Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa chủ trì, biên soạn và công bố "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022".
Nội dung ấn phẩm cung cấp những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước giai đoạn 2016-2020 và năm 2021, nhằm phản ánh quá trình phát triển và ghi nhận những đóng góp quan trọng, đồng thời cung cấp bức tranh tổng thể về doanh nghiệp Việt Nam cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Tổng quan về khu vực doanh nghiệp Việt Nam
Theo thông tin từ Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, tính đến thời điểm 31/12/2021, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 5,7% so với cùng thời điểm năm 2020. Trong đó, những địa phương tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2021 so với thời điểm 31/12/2020 là: Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang…
Một số địa phương có số doanh nghiệp đang hoạt động năm 2021 cao, gồm: TP HCM có 268.465 doanh nghiệp, chiếm 31,3% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, tăng 5,4% so với năm 2020; Hà Nội có 178.493 doanh nghiệp, chiếm 20,8%, tăng 7,6%; Bình Dương có 37.668 doanh nghiệp, chiếm 4,4%, tăng 8,1%...
Cũng trong năm 2021, cả nước có hơn 116.800 doanh nghiệp thành lập mới, 43.116 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, hơn 54.900 doanh nghiệp ngừng kinh doanh và hơn 16.700 doanh nghiệp giải thể.
Trung bình tại TP HCM có 61,9 doanh nghiệp/1.000 lao động, Hà Nội có 49,8 doanh nghiệp/1.000 lao động, Đà Nẵng có 45,4 doanh nghiệp/1.000 lao động, Bình Dương có 23,2 doanh nghiệp/1.000 lao động, Hải Phòng có 22 doanh nghiệp/1.000 lao động.
Nhiều doanh nghiệp ma, kinh doanh thua lỗ
Điều đáng lưu ý trong Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 là số doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm thường thấp hơn rất nhiều so với con số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế.
Ví dụ năm 2020, cả nước có hơn 811.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế nhưng chỉ khoảng 684.200 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh, có tới 127.300 doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế nhưng không có kết quả kinh doanh – tức là "doanh nghiệp ma". Thống kê trên cho thấy con số doanh nghiệp ma trong nền kinh tế khá lớn.
Trong số doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020, chỉ có khoảng 39,7% làm ăn có lãi, 18,8% doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, 41,5% kinh doanh thua lỗ.
Cũng theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, nếu xét theo loại hình doanh nghiệp, năm 2020 cả nước có khoảng 1.960 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, trong đó 77,6% kinh doanh có lãi, 3,7% kinh doanh hòa vốn, 18,7% kinh doanh thua lỗ.
Số doanh nghiệp ngoài nhà nước (doanh nghiệp tư nhân) có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cùng kỳ khoảng 660.000 doanh nghiệp (chiếm 95,5% số doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh), trong đó 39,3% kinh doanh có lãi, 19,2% kinh doanh hòa vốn, và 41,5% kinh doanh thua lỗ.
Khu vực doanh nghiệp FDI có 22.242 doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó 47,5% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 9,1% kinh doanh hòa vốn và 43,4% kinh doanh thua lỗ.
Như vậy, tỉ lệ doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ trong nền kinh tế Việt Nam cao hơn cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp tư nhân.