Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn, thuộc Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, người có 10 năm nghiên cứu về tâm lý học trẻ em cho biết, các ông bố, bà mẹ hiện nay mặc dù được tiếp cận với rất nhiều thông tin nhưng phần đông họ đều mắc những sai lầm trong việc giáo dục con cái. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và hình thành tính cách của trẻ.
Thể hiện uy quyền của cha mẹ dựa trên sự đàn áp: Đây là một trong những cách tiếp cận phản giáo dục. Bất cứ khi nào trẻ không nghe lời, cha mẹ thường dọa nạt bằng roi vọt, nhẹ thì biểu hiện bằng thái độ cáu bẳn, càu nhàu hay giận dữ. Các hình thức phạt thường được đem ra với mục đích khiến trẻ nghe lời và trừng phạt bằng roi thường được áp dụng nhất trong các gia đình. Có thể cha mẹ đưa đòn roi ra chỉ là để dọa trẻ nhưng thực tế nó để lại hậu quả không nhỏ. Nó làm trẻ sợ hãi, chính tâm lý sợ hãy kéo theo việc trẻ sẽ xa lánh bố mẹ. Lâu dần nó sẽ hình thành nên tính khiếp nhược ở trẻ, dễ khiến trẻ rơi vào trạng thái sợ hãi xung quanh. Roi vọt còn gợi tính “độc ác” trong con người bé khiến trẻ có thể ứng xử với những người xung quanh bằng hành vi bạo lực hoặc có xu hướng “nói dối” để tránh mắc lỗi và bị đòn.
Cha mẹ duy trì sự chỉ huy: Nhiều người làm cha làm mẹ thường cho rằng con cái và cha mẹ không thể “cá mè một lứa” và “trên bảo dưới phải nghe”. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn, đây là mối quan hệ cha mẹ và con cái dựa trên sự cách biệt. Khi trẻ sống cách biệt với bố mẹ, như sống với ông bà, người giúp việc nhiều hơn với cha mẹ, tất sẽ hình thành nên khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ và con cái. Trẻ sẽ có xu hướng thu mình, ngại tiếp xúc với người khác, con cái trở nên xa lạ với bố mẹ hoặc nghe lời người giúp việc, ông bà hơn bố mẹ. Khi đó cha mẹ muốn áp đặt sự “chỉ huy” của mình sẽ vô hiệu. Khoa học cũng đã chứng minh rằng những trẻ em sống xa cách cha mẹ sẽ chậm phát triển hơn những trẻ khác, đặc biệt là tâm lý lứa tuổi.
Dạy con sự tự phụ: Mỗi hành động, suy nghĩ của cha mẹ khi dạy con trẻ cũng làm ảnh hưởng đến chúng. Khi cha mẹ cho trẻ suy nghĩ về việc mình là người quan trọng nhất, chỉ có bố mẹ hoặc bản thân chúng là tài giỏi, là nhất, lúc nào cũng thích khoe khoang, hậu quả sẽ chỉ tạo ra những đứa trẻ có tính tự phụ, xem thường người khác không chỉ với người lớn mà cả với bạn bè. Điều này làm cho trẻ khó hòa nhập với môi trường xung quanh, nhất là với bạn bè ở lớp, ở trường.
Dạy con bằng sự độc đoán: Lúc nào bố mẹ cũng coi những lời nói việc làm của mình đối với con cái là đúng, là bất khả kháng mà không có sự chia sẻ, đây là mẫu hình của những người cha, người mẹ độc đoán, bắt trẻ phải tuân theo mọi lời nói của mình như một mệnh lệnh. Sai lầm này làm cho chính các bậc phụ huynh sẽ không bao giờ nhìn thấy sự phát triển của con mình, không biết con em mình hứng thú hoặc yêu thích điều gì, vô tình biến con cái thành những con rối, rô bốt chỉ biết làm theo mệnh lệnh. Về phần trẻ, chúng sẽ trở thành người không có tính độc lập và sáng tạo. Các chuyên gia tâm lý khuyên các bậc cha mẹ hãy đừng biến con mình thành những con rô bốt chỉ biết làm theo mệnh lệnh.
Khuyên răn, thuyết giảng: Với những đứa trẻ nhỏ, những lời nói khuyên răn, giải thích về những lỗi lầm mà chúng phạm phải hoàn toàn không phù hợp. Không một đứa trẻ nào quan tâm tới những lời cha mẹ giảng giải cho chúng. Điều này chỉ thích hợp đối với những trẻ lớn đã đi học. Hãy nhớ rằng trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, chúng có cuộc sống và suy nghĩ riêng của mình. Đối với những trẻ dưới 5 tuổi hãy dạy cho trẻ thông qua các trò chơi, những tình huống hoặc câu chuyện cụ thể, có sự tương tác cụ thể và những trải nghiệm cụ thể sẽ dẫn trẻ đến những hiểu biết đúng và có hành vi đúng. Ví dụ như khi cha mẹ bảo trẻ không được sờ vào nước nóng nhưng trẻ vẫn không làm theo, hãy cùng trẻ trải nghiệm cảm giác sờ vào thành cốc sẽ nóng thế nào, khi đó trẻ sẽ nhận ra sẽ bị bỏng nếu sờ vào cái cốc đó và tự khắc trẻ sẽ không đòi sờ vào nó nữa.
Quá yêu thương, bao bọc trẻ: Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng, chỉ cần có tình yêu thương của cha mẹ sẽ giáo dục được con cái. Quan niệm này hoàn toàn sai. Khi trẻ biết mình lúc nào cũng được yêu chiều, chúng sẽ trở nên ích kỷ, thậm chí sẽ sử dụng “vũ khí” này để đạt mục đích. Trẻ có thể dùng cách âu yếm cha mẹ để cha mẹ đáp ứng đòi hỏi của chúng. Hậu quả sẽ sinh ra những đứa trẻ không có tính độc lập, nhu nhược, coi thường người khác và trở nên ích kỷ.
Muốn trẻ vâng lời, đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ: Khi cha mẹ đưa trẻ trở thành “ông vua con” trong gia đình, bất cứ đòi hỏi nào cũng được đáp ứng, sợ con phá phách hoặc làm mình đau, đó cũng là lúc cha mẹ đang mắc sai lầm nghiêm trọng. Những đứa trẻ này sẽ dần hình thành tính cách chỉ biết đòi hỏi ở người khác, không cố gắng, nỗ lực trong công việc, từ đó chúng sẽ không trở nên độc lập được trong cuộc sống.
Cha mẹ ngang bằng với con cái: Trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, việc gây dựng tình bạn giữa đôi bên để sẻ chia là điều tốt, nhưng nếu mối quan hệ này trở nên quá ngang hàng sẽ là sai lầm. Bởi khi đó, cha mẹ sẽ khó dạy bảo con cái, thậm chí chúng còn “dạy bảo” ngược lại cha mẹ. Điều này làm con trẻ sẽ giảm dần sự tôn trọng đối với những người sinh ra chúng.
Mua chuộc sự vâng lời của trẻ: Đây là một trong những sai lầm mà nhiều bậc cha mẹ mắc phải. Họ thường nghĩ rằng, để trẻ vâng lời bố mẹ thường hứa hoặc mua quà cáp cho trẻ. Nếu bố mẹ đáp ứng đòi hỏi đó sẽ làm trẻ trở thành người chỉ biết đòi hỏi, lúc nào cũng đặt điều kiện cho bố mẹ (nếu con làm theo lời bố mẹ sẽ được thưởng gì), trẻ sẽ thiếu động lực trong cuộc sống, sau này sẽ khó vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn cho rằng để dạy dỗ một đứa trẻ không phải dễ dàng và là việc cha mẹ nào cũng phải học hỏi mỗi ngày. Hãy khích lệ trẻ mỗi ngày, khi trẻ làm được việc tốt, chỉ khen thưởng con khi trẻ làm được những công việc khó, đòi hỏi phải nỗ lực mới làm được.
Hải Yến