(SKDS) - Sai khớp cắn mà dân gian vẫn thường gọi là hô, vẩu để chỉ các trường hợp bệnh nhân có hàm trên nhô ra trước so với hàm dưới. Trong chuyên môn sâu, các bác sĩ chỉnh nha gọi các trường hợp vẩu này là sai khớp cắn loại II.
Bệnh thường gặp
Sai khớp cắn loại II chiếm tỉ lệ lớn trong dân số ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam sai khớp cắn loại II gặp nhiều ở miền Bắc Việt Nam và chiếm tỉ lệ lớn trong các loại sai khớp cắn. Bệnh ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ của khuôn mặt, nhất là khi nhìn nghiêng và là nguyên nhân khiến bệnh nhân đến khám tại các cơ sở điều trị nắn chỉnh răng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ mà lâu dài sẽ gây sang chấn nhóm răng cửa hàm trên và gây ra tiêu mô quanh răng, làm các răng cửa hàm trên thưa và dài ra.
Khi bệnh nhân vẩu đến khám, các bác sỹ chuyên ngành chỉnh nha sẽ khám và chỉ định chụp phim sọ mặt nghiêng. Dựa vào các triệu chứng trên lâm sàng và kết quả phân tích trên phim sọ nghiêng, các bác sĩ sẽ phân tích để tìm ra nguyên nhân của vẩu, từ đó sẽ lập được kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân. Mục tiêu điều trị nắn chỉnh răng là sau điều trị bệnh nhân phải cải thiện được khuôn mặt khi nhìn nghiêng, có được hàm răng đều, đẹp và ăn khớp với nhau.
Sai khớp cắn lâu dài sẽ gây tiêu mô quanh răng. |
Nguyên nhân gây sai khớp cắn
Nguyên nhân gây ra hiện tượng vẩu có thể chỉ ở răng hoặc do xương hàm hoặc phối hợp cả hai nguyên nhân trên. Nếu vẩu do nguyên nhân tại các răng thì phương pháp điều trị sẽ đơn giản hơn. Nhưng nếu do xương hàm thì cần phải phân tích để biết được nguyên nhân là do xương hàm trên nhô ra trước hoặc do xương hàm dưới lùi ra sau hay có sự phối hợp cả hai nguyên nhân trên.
Phương pháp điều trị
Bệnh nhân vẩu do nguyên nhân xương hàm điều trị sẽ phức tạp hơn. Nếu bệnh nhân còn trong giai đoạn tăng trưởng hoặc ở cuối giai đoạn tăng trưởng (mốc là tuổi dậy thì) bệnh nhân sẽ được điều trị theo phương pháp điều chỉnh sự phát triển của xương hàm, tạo lập sự cân xứng giữa xương hàm trên và xương hàm dưới. Nếu bệnh nhân đã qua đỉnh điểm của sự tăng trưởng hoặc ở người lớn thì điều trị theo phương pháp bù trừ sự mất cân xứng xương bằng cách nhổ răng và kéo lùi khối răng cửa trên ra sau. Với các trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ được điều trị chỉnh nha kết hợp với phẫu thuật chỉnh hình xương hàm mặt khi bệnh nhân đã ở tuổi trưởng thành.
Chỉnh nha hay còn gọi là nắn chỉnh răng là chuyên ngành sâu, đòi hỏi sự nắm vững kiến thức chuyên ngành cũng như kinh nghiệm thực tế, vì vậy bệnh nhân khi đến khám và điều trị chỉnh nha cần phải được khám và điều trị tại các cơ sở có chuyên ngành chỉnh nha để kết quả điều trị đạt được yêu cầu cả về thẩm mỹ và chức năng.
BS. Võ Thị Thúy Hồng