Hà Nội

Sai lầm cần tránh khi dùng thuốc thông mũi (trị ngạt mũi)

20-12-2024 06:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Cảm lạnh, cúm hay dị ứng đều có thể gây ngạt mũi. Một số loại thuốc thông mũi không kê đơn (OTC) có thể giúp giảm nhanh tình trạng này.

Pseudoephedrine (sudafed), phenylephrine (sudafed PE, neo-synephrine) và oxymetazoline (afrin) là thuốc thông mũi không kê đơn phổ biến để điều trị nghẹt mũi. Thuốc có tác dụng thông mũi nhanh, nên thường hay bị lạm dụng, dùng không đúng cách… khiến việc dùng các loại thuốc này trở nên không an toàn.

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp cần tránh khi dùng thuốc thông mũi:

1. Uống rượu trong khi dùng thuốc thông mũi

Đối với người đang dùng thuốc thông mũi, tốt nhất là tránh xa rượu. Sự kết hợp giữa pseudoephedrine và rượu có thể làm trầm trọng thêm một số tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, đau đầu và lo lắng... Ngoài ra, bản thân rượu cũng có thể gây ra các triệu chứng này.

Thuốc thông mũi cũng có thể che dấu tác dụng của rượu, do đó, bạn có thể không biết mình có say không. Điều này có thể khiến bạn uống nhiều rượu hơn dự định, làm tăng nguy cơ gây hại ngoài ý muốn. Hơn nữa, rượu có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn. Vì vậy, cho dù bạn có dùng thuốc thông mũi hay không, rượu cũng không có lợi cho bạn khi bị ốm.

Nếu dị ứng là nguyên nhân gây nghẹt mũi, tốt nhất vẫn nên tránh rượu. Histamin trong một số loại rượu có thể khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên tồi tệ.

Sai lầm cần tránh khi dùng thuốc thông mũi (trị ngạt mũi)- Ảnh 1.

Không nên dùng thuốc thông mũi dạng xịt quá 3 ngày…

2. Uống thuốc thông mũi lâu hơn khuyến cáo

Có một số rủi ro khi dùng thuốc thông mũi lâu hơn mức cần thiết. Những rủi ro cụ thể có thể tùy thuộc vào loại thuốc thông mũi bạn đang dùng, nhưng có thể bao gồm:

- Nghẹt mũi tái phát:Thuốc thông mũi như afrin có thể gây nghẹt mũi tái phát nếu sử dụng quá lâu. Điều này có thể làm tình trạng nghẹt mũi trầm trọng hơn hoặc khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Chỉ sử dụng thuốc xịt thông mũi trong tối đa 3 ngày liên tiếp để giảm thiểu nguy cơ này.

- Thay đổi huyết áp và nhịp tim: Thuốc thông mũi dạng uống không gây ra tình trạng tắc nghẽn trở lại, nhưng chúng có những rủi ro khác, bao gồm tăng huyết áp và nhịp tim, đặc biệt nguy hiểm đối với những người đã có vấn đề về tim. Nguy cơ gặp phải những rủi ro này càng cao khi dùng thuốc thông mũi dạng uống trong thời gian dài.

- Sự phụ thuộc và lạm dụng: Pseudoephedrin có thể gây nghiện, dẫn đến thèm thuốc và các triệu chứng cai thuốc nếu sử dụng sai.

Nên uống thuốc thông mũi trong bao lâu?

Thuốc thông mũi dạng uống được dùng trong thời gian ngắn:

- Đối với các triệu chứng cảm lạnh và cúm: Nếu bạn tự điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm bằng thuốc thông mũi dạng uống, chỉ nên dùng thuốc trong tối đa 7 ngày. Hãy đi khám, nếu tình trạng nghẹt mũi không cải thiện sau 7 ngày, bị sốt hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

- Đối với dị ứng: Sử dụng thuốc thông mũi dạng uống trong thời gian ngắn (tối đa 7 ngày) có thể hữu ích cho tình trạng nghẹt mũi do dị ứng, nhưng nếu cần điều trị lâu dài để kéo dài qua mùa dị ứng, thuốc xịt mũi steroid, chẳng hạn như flonase (fluticasone) sẽ là lựa chọn tốt hơn.

3. Uống thuốc thông mũi trước khi đi ngủ

Thông mũi có tác dụng kích thích não bộ, có thể khiến người bệnh khó ngủ hơn nếu dùng vào ban đêm. Do đó, thuốc thông mũi dạng uống thường có trong các sản phẩm trị cảm lạnh và cúm "dùng ban ngày" mà không có trong các phiên bản "dùng ban đêm".

Để có giấc ngủ ngon hơn, tránh dùng thuốc thông mũi sau 6 giờ tối hoặc trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.

4. Tăng liều thuốc thông mũi

Tăng liều dùng thuốc không có nghĩa là sẽ có tác dụng tốt hơn mà còn tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, chẳng hạn như đau đầu, bồn chồn và buồn nôn; không nên dùng liều thuốc thông mũi cao hơn khuyến cáo vì lý do tương tự.

Thuốc thông mũi cũng thường có trong các sản phẩm trị cảm lạnh và cúm đa thành phần. Do đó, người dùng cần phải đọc kỹ nhãn, để đảm bảo không dùng quá liều hoạt chất. Đối với những người từ 12 tuổi trở lên, lượng pseudoephedrine tối đa là 240mg trong 24 giờ. Đối với phenylephrine, thường là 60 mg trong 24 giờ. Những lượng này thấp hơn đối với trẻ em dưới 12 tuổi.

Các dấu hiệu dùng quá liều bao gồm nhịp tim nhanh hoặc không đều, khó thở và chóng mặt. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đi khám ngay, nếu các triệu chứng này xuất hiện.

5. Kết hợp thuốc thông mũi với các chất kích thích khác

Thuốc thông mũi có tác dụng kích thích, khi kết hợp với các chất kích thích khác, sẽ gây nguy hiểm. Sự kết hợp này có thể dẫn đến nhịp tim không đều và huyết áp cao. Do đó, người lớn tuổi và những người mắc bệnh tim nên thận trọng hơn.

Có một số loại chất kích thích khác nhau, bao gồm muối amphetamine, phentermine. Caffeine cũng là chất kích thích có trong nhiều loại đồ uống, thực phẩm và sản phẩm OTC. Nếu bạn đang dùng hoặc tiêu thụ bất kỳ chất kích thích nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thuốc thông mũi, để biết liệu sự kết hợp này có an toàn không hoặc đề xuất các phương pháp thay thế an toàn hơn.

Thuốc thông mũi, chẳng hạn như pseudoephedrine (sudafed) và oxymetazoline (afrin), có thể hữu ích để làm giảm tình trạng nghẹt mũi. Không nên uống rượu hoặc dùng các chất kích thích khác trong khi dùng thuốc thông mũi; tránh dùng thuốc vào ban đêm và tự ý tăng liều dùng thuốc.

Không dùng pseudoephedrine hoặc các thuốc thông mũi dạng uống khác trong hơn 7 ngày nếu không có sự đồng ý của bác sĩ; tránh dùng afrin hoặc các loại thuốc xịt mũi thông mũi khác trong hơn 3 ngày liên tiếp.

Hãy đọc kỹ nhãn thuốc và làm theo hướng dẫn để dùng đúng liều lượng và tránh nhiều thuốc có thành phần tương tự gây quá liều…

Mời độc giả xem thêm:

Ngạt mũi khi nào cần đi khám bác sĩ?Ngạt mũi khi nào cần đi khám bác sĩ?

SKĐS - Ngạt mũi là một biểu hiện khá thường gặp, tuy không quá nghiêm trọng nhưng nếu tình trạng ngạt mũi kéo dài sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi.

DS. Thu Phương
Theo Grx
Ý kiến của bạn