“Mầm bệnh” từ bức tranh sáng
Tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2018 vừa qua do Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức; ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, các nhà xuất bản (NXB) đã chủ động khai thác, phát hành nhiều xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc, với các loại đề tài khác nhau.
Đặc biệt, nhiều cuốn sách của các NXB từ đầu năm đến nay có chất lượng nội dung, đa dạng và phong phú thể loại, đề cập tới những vấn đề mang tính thời sự và có tính xã hội cao như bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, phát triển công nghệ số, giáo dục kỹ năng cho trẻ, các tác phẩm văn học kinh điển và hiện đại, sách thiếu nhi nhằm giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời đại mới... Bên cạnh đó, số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung trong 6 tháng đầu năm 2018 giảm 50% so với cùng kỳ năm 2017 (96 trong 6 tháng đầu năm 2017 so với 48 cùng kỳ năm 2018). Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, Cục Xuất bản xác nhận đăng ký xuất bản 36.740 tên xuất bản phẩm, toàn ngành nộp lưu chiểu 16.004 xuất bản phẩm với 174,7 triệu bản. Đặc biệt, số lượng sách giấy đã chiếm ưu thế hoàn toàn với 15.650 xuất bản phẩm (đầu sách) và hơn 165,2 triệu bản.
Tuy nhiên, các xuất bản phẩm vi phạm, bị xử lý trong nửa năm 2018 nặng thì đình bản, nhẹ thu hồi và xử phạt bằng tiền nhưng vẫn mắc những lỗi điển hình và được ví như “bệnh kinh niên”. Theo đó, nhiều cuốn sách thời gian qua có nội dung phản ánh không khách quan về lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, đánh giá và nhận định sai lệch về những người chiến sĩ cách mạng. Bên cạnh đó, nội dung viết về sự kiện lịch sử trong số ít xuất bản phẩm không được kiểm chứng hoặc không chính xác; đưa ra nhận định về đời sống xã hội, chính sách tôn giáo không phù hợp, không khách quan gây bức xúc, hoang mang trong dư luận. Đặc biệt, sách dành cho thiếu nhi có từ ngữ không chuẩn mực, không phù hợp làm ảnh hưởng đến tư duy thẩm mỹ, nhân cách các em nhỏ... Đó là chưa kể, dòng sách điện tử (ebook), sách nói (audio book) lậu, vi phạm bản quyền đang nở rộ trên môi trường số làm ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh thu của các NXB chính thống.
Hàng trăm triệu bản sách đã đến với bạn đọc trong 6 tháng đầu năm 2018, tuy nhiên một số ít vẫn bị xử phạt vì vi phạm nội dung, bản quyền... (Ảnh minh họa).
“Thuốc” nào để trị tận gốc?
Thực trạng trên phần nào cho thấy, bức tranh ngành xuất bản Việt từ đầu năm 2018 đến nay và cả trước đó có những lỗ hổng, bất cập và hạn chế chưa được khắc phục triệt để. Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông nhấn mạnh, công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2018 ở nước ta còn nhiều hạn chế. Trong đó, về nội dung, tình hình sai phạm còn phức tạp, cho thấy hạn chế trong quản lý cũng như trong quá trình tác nghiệp. Vấn đề liên kết trong xuất bản rất đáng lo ngại, nhiều NXB thiếu cân nhắc trong lựa chọn đối tác, khoán trắng cho đối tác nên xảy ra tình trạng giật gân, câu khách... gây ảnh hưởng không nhỏ đến các NXB, đến sự phát triển của toàn ngành và rộng hơn là văn hóa đọc. Ngoài ra, đã nhiều lần, các chuyên gia chỉ ra rằng, những cuốn sách vi phạm về nội dung bị cơ quan chức năng “tuýt còi” có lỗi của các biên tập viên - những người “gác đền” ở các NXB do thiếu kỹ năng, trình độ, kiến thức chuyên môn hoặc một số đơn vị làm sách theo thị hiếu đám đông nên đặt vấn đề doanh thu còn nội dung bị xem nhẹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, để không còn các xuất bản phẩm kém chất lượng và giúp ngành xuất bản phát triển đúng nghĩa, các NXB cần phải có đội ngũ biên tập viên giỏi nghề, có kiến thức bao quát để rà soát, chỉnh sửa nội dung xuất bản phẩm để những cuốn sách khi đến tay độc giả không bị lệch chuẩn, loạn chuẩn. Cùng với đó, các biên tập viên tại các NXB cần hoàn thiện năng lực chuyên môn và phẩm chất để đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp và “những người gác đền” không thể “cưỡi ngựa xem hoa” khi thẩm định bản thảo tác phẩm để trực tiếp dẫn đến tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” ở thành phẩm.
Ông Võ Văn Phuông vừa qua nhấn mạnh, các NXB cần tăng cường tính chuyên nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ biên tập viên, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các NXB cần quan tâm hoạt động truyền thông sách, tăng cường quản lý, chấm dứt tình trạng giao khoán cho đối tác xuất bản. Đồng thời, các NXB cần chủ động rà soát lại đề tài, nội dung, kế hoạch xuất bản, nâng cao chất lượng và số lượng để có nhiều xuất bản phẩm tạo hiệu ứng tích cực cho bạn đọc, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân.