Tại Việt Nam, nhiều năm qua, sách nói đã xuất hiện bên cạnh sách giấy truyền thống. Tuy nhiên, dòng sách này cũng bị làm lậu và vi phạm bản quyền như các loại hình khác.
Giá trị, lan tỏa
Các chuyên gia thuộc lĩnh vực xuất bản cho biết, sách nói là một dạng chuyển thể của sách viết tay truyền thống đã được thu âm vào các thiết bị âm thanh như băng video, DVD, đĩa CD và hiện này dòng sách này còn được thực hiện bằng file âm thanh phù hợp với thiết bị đọc của người sử dụng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, sách nói được phát hành, bán và cho phép mọi người đọc miễn phí tại các trang điện tử của một số nhà xuất bản (NXB) hoặc nhà sách bản quyền.
Những cuốn sách nói cho phép mọi người đọc miễn phí trên một thư viện sách điện tử bản quyền tại Việt Nam.
Sách nói là loại sách hữu dụng với người khiếm thị vốn không thể đọc được bằng mắt, đồng thời sách nói được sử dụng rộng rãi trong việc dạy trẻ đọc và tăng khả năng đọc hiểu của trẻ. Với nhiều đặc tính ưu việt, sách nói giúp người dùng có thể tận dụng bất kể thời gian nào để nghe hoặc đọc sách online (trực tuyến), tại mọi địa điểm và trên tất cả các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng... Đồng thời, so với sách giấy thì sách nói có giá thành chỉ bằng một nửa giá sách giấy nên được nhiều người lựa chọn, sử dụng.
Ở Việt Nam, sách nói đã và đang được biết đến nhiều hơn bên cạnh sách giấy truyền thống, sách điện tử (ebook) khi một số thư viện, nhà phát hành sách nói ra đời. 20 năm trước, TP. Hồ Chí Minh đã có thư viện sách nói dành cho người mù do chị Nguyễn Hướng Dương sáng lập (người mất hai chân sau một tai nạn năm 25 tuổi và vừa từ trần bởi một tai nạn giao thông cuối tháng 4/2018 - PV). 20 năm qua, thư viện sách nói do chị Hướng Dương sáng lập đã mang đến hơn 1.800 tựa sách, in sang và phân phối hoàn toàn miễn phí hơn 400.000 bản sách nói, hơn 1.200 đầu sách trên môi trường trực tuyến cho gần 17 triệu lượt người truy cập. Đồng thời, thư viện sách nói này còn phục vụ miễn phí cho các hội, trường khiếm thị trên địa bàn cũng như cả nước với những sách nói như: giáo khoa, văn học Việt Nam và thế giới, các danh nhân, kiến thức khoa học...
Ngoài ra, Waka - thư viện sách điện tử có bản quyền lớn nhất Việt Nam, năm 2017 cũng đã cho ra mắt kho sách nói. Thư viện Waka có tới hơn 10.000 tựa sách và tạp chí, với hơn 20 thể loại sách nói gồm kinh doanh, khoa học công nghệ, văn học, nuôi dạy con… phục vụ bạn đọc. Để cung cấp tới người sử dụng nhiều cuốn sách hay, có giá trị và chất lượng, Waka hợp tác với hơn 50 nhà sách, NXB và các tác giả nổi tiếng. Waka cho biết, đến nay đã có hơn 2 triệu độc giả trên khắp cả nước, với hơn 2 triệu lượt cài đặt ứng dụng trên mọi hệ điều hành để đọc sách nói.
Nỗi lo bản quyền
Cũng như sách giấy, sách điện tử; sách nói không thoát khỏi tình trạng bị in lậu và phát hành bừa bãi trên mạng xã hội, các trang thông tin giải trí thời gian qua. Năm ngoái, làng xuất bản Việt xôn xao khi Câu lạc bộ sách Sài Gòn phản ánh lên Hội Xuất bản Việt Nam hành vi của Công ty Yeah1 Network tuyển dụng cộng tác viên thu âm sách nói không bản quyền. Ngay sau đó, trước phản ứng của dư luận và Câu lạc bộ sách Sài Gòn, phía Yeah1 Network đã lên tiếng xin lỗi và cam kết sẽ không thực hiện hành vi thu âm sách nói không bản quyền.
Trên thực tế, nhiều đơn vị phát hành, NXB cũng đau đầu với vấn nạn sách nói lậu, vi phạm bản quyền trên môi trường số ở nước ta những năm gần đây. Đại diện nhà sách First News - Trí Việt xác nhận, trong những năm qua, khoảng 400 đầu sách của đơn vị này đã bị làm sách nói, sách điện tử lậu nhiều lần. Các cá nhân, tổ chức làm sách nói lậu chọn một tác phẩm (cuốn sách), sau đó cắt ra thành những đoạn nhỏ để thu âm hoặc thu âm cả cuốn sách rồi đăng tải và thu tiền bất chính từ người nghe. Điều này không chỉ khiến các NXB, đơn vị phát hành sách chính thống tổn hại về uy tín mà còn thiệt hại về vật chất. Ngoài ra, NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ... cũng từng lên tiếng bị làm sách nói, sách điện tử giả như trường hợp của First News - Trí Việt nói trên.
Theo các chuyên gia, phát triển sách nói trong bối cảnh sách giấy còn nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay là một hướng đi mới, phù hợp với xu thế thời đại. Để phát triển và ngăn chặn tình trạng làm lậu, vi phạm bản quyền sách nói, cơ quan chức năng ngành xuất bản cần siết chặt quản lý. Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, nếu đơn vị nào phát hiện những tác phẩm, sách bị xâm hại bản quyền cần phản ánh ngay về Hội để phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật tìm ra biện pháp đấu tranh và xử lý thích hợp. Bên cạnh đó, người đọc cần tìm đúng nguồn, nhà phát hành sách nói chính thống để được sở hữu sách nói thật chứ không phải “hàng nhái”.