Sai lầm chuyên môn y khoa: Phân xử ra sao?

TS.BS Lê Tuấn Thành

TS.BS Lê Tuấn Thành

18-12-2015 09:29 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Không giống những ngành khác, sai lầm y khoa có thể dẫn đến chết người và bởi vậy nó được coi là nghiêm trọng.

Không giống những ngành khác, sai lầm y khoa có thể dẫn đến chết người và bởi vậy nó được coi là nghiêm trọng. Tại Úc, sai lầm y khoa nếu như dẫn đến chết người có thể bị coi là một tội mang tính chất hình sự. Năm 2009, sự kiện ngôi sao nhạc POP Michael Jackson tử vong có nghi ngờ do sử dụng quá liều thuốc và bác sĩ Conrad Murray cuối cùng đã phải chịu mức án 4 năm tù giam.

Tuy nhiên, tất cả những cáo buộc của các nạn nhân đều được thực hiện một cách có trình tự và tôn trọng luật pháp, dựa trên cả sự hiểu biết về mặt y khoa. Quá trình kết tội và các phán quyết chỉ được đưa ra bởi tòa án và ngay cả quyền lợi của bác sĩ cũng được bảo vệ một cách tối đa và hợp pháp.

Trong câu chuyện của bác sĩ Conrad Murray, ông ta bên cạnh sai lầm chuyên môn là sử dụng quá liều thuốc giảm đau cho bệnh nhân, còn có một số tình tiết cho thấy ông ta sao nhãng công việc và tỏ ra thiếu trách nhiệm trong tình huống cần phải gọi 911.

Tại Việt Nam, do thiếu sự tôn trọng pháp luật mà dẫn đến những tình trạng tự ý kết tội, tự ý phán quyết và nhiều khi quá khích dẫn đến nổi loạn, phá phách.

Việc chờ đợi người thân khám bệnh gây tâm lý mệt mỏi, lo lắng và dễ có hành động quá khích.(Ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: TM

Việc chờ đợi người thân khám bệnh gây tâm lý mệt mỏi, lo lắng và dễ có hành động quá khích.(Ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: TM

Vì sao người nhà bệnh nhân hay quá khích?

Lý do đầu tiên khiến họ không giữ được bình tĩnh là bởi vì chính họ không hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình huống bệnh. Có những người mới ngày hôm qua còn sinh hoạt bình thường, đến ngày hôm nay đã đột ngột ra đi hoặc bất tỉnh. Sự mất mát đó tạo ra một cú sốc khiến cho họ không thể giữ được bình tĩnh. Trong thời khắc ấy, chỉ cần vài câu “lời ra tiếng vào” là cơn tức giận lập tức có thể bùng nổ. Chính vì điều này mà dẫn đến sự bộc phát của cảm xúc và có thể gây nên một cuộc “hỗn chiến” hoặc kiện cáo.

Tuy nhiên những phản ứng quá mức đó nhiều khi là trái với luật pháp bởi nó mang tính buộc tội tự phát và không dựa trên sự thấu hiểu tình huống chuyên môn. Thậm chí phản ứng đó có thể trở thành một sự trở ngại cho quá trình điều trị của các bác sĩ, từ đó dẫn đến mất cơ hội sống/điều trị của người bệnh. Điều này thể hiện ở chỗ, khi một bác sĩ bị rơi vào hoặc chỉ chứng kiến tình huống phản ứng dữ dội của người nhà bệnh nhân, lập tức từ lần sau họ sẽ trở nên thận trọng và dành rất nhiều thời gian để giải thích cho người nhà, thậm chí là trao quyền quyết định cho người nhà, từ đó có thể dẫn đến chậm trễ trong xử trí và điều trị. Hiện tượng này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà rất phổ biến tại Mỹ và châu Âu.

Một ví dụ cho sự rụt rè gần đây, đó là tình huống bệnh nhân nữ cao tuổi đi khám ở Bệnh viện Bắc Giang vì đau đầu, bác sĩ có chỉ định tiêm thuốc nhưng đã nói với người bệnh rằng: phải có người nhà thì mới tiêm. Điều này xét về lý là hoàn toàn đúng bởi chỉ một mình người bệnh thì giả sử sau khi tiêm có vấn đề, chắc chắn cán bộ y tế khó lòng giải thích được với người nhà và có thể dính vào vòng lao lý. Tuy nhiên cái sai ở đây là thái độ giải thích vấn đề cho người bệnh của người bác sĩ kia đã khiến người bệnh cho rằng đó là thái độ thiếu trách nhiệm.

Ai sẽ bảo vệ quyền lợi các bên?

Khi xảy ra sai lầm chuyên môn, đầu tiên chúng ta nghĩ đến các luật sư, song rất tiếc là hiện nay các luật sư trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam rất ít, hoặc chưa có. Thực tế rất đáng buồn, hiện tại là không có ai đứng ra bảo vệ sự đúng - sai cho cán bộ y tế cũng như người nhà bệnh nhân khi sai lầm chuyên môn xảy ra.

Một điều chắc chắn rằng, hầu hết những cán bộ y tế để xảy ra sai lầm chuyên môn là do họ không cố ý. Khi xảy ra sai sót, vừa phải đối mặt với phản ứng dữ dội của người nhà, vừa phải chịu sức ép giải trình của cấp trên, lập tức cán bộ y tế bị đặt vào tình huống không còn gì để bấu víu.

Trong khi đó, với sự hạn chế hiểu biết về y khoa, chắc chắn người nhà bệnh nhân sẽ bị rơi vào tình huống: không hiểu chuyện gì xảy ra. Những người hiểu biết và tin tưởng vào bác sĩ sẽ lắng nghe thật kỹ lời giải thích và từ đó thấu hiểu tình huống. Tuy nhiên, nhiều trường hợp hoài nghi và thậm chí hoàn toàn không tin vào lời giải thích, từ đó dẫn đến sự quá khích.

Rất đáng ngạc nhiên là tại Việt Nam, đa số các bệnh viện đều có một quỹ được gọi là: quỹ rủi ro, hoạt động một cách chính thức hoặc không chính thức. Quỹ này thường được sử dụng để giải quyết cho những tình huống sai sót đáng tiếc và nhiều khi là phần sai không đáng kể, còn thái độ của người nhà bệnh nhân thì quá mức cần thiết. Chính thói quen “dĩ hòa vi quý”, lấy sự giảng hòa làm nền tảng để tránh điều tiếng đã tạo một tật xấu cho người dân Việt Nam: dù đúng dù sai, gặp ai cũng kiện. Họ kéo hết cả người thân, gia đình, bạn bè đến bệnh viện rồi làm ầm ĩ lên, và giám đốc bệnh viện thì quả không muốn cấp trên, đồng nghiệp và dư luận biết chuyện, do vậy đành họp “hòa giải” và “đền bù” một cách nhẹ nhàng nhất có thể.

Quá mức tưởng tượng hơn, vài trường hợp sau khi nhận được tiền “bồi thường”, người nhà tiếp tục kiện đến cùng để được hưởng tiền bồi thường lớn hơn nữa, hoặc phải chấp nhận các điều kiện khác. Điển hình gần đây là vụ “thận móng ngựa”, xét về mặt chuyên môn, sai lầm này có chăng là do nước ta còn nghèo nên không đưa chụp CT ổ bụng vào quy trình đánh giá trước mổ thận và bởi tình huống thận móng ngựa quá hiếm để người ta tiến hành chụp trước mổ cho một bệnh nhân như vậy. Tuy nhiên, sai lầm này không thuộc về người bác sĩ mổ, bởi ông ta đã thực hiện đúng chuyên môn: trong tình huống đó buộc phải cắt nốt quả thận còn lại để cứu tính mạng người bệnh trước. Sau đó, với sự nhân ái của người làm ngành y, vị bác sĩ và bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật ghép thận cho người bệnh, chu cấp cho họ một khoản tiền. Và thật đáng ngạc nhiên, họ bị kiện ra tòa.

Như vậy có thể nói, hiện nay với cách xử lý các sai lầm dù lớn dù nhỏ ở Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng: tôn trọng luật pháp. Nếu như cứ xử lý theo cách “tình cảm” thì vô hình chung sẽ tạo một thói quen xấu cho người dân: thói quen ăn vạ. Ngược lại, đôi khi người nhà bệnh nhân lại không biết rằng người thân của mình đã ra đi một cách oan uổng. Như vậy, dường như cán bộ y tế và người nhà bệnh nhân đang phải đứng bơ vơ khi gặp “sai lầm y khoa”. Lãnh đạo bệnh viện mắc “sai lầm”, Sở Y tế của tỉnh đó, không thể là một cơ sở khách quan để cả hai bên: người nhà bệnh nhân và cán bộ y tế, có thể tin tưởng vào sự công bằng được. Chính vì vậy, cần thiết phải có một cơ quan độc lập để bảo vệ quyền lợi của các bên khi có tranh chấp xảy ra.

Diễn đàn Tai biến y khoa


BS. Minh Anh
Ý kiến của bạn