1. Tại sao cần dùng kem chống nắng?
Kem chống nắng không chỉ có tác dụng ngăn ngừa cháy nắng mà còn là công cụ đắc lực để bảo vệ làn da khỏe mạnh. Ánh nắng mặt trời có thể giúp bạn nhận được vitamin D - loại vitamin rất cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh, nhưng tác động của ánh nắng mặt trời không phải lúc nào cũng tích cực, có thể làm hỏng làn da.
Tia UVB có bước sóng ngắn hơn tia UVA và là nguyên nhân gây cháy nắng. Tia UVA không gây cháy nắng nhưng chúng xâm nhập sâu hơn vào tế bào da. Tiếp xúc ngắn với tia UVA và UVB không gây tổn thương da nghiêm trọng, nhưng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài có thể làm hỏng tế bào da và gây lão hóa da sớm, thậm chí là ung thư da.
2. Sai lầm cần tránh khi sử dụng kem chống nắng
Trong quá trình sử dụng kem chống nắng, nhiều người vẫn chưa biết sử dụng đúng cách và hay mắc các sai lầm dưới đây:
Sai lầm 1: Quan niệm chỉ số SPF càng cao thì kem chống nắng càng tốt
Chúng ta thường thấy chữ cái trên bao bì bên ngoài của kem chống nắng là PA và SPF. Đây là 2 chỉ số quan trọng để chọn kem chống nắng.
SPF là chỉ số thể hiện khả năng chống nắng, bảo vệ da khỏi tia UV của sản phẩm và có nhiều giá trị khác nhau, phổ biến nhất là SPF15, 30 và 50.
Một số loại kem chống nắng có chỉ số PA + trên bao bì sản phẩm. Các chữ cái "PA" theo sau là dấu cộng (PA +, PA ++, PA +++ và PA ++++) trên nhãn là một hệ thống đánh giá được phát triển ở Nhật Bản để thể hiện mức độ bảo vệ khỏi tia UVA của sản phẩm.
Kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao thì hiệu quả chống nắng càng tốt. Tuy nhiên, chỉ số SPF càng cao thì nồng độ kem chống nắng bổ sung càng nhiều, có thể làm tăng kích ứng cho da và gây ra các tác hại khác, vì vậy tốt nhất tùy theo từng trường hợp cụ thể mà chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp.
Ví dụ, nếu bạn đi biển, núi cao hoặc các hoạt động ngoài trời vào mùa hè, có thể sử dụng SPF50+ và PA++++. Nếu bạn chỉ đi làm và dành phần lớn thời gian trong ngày trong nhà, hãy chọn SPF30 trở lên và PA++++++.
Chúng ta cũng có thể đánh giá tình trạng tia cực tím dựa trên chỉ số tia cực tím (UVI). Chỉ số này thường xuất hiện trong dự báo thời tiết. Giá trị càng cao thì tổn thương da càng lớn. Những ngày nhiều mây, mưa hay mùa đông vẫn cần bôi kem chống nắng.
Sai lầm 2: Sử dụng không đủ lượng
Kem chống nắng phải được thoa đủ lượng và nhiều lần, lên tất cả các vùng da tiếp xúc với ánh nắng để mang lại sự bảo vệ hiệu quả nhất. Nguyên tắc là bôi kem chống nắng 15-30 phút trước khi ra ngoài, sau đó bôi lại sau mỗi 2 giờ.
Thông thường dùng khoảng 2 miligram kem chống nắng phủ trên 1 cm vuông da, tương đương khoảng 2 gram cho toàn bộ khuôn mặt. Theo kết quả khảo sát, trong thực tế, hầu hết mọi người đều bôi không đủ, chỉ đạt khoảng 1/3 đến 1/2 lượng tiêu chuẩn này. Điều này sẽ làm giảm đáng kể khả năng chống nắng của các sản phẩm.
Sai lầm 3: Chỉ bôi kem chống nắng cho da mặt
Sử dụng kem chống nắng là một cách để giữ cho làn da của bạn khỏe mạnh và ngăn ngừa lão hóa sớm, nhưng nó không chỉ sử dụng cho khuôn mặt.
Trên thực tế, khối u ác tính (loại ung thư da nghiêm trọng nhất) thường xảy ra ở cẳng chân của phụ nữ và lưng trên ở nam giới. Việc bôi kem chống nắng lên những vùng này có thể ngăn chặn tình trạng này.
Sai lầm 4: Sử dụng kem chống nắng hết hạn
Trước khi sử dụng cần kiểm tra xem lọ kem chống nắng đã quá hạn sử dụng hay chưa. Thông thường, các sản phẩm sẽ được ghi thời hạn sử dụng sau khi mở. Đối với kem chống nắng, quy ước chung là 12 tháng, được đánh dấu bằng dấu "12M". Nếu đã vượt quá thời hạn sử dụng sau khi mở thì không nên tiếp tục sử dụng.
Ngoài ra, nếu nó được bảo quản ở nhiệt độ cao, ánh nắng trực tiếp hoặc môi trường ẩm ướt hoặc nếu kết cấu, mùi vị, màu sắc của sản phẩm đã thay đổi, thì không sử dụng.
Sai lầm 5: Chỉ dựa vào kem chống nắng để chống nắng
Mặc dù kem chống nắng là công cụ bảo vệ hữu hiệu cho làn da nhưng nó không phải là thứ duy nhất bạn sử dụng để chống nắng. Những vật dụng khác bạn nên có bao gồm quần áo chống nắng, kính râm chống tia cực tím và mũ rộng vành cùng với kem chống nắng.
Ngoài ra, bạn nên cố gắng tránh ra ngoài nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, khi tia nắng mạnh nhất.
Mời xem thêm video được quan tâm:
6 cách giúp hạn chế nám, sạm da | SKĐS