Hà Nội

Sai lầm của cha mẹ khiến trẻ bị hen như “cá mắc cạn”

06-09-2015 14:16 | Đời sống
google news

SKĐS - Chuyên gia hô hấp chỉ rõ những sai lầm mà các ông bố, bà mẹ thường mắc phải khi điều trị bệnh hen phế quản (HPQ) ở trẻ em, vô tình đẩy trẻ vào tình trạng suy hô hấp nặng, như “cá mắc cạn”.

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai đã chỉ rõ những sai lầm mà các ông bố, bà mẹ thường mắc phải khi điều trị bệnh hen phế quản (HPQ) ở trẻ em, vô tình đẩy trẻ vào tình trạng suy hô hấp nặng, như “cá mắc cạn”.

HPQ là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp phổ biến trên thế giới. Theo thống kê, bệnh HPQ ở trẻ em trên thế giới hiện chiếm tỉ lệ 10-12%. Ở Việt Nam, với gần 4% dân số mắc HPQ (tương đương 4 triệu người) thì có khoảng 3,3% là trẻ em. Tuy là bệnh có thể chữa khỏi nhưng điều đáng ngại là các bậc cha mẹ thường gặp sai lầm trong điều trị gây nhiều hệ luỵ cho trẻ, thậm chí là tử vong.

Theo PGS. Đoàn, trong quá trình khám lâm sàng, các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ không muốn tiết lộ bệnh lý của con em mình, điều này cản trở rất lớn đến việc điều trị. Đa số các trường hợp thường do tâm lý e ngại mọi người xung quanh biết trẻ mắc bệnh, sợ dư luận chê cười, bạn bè xa lánh trẻ.

Thêm nữa, do thiếu hiểu biết về tác dụng của corticoid vốn là thành phần trong các thuốc điều trị HPQ như thuốc cắt cơn, thuốc giãn phế quản… mà phụ huynh thường bỏ dở giữa chừng không tuân thủ điều trị. “Cha mẹ nghĩ con họ sẽ “gặp nguy” nếu dùng thuốc có chứa corticoid kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như loãng xương, tăng huyết áp… Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức phòng chống hen toàn cầu (GINA), điều trị HPQ cơ bản là thuốc cắt cơn dạng xịt hàm lượng corticoid thấp và dùng theo lịch trình giảm dần sẽ không gây hại”- PGS. Đoàn nói.

Tuy HPQ là bệnh có thể chữa khỏi nhưng điều đáng ngại là các bậc cha mẹ thường gặp sai lầm trong điều trị gây nhiều hệ luỵ cho trẻ, thậm chí là tử vong. Ảnh minh hoạ.

Tuy HPQ là bệnh có thể chữa khỏi nhưng điều đáng ngại là các bậc cha mẹ thường gặp sai lầm trong điều trị gây nhiều hệ luỵ cho trẻ, thậm chí là tử vong. Ảnh minh hoạ.

Một sai lầm hay gặp phải nữa là thói quen dùng thuốc tự mua, tự điều trị, mua thuốc theo đơn cũ không còn phù hợp với diễn biến bệnh tình của trẻ. Đặc biệt là việc tự ý dùng kháng sinh điều trị viêm dị ứng đường hô hấp cho trẻ, trong khi kháng sinh dùng điều trị chống nhiễm trùng, khiến cơ thể trẻ mệt mỏi.

Cũng theo PGS. Đoàn, có một bộ phận cha mẹ biết bệnh lý HPQ của con em mình nhưng lại không điều trị cho trẻ. Với trường hợp trẻ không được điều trị như vậy có thể dẫn đến tử vong bởi trẻ lâm vào tình trạng suy hô hấp nặng.

Phát hiện và phòng bệnh cách nào?

Các chuyên gia hô hấp cho rằng, trẻ mắc HPQ không được điều trị kịp thời hoặc được điều trị nhưng không đúng cách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển. Trẻ phải nghỉ học kéo dài, chậm phát triển, thậm chí tử vong do khó thở, não thiếu oxy, không thể hồi phục.

GS. Ngô Quý Châu, Phó giám đốc BV Bạch Mai nhận định, với nhóm trẻ em dưới 1 tuổi thì việc chẩn đoán và phát hiện bệnh tương đối khó, dễ nhầm lẫn với viêm tiểu phế quản co thắt. Do đó, phụ huynh cần tìm đến cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Việc chẩn đoán HPQ ở trẻ em không phải luôn chính xác do không có những thăm dò nào cho trẻ em. Do vậy việc chẩn đoán thường chỉ dựa vào diễn biến triệu chứng và đáp ứng với điều trị: xịt thuốc giãn phế quản thấy trẻ có bớt ho.

GS. Châu khuyến cáo, nên nghĩ đến trẻ bị HPQ khi có dấu hiệu ho kéo dài, ho tăng lên về đêm, những đợt ho này có thể xuất hiện đi kèm với tình trạng viêm đường hô hấp (ho, sốt, thở nhanh, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi) hoặc không. Cần đặc biệt lưu ý nếu trẻ có tiền sử gia đình có bệnh dị ứng, người có cơ địa dị ứng. Thống kê cho thấy, 70% người mắc HPQ do có yếu tố cơ địa dị ứng; còn lại 30% là các trường hợp mắc phải.

“Bệnh nhân đã được điều trị cũng cần thực hành dự phòng, tránh làm nặng thêm cơn hen bằng cách không tiếp xúc với phấn hoa, tránh nơi ô nhiễm, bụi bẩn, không nuôi súc vật trong nhà như chó, mèo, chim,… bởi phân, nước bọt, lông của chúng là nguyên nhân làm nặng thêm cơn hen. Trong nhà, cần tránh treo rèm cửa nhiều lớp, sàn nhà không nên trải thảm vì dễ bám nhiều bụi bẩn. Các cơn hen có thể tăng lên và nặng thêm khi gặp những yếu tố kích thích này”- GS. Châu nói.

Đủ kiểu lang băm chữa bệnh hen gây nguy kịch

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn cảnh báo tình trạng chữa bệnh hên theo lang băm, truyền miệng khiến người dân tiền mất, tật mang. Hiện có nhiều trường hợp người bệnh tìm đến thầy lang chữa bệnh không khỏi lại tìm đến Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng điều trị khi bệnh tình đã quá nặng.

Các bài thuốc của thầy lang thường là chữa bằng thuốc lá, thuốc gói, mật lợn, mật gấu hoặc uống các loại cao không rõ nguồn gốc và không có cơ sở khoa học chứng minh chữa khỏi bệnh. Cá biệt có trường hợp lang băm trộn thuốc tây vào đông dược điều trị cho bệnh nhân gây biến chứng loét dạ dày, tá tràng, phù mặt, loãng xương…

Theo thống kê, bệnh nhân không được theo dõi, điều trị hen đúng cách sẽ tăng chi phí điều trị lên 2,6 lần so với việc điều trị đúng quy trình theo khuyến cáo của GINA, kết hợp với dự phòng.

 

Dương Hải

 

 

 


Ý kiến của bạn