Tôi cũng là bác sĩ, cũng tiếp xúc với bệnh tật, sanh tử như Bảo Trung nên cảm được rất nhiều điều trong đó. Có khi là mỉm cười, có khi là rưng rưng nước mắt. Thông điệp đầu tiên khi tôi giở cuốn sách Nhà ra là MỘT CÂU HỎI: “Không biết phải đi đến bao nhiêu nơi xa, phải trải qua bao nhiêu chìm nổi ngược xuôi, chúng ta mới hiểu được tận cùng mọi cố gắng chỉ là để có được một sớm mai lòng thật bình an ngồi bên hiên nhà uống cà phê với người thương?”
Và thông điệp cuối cùng của cuốn sách là MỘT CÂU ĐÁP: “Để hiểu rằng không đâu an bình bằng Nhà mình, chúng ta phải đi thật xa, cô đơn và lạc lối nhiều lần.” Xuyên suốt cuốn sách là những thông điệp như thế ... Tôi cứ tưởng nó sẽ gây mệt mỏi vì quá nhiều giáo điều, may mắn là Nhà giống như bốn cuốn sách trước ẩn sâu trong những câu chữ đơn giản mộc mạc là lòng thương rất nặng.
Có lẽ do cuộc mưu sinh quá vất vả con người đôi lúc chưa nhận ra được đâu là Nhà để về. Cuốn sách như một cuộc hành trình đưa chúng ta đi qua những cung bậc chìm nổi của cuộc sống để trở về. “Thường chúng ta vẫn hay đánh giá nhận xét người khác khá vội vàng qua những điều trông thấy! Có lúc những điều chúng ta trông thấy không phản ánh chân thật hiện tượng nhưng vô tình phản ánh tâm của chúng ta đang là! Tâm an nhìn đâu cũng an. Tâm rộng nhìn đâu cũng thấy niềm vui.
Tâm hẹp một chút gió đã thành bão, một chút lỡ lầm đã thành cách chia.... Ngày mà chúng ta thôi phán xét và không còn tìm mình trong sự phán xét của người khác là ngày chúng ta đã về nhà ...". “Bà Hường bắt đầu khóc theo Châu.
Hai mẹ con nước mắt giọt ngắn giọt dài. Đồng hồ trên tường thong thả gõ bong ... Ba giờ sáng. Chỉ khi nằm xuống vì bệnh tật khó khăn ... chúng ta mới biết chỉ có cha mẹ, người thân là còn ở lại với mình. Nhưng dù họ có ở lại có chăm sóc ủi an cũng không thể nào sớt chia đi được một phần nào nỗi đau. Cơn đau và cái chết mỗi người đều phải đối diện, gánh vác riêng mình. Châu lại mê.
Cuốn sách "Nhà" của của bs Bảo Trung "Sách rất mỏng nhưng lòng thương rất dày"
Trong cơn mê anh nghe tiếng bà Hường rao khản cổ giữa trưa hè nóng bức: Ai ăn bánh cam, bánh còng không? Ai ăn bánh cam, bánh còng không? Đôi chân kia đã đi bao nhiêu dặm đường rồi trong cuộc mưu sinh? Cái đầu kia đã đội bao nhiêu mâm bánh cam bánh còng rồi?
Và trái tim kia đã bao nhiêu đêm thổn thức lo từng miếng ăn giấc ngủ, từng bước chân đến trường, thậm chí từng nỗi buồn vui của Châu … Bao nhiêu mồ hôi của mẹ? Châu lại nghe lời Du thoang thoảng: Ngày mà mẹ sinh ra ta là ngày sinh nhật, ngày mà ta hiểu được công lao biển trời của mẹ là ngày ta trưởng thành. Và ngày ta mà đến quỳ bên gối mẹ, chỉ biết thốt lên được tiếng gọi “mẹ”, rồi khóc … đó là ngày ta đã về nhà.” Nhà của Bảo Trung bây giờ là Mái Ấm. Thật sự cuộc sống hôm nay đang khủng hoảng rất nhiều giá trị, con người đứng trước quá nhiều cám dỗ, lựa chọn.
Nhiều gia đình đã đổ vỡ, vợ chồng li dị, cha mẹ xa lìa con cái, anh chị em không nhìn mặt nhau .... Ai cũng có quan điểm sống riêng mình và quan trọng là ai cũng có thể kiếm sống. Cuốn sách Nhà xuất hiện như muốn nhắc nhở về sự thiêng liêng và nhiệm mầu của tình thâm, chỉ cần mỗi bước đi chậm lại, biết lắng nghe nhau và nương vào nhau là đã khác! Muốn xây dựng Nhà bền vững phải dựa trên nền tảng của sự Hiểu và Thương.
Vẫn giống nhận xét ban đầu khi viết bình luận cho cuốn Nắng, ở cuốn Nhà, tôi cho rằng sách của Bảo Trung được đón đọc bởi lối viết chân thành và hồn nhiên. Lần này Nhà được biên tập chỉnh chu hơn, một cuốn sách màu có ảnh. Ảnh cũng như văn. Không có kỹ thuật điêu luyện nhưng theo tôi tất cả đều có hồn. Ngắm những bức ảnh anh chụp nhẹ nhàng, bình yên.
Lần này, tôi chúc anh và những người yêu mến trang Vô Thường của anh về Nhà thành công! Dù sách rất mỏng nhưng lòng thương rất dày!
Bs Biện Loan