Hà Nội

Sách văn chương cho thiếu nhi: Khoảng trống khó lấp đầy

11-08-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không cần đợi đến dịp nghỉ hè mà quanh năm, lúc nào sách văn chương dành cho thiếu nhi cũng là mảng sách bán chạy nhất.

Không cần đợi đến dịp nghỉ hè mà quanh năm, lúc nào sách văn chương dành cho thiếu nhi cũng là mảng sách bán chạy nhất. Bởi lứa tuổi các em tìm đến sách cũng là cách để khám phá thế giới xung quanh và nhân đó khám phá bản thân. Đây là điều kiện tốt để các nhà xuất bản, cửa hàng sách đua nhau tung ra thị trường nhiều chủng loại sách phục vụ nhu cầu văn hóa đọc của các em. Thế nhưng, cùng với những thuận lợi đó, sự cám dỗ của đồng tiền đã khiến không ít người lao theo những mối lợi kinh tế trước mắt mà quên đi quyền lợi chính đáng của các em.

Cần lắm những trang văn sạch

Theo thời gian và quá trình học tập ở nhà trường, gia đình và xã hội, tình cảm và nhận thức của các em về môi trường sống xung quanh cả về tự nhiên và xã hội cũng tăng dần theo năm tháng. Theo đó, nhu cầu đọc các thể loại sách văn chương của các em cũng tăng theo.

Dế mèn phiêu lưu ký - Một trong số  những cuốn sách hay  dành cho thiếu nhi.

Nắm được quy luật vận động về tâm lý lứa tuổi của các em, nhiều nhà xuất bản (NXB) như: Kim Đồng, Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia, Thanh niên, Phụ nữ, NXB Trẻ... và nhiều công ty cổ phần văn hóa, truyền thông đã không ngừng đem đến cho các em những bộ sách có nội dung tư tưởng lành mạnh, hình thức trình bày đẹp, bắt mắt, thu hút được các em. Điều ấy rất đáng khuyến khích. Làm như vậy là góp phần bồi dưỡng kiến thức giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống, biết sống đẹp và sống tốt với mọi người, tránh xa các cạm bẫy, tệ nạn xã hội, không những thế, còn góp phần giữ gìn một nét đẹp truyền thống về văn hóa đọc của cha ông ta cũng như tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Những cuốn sách hay thuộc loại kinh điển của các nhà văn gạo cội đã được tái bản như: Dế mèn phiêu lưu kí, Tìm mẹ, Cái Tết của Mèo con, Hạt cườm tham ăn, Búp bê của ai nhỉ?, Đảo chim trắng, Nhóm chim xanh, Chó nhà đi làm xiếc, Tiếng sáo trúc, Chuyến tuần tra đầu tiên, Mùa quả cọ, Hương cỏ mật, Lồng hoạ mi, Buồn nhỏ... Các bộ tiểu thuyết lịch sử hay cũng được tái bản như: Nhà Chử, Nỏ thần, Đảo hoang, Sao Khuê lấp lánh, Trăng nước Chương Dương, Trên sông truyền hịch, Bên bờ Thiên Mạc...

Một số cuốn sách được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích như Cây bàng không rụng lá, Đất rừng phương Nam, Quê nội, Miền xanh thẳm, Một cần câu, Lớp học anh Bồ câu trắng và các tác phẩm của Nguyễn Ðông Thức, Nguyễn Ngọc Thuần và Nguyễn Nhật Ánh với những cuốn như: Kính vạn hoa, Bồ câu không đưa thư, Đảo mộng mơ, Lá nằm trong lá, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ... và đặc biệt là cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, một trong những truyện dài thành công nhất của nhà văn, tác phẩm đã được nhận Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010, luôn được các em tìm đọc và đón nhận.

Phập phồng những âu lo

Đáng tiếc là những nhà văn kế cận các bậc cha anh, nhất là các cây bút trẻ ngày nay dường như tỏ ra chẳng mấy quan tâm đến nhu cầu của các em. Những trang văn sạch, những cuốn sách hay và lành mạnh dành cho thiếu nhi ngày một thưa vắng hơn khiến nhiều khi các em bị chới với, gặp gì đọc nấy. Còn các NXB, công ty sách tư nhân không biết có phải vì “cực chẳng đã” hay là cố tình chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua nhu cầu chính đáng ấy của các em?

Trước hết, các em có quá ít đầu sách văn chương đương đại để lựa chọn, khiến nhiều em buộc phải tìm niềm vui từ những trò giải trí khác. Thời đại các em sống đang diễn ra những thay đổi chóng mặt. Nhưng những em nào yêu thích văn chương chỉ còn cách xài món "đồ cổ" của các bậc tiền bối để lại. Tuy nhiên, có một nghịch lý không thể phủ nhận được là các nhà văn ở thế hệ đi trước chẳng thể nào bắt kịp những vấn đề mà xã hội hiện đại đang đặt ra đối với các em cùng cách cảm, cách nghĩ và ngôn ngữ biểu đạt của thiếu nhi thời nay. Vì thế, nó đã để lại một khoảng trống đầy cơ hội cũng như thách thức đối với thế hệ các nhà văn trẻ, khiến các bậc làm cha làm mẹ không khỏi phập phồng âu lo. Hiện thực sinh động là thế, nhưng không ít nhà văn trẻ lại tự “trói” mình vào khuôn khổ đề tài tình yêu học đường, thậm chí là những chuyện nằm ngoài khuôn khổ của sự phát triển tâm lý lứa tuổi, tính cách trẻ con của các em.

Để bù lại khoảng trống về mảng sách văn chương dành cho thiếu nhi, các đơn vị xuất bản đua nhau tung ra thị trường nhiều đầu sách nhưng chủ yếu là sách dịch của nước ngoài. Chúng ta không nên “bế quan tỏa cảng” sách văn chương dịch mà  nên xem đây như là một kênh cần thiết để các em mở rộng tầm mắt cũng như tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là liều lượng, tỉ lệ bao nhiêu so với sách nội thì có thể chấp nhận được. Cùng với đó là việc chọn dịch những tác phẩm thực sự có giá trị về tư tưởng và thẩm mỹ, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của người Việt là điều khó khăn nhất, nhưng lại là việc cần thiết phải làm đối với các dịch giả và đơn vị xuất bản.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là thị trường sách cho thiếu nhi còn xuất hiện khá nhiều quyển truyện nước ngoài có tính kích động bạo lực, đồi trụy như cuốn Good kiss - Nụ hôn đầu. Đấy là chưa kể một số tác giả trẻ viết cho thiếu nhi nhưng nhân vật trong truyện của họ lại suy nghĩ, trải nghiệm như người lớn; Những mối tình éo le, số phận trái ngang, cảm xúc đau đớn, ê chề; thậm chí còn khơi gợi trí tò mò cho các em thử làm “chuyện người lớn” trong quan hệ với bạn khác giới hoặc mách nước cho các em trả thù lẫn nhau, gieo rắc mối thù hận với bè bạn, người thân trong gia đình và ngoài xã hội, làm cho các em sống và suy nghĩ ngày một ích kỷ hơn, xem nhẹ các giá trị tình cảm và đạo đức cao quý khác...

Tình trạng sao chép, cắt xén nguyên bản, hàng giả, hàng nhái ở mảng sách văn chương dành cho thiếu nhi ngày càng tăng về số lượng, công khai về hình thức quảng bá, tiếp thị. Nhiều phụ huynh có con nhỏ đã than phiền rằng mình có ít thời gian dành cho việc chọn sách cho con nhưng khi chọn về thì chúng lại không ưng. Chẳng hạn như không ít quyển truyện có tên gọi rất kêu, rất nhân văn nhưng nội dung lại chẳng có tí giáo dục nào.

Có một thực trạng khác cũng đáng buồn không kém là trong khi truyện thiếu nhi trong nước thiếu hụt, những truyện tranh dựa theo truyện cổ tích khi được in ra lại bị cắt xén hết những phần hay, những phần quan trọng nhất, không còn như nguyên bản khiến các em ngỡ ngàng và không còn yêu thích truyện cổ tích nữa mặc dù đây là những cái giúp trẻ nhận biết được những nền tảng đạo đức, những giá trị nhân văn và những phong tục tập quán đẹp của dân tộc để các em noi theo.

Đỗ Thanh

 


Ý kiến của bạn