéo dài thời gian ổn định của bệnh cũng như ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng. Ảnh: D.Hải

Phòng ngừa vảy nến tái phát

BS. Hoàng Văn khuyến cáo:

- Bệnh nhân mắc vảy nến cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ chuyên ngành thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

- Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như các sản phẩm chứa corticoid dùng đường toàn thân mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh vảy nến cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, trong đó đặc biệt cần tránh rượu bia và các chất kích thích.

- Hạn chế một số loại thực phẩm có thể khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn như đồ ăn có nhiều chất béo, thực phẩm chế biến, thực phẩm lạ dễ gây dị ứng, những đồ ăn chứa nhiều protein và tanh (như: tôm, cua, ghẹ, măng, cà, lạp sườn, xúc xích, thịt gà, đồ hộp, trứng...); đồ ăn có chứa nhiều chất béo (như: đường, sữa, mỡ, bơ, đồ ngọt tổng hợp...).

- Người bệnh phải hạn chế tiếp xúc với hóa chất (như: xà phòng, dầu gội, sữa tắm...); thận trọng khi sử dụng nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc...

- Bên cạnh đó nên ăn nhiều thực phẩm chứa các loại axit béo có lợi như Omega-3 và các loại rau quả giàu vitamin B12, chất khoáng như kẽm… để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Sai lầm hay gặp khi chữa vảy nến khiến bệnh nặng thêm - Ảnh 4.

Một trường hợp bùng phát vảy nến mủ toàn thân do điều trị sai cách. Ảnh: BVCC

Ngày Vảy nến thế giới 29/10 năm nay có chủ đề "Sức khỏe tâm thần của bệnh nhân vảy nến". Đây là một sự kiện mà hàng triệu bệnh nhân vảy nến trên toàn thế giới tổ chức kỷ niệm để nhắc nhở cộng đồng rằng vảy nến là căn bệnh không lây, những người mang căn bệnh này vẫn đang sống chung với nó, vẫn đấu tranh với nó từng ngày.

Đây cũng là cơ hội truyền tải thông điệp không kỳ thị với người không may mắc phải căn bệnh này đến toànxã hội, đồng thời nhắc nhở những người trong ngành y cần quan tâm hơn nữa đến căn bệnh này, sớm tìm ra những phương pháp kiểm soát bệnh an toàn, tối ưu.

Nhân dịp này, Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức Tuần lễ khám và tư vấn miễn phí, tặng quà sản phẩm chăm sóc da cho bệnh nhân vảy nến (từ 19/10 đến 31/10/2022) tại Khoa Điều trị nội trú ban ngày (Tầng 6 Tòa nhà Điều hành).

Bệnh vảy nến ở trẻ em: Tổn thương và những điều cha mẹ cần lưu ýBệnh vảy nến ở trẻ em: Tổn thương và những điều cha mẹ cần lưu ý

SKĐS - Vảy nến ở trẻ em là bệnh hay gặp, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần, thẩm mỹ làn da và sinh hoạt của trẻ. Vậy làm sao để nhận biết, phân biệt đúng bệnh vảy nến ở trẻ.


Dương Hải
Ý kiến của bạn