Trải qua nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sách ngoại, thị trường sách thiếu nhi trong nước đã sôi động trở lại, đặc biệt vào dịp hè. Các nhà xuất bản đã có nhiều sáng tạo để biến văn hóa đọc - kênh giải trí tưởng như kém thu hút so với internet, trở thành một xu hướng không mới nhưng vô cùng hấp dẫn. Người làm sách lại có thêm lý do để hy vọng về sự đảo chiều khi sách trong nước dần lấn át sách nước ngoài.
Những sáng tạo
Bên cạnh việc duy trì các hội chợ sách để văn hóa đọc không bị gián đoạn thì các nhà xuất bản đã có thêm những sáng tạo để ngày hội sách trở nên hấp dẫn theo đúng nghĩa của nó. Có thể nói, hội chợ sách thiếu nhi ngày càng chú trọng yếu tố tươi mới, hấp dẫn. Hội chợ Books & Kids Fair là một ví dụ.
Qua thời gian, các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến nay vẫn được coi là mẫu mực của nền văn học thiếu nhi Việt Nam.
Mong muốn mang đến cho các em thiếu nhi Thủ đô những hoạt động lý thú, ngoài sách, triển lãm năm nay còn có nhiều chương trình hấp dẫn: E-valley - Thung lũng công nghệ dành cho trẻ em với các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất; Bizkids Corner - Góc Bizkids: nơi hướng dẫn các kỹ năng quản lý tài sản dành cho trẻ; các chương trình giới thiệu sách hay dành cho trẻ; tọa đàm phương pháp chăm sóc, nuôi dạy trẻ của các chuyên gia; tư vấn dinh dưỡng, tư vấn chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ, thi vẽ tranh... Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng có cơ hội cùng các con trải qua những giờ phút thật vui vẻ, đồng thời thu lượm cho mình những kỹ năng bổ ích để nuôi dạy trẻ ngày một tốt hơn.
Tạo dấu ấn cho hội chợ sách thiếu nhi cũng là một yếu tố quan trọng, các nhà tổ chức ngày càng quan tâm đến điều này. Với tư cách khách mời của Hội chợ Books & Kids Fair, ca sĩ Thái Thùy Linh luôn thường xuyên góp mặt trong các triển lãm sách, mang tiếng hát của mình để cổ vũ, động viên tinh thần ham học hỏi của các em.
Thay đổi xu hướng đọc
Bên cạnh các cuộc triển lãm sách được tổ chức thường xuyên với nhiều yếu tố sáng tạo thì những cuộc trưng bày tác phẩm và giới thiệu những cây bút lớn cũng là một cú hích đối với văn hóa đọc. Triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi” nhân kỷ niệm 58 năm ngày thành lập (17/6/1957 - 17/6/2015), do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã thực sự để lại dấu ấn khó quên đối với giới đọc, đặc biệt là các độc giả nhí.
Triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi” mang đến cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về một cây bút giàu tâm huyết đã để lại gia tài văn chương đồ sộ và một trái tim yêu lịch sử mãnh liệt. Triển lãm trưng bày hàng trăm bức ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đặc biệt là những đóng góp của ông trong công tác xuất bản sách cho thiếu nhi. Trong đó có những bút tích nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Phong Nhã, họa sĩ Tạ Thúc Bình... viết, vẽ cho các em; những tư liệu ghi chép phục vụ cho sáng tác; những trang nhật kí thể hiện quan điểm, tư tưởng sáng tác của nhà văn; những bức thư thăm hỏi, trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với các nhà văn, cộng tác viên, cán bộ biên tập của NXB Kim Đồng như: Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Nguyễn Xuân Sanh...
Triển lãm cũng dành một không gian trang trọng trưng bày các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết cho thiếu nhi, từ những cuốn sách Kim Đồng in trong kháng chiến đến những cuốn sách đầu tiên khi Nhà xuất bản Kim Đồng mới ra đời. Ngoài ra, còn có những tiểu thuyết, kịch bản, truyện ký gắn với tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng như: Sống mãi với Thủ đô, Đêm hội Long Trì, An Tư, Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Lũy hoa, Một ngày chủ nhật... cũng lần lượt được xuất bản trong Tủ sách Vàng - Tác phẩm văn học chọn lọc hay Tủ sách Tác giả của NXB Kim Đồng.
Có thể nói, triển lãm sách thiếu nhi hiện nay không hề ít, nhưng hầu hết các nhà tổ chức mới chỉ chú tâm vào việc giới thiệu càng nhiều đầu sách đến với các em càng tốt. Hy vọng triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi” sẽ làm thay đổi cách thức tổ chức triển lãm của các nhà xuất bản cũng như xu hướng đọc trong giới trẻ, các em không chỉ đọc để biết mà cần đọc để hiểu, để thêm yêu nền văn học nước nhà.
Vũ Quang