Sách lậu - vấn nạn chưa có hồi kết

14-08-2015 9:40 AM | Thời sự

SKĐS - Thực trạng sách giả, sách lậu đang ngày càng phổ biến ở nước ta hiện nay đã trở thành một vấn đề lớn, mang lại nhiều lo ngại.

Thực trạng sách giả, sách lậu đang ngày càng phổ biến ở nước ta hiện nay đã trở thành một vấn đề lớn, mang lại nhiều lo ngại. Với lợi nhuận cao, không ít các đối tượng sẵn sàng in lậu và buôn bán sách giả, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của các nhà xuất bản, tác giả, nhà in... và cả những người mê sách.

Phát hiện kho sách lậu lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 12/8, Cục An ninh văn hóa, thông tin và truyền thông (A87, Bộ Công an) phối hợp Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã phát hiện vụ việc in lậu sách lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Cụ thể, qua kiểm tra đột xuất kho sách của Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến (phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội), đã phát hiện 25 đầu sách với hơn 50.000 cuốn sách in lậu. Tại đây, đoàn công tác phát hiện cơ sở này lưu trữ và chuẩn bị đưa ra thị trường hàng chục ngàn cuốn sách lậu của nhiều nhà xuất bản, trong đó, số lượng nhiều nhất thuộc về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Số sách trên sau đó đã được đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác định là sách in lậu. Đáng chú ý, toàn bộ số sách trên đều được dán tem nhái, tem chống hàng giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, ông Triệu Quang Phú, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số sách nói trên và thừa nhận hơn 50 nghìn cuốn sách này có nguồn gốc bất hợp pháp. Ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ số sách lậu tại kho của Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến để xử lý theo quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng lập biên bản cơ sở in lậu với hơn 50 nghìn cuốn sách lậu.

Trước đó, Công an TP.Hà Nội cũng đã phát hiện một cơ sở  in lậu, làm giả hàng nghìn tấn sách, tem chống hàng giả mang tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Các tên sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị in lậu nhiều nhất, gồm: sách Tiếng Anh 3, 4, 5 (bao gồm sách học sinh và sách bài tập); sách và vở bài tập các môn học Làm văn, Vật lý của các lớp 6, 7 ,8, 9; Bài tập cuối tuần Toán 1, 2, 3, 4, 5; Tập bản đồ bài tập và bài tập thực hành Địa lý từ lớp 6 đến lớp 12. Điều đáng lo ngại là nội dung của các cuốn sách in lậu, sách giả có nhiều sai sót về mặt kiến thức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập của các em học sinh.

Chưa thể ngăn chặn triệt để ?

Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng sách lậu đang hoành hành ngang nhiên, bất chấp những răn đe từ phía các cơ quan chức năng. Trong khi đó, những trường hợp bị phát hiện, chỉ dừng ở mức tiêu hủy, giải quyết hậu quả và xử phạt hành chính từ 15 đến 30 triệu đồng/vụ việc, như vậy so với lợi nhuận thu về từ việc làm sách lậu con số này chẳng thấm vào đâu. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến sách lậu không được ngăn chặn triệt để. Trường hợp xử lý cơ sở Huy Thi in lậu sách của Công ty sách First News vừa qua là một thí dụ. Dù bị bắt quả tang khi đang gia công và tàng trữ trên một vạn bản sách lậu, cơ sở này chỉ phải chịu xử phạt ở mức tiêu hủy số sách vi phạm. Ðồng thời với lý do số sách in lậu chưa phát hành ra thị trường, không gây thiệt hại cho First News nên đơn kiện của công ty đã bị bác bỏ.

Để xử lý, triệt phá sách lậu, một số nhà xuất bản đã tổ chức người đi tìm hiểu, phát hiện kịp thời những cơ sở làm sách lậu để báo cơ quan chức năng xử lý, đồng thời đưa ra lời cảnh báo sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh tính những cơ sở in và tiêu thụ sách lậu để độc giả nhận biết và không tiếp tục mua sách ở những cơ sở này. Tuy nhiên, công việc này tốn quá nhiều thời gian và công sức. Biện pháp thường được áp dụng hiện nay của nhiều đơn vị xuất bản là áp dụng các phương pháp chống làm giả như: làm bìa cứng, bìa nổi; dán tem chống hàng giả, in tem chìm ngoài bìa bốn. Song biện pháp này tiếp tục thất bại do các cơ sở làm sách lậu đã nhanh chóng “nhái” được mẫu mã.

Liên quan đến việc một số ý kiến đề cập sách lậu như thế nào mới được coi là hàng giả, và có nên tội phạm hóa hành vi này hay không, luật sư Phạm Hồng Hải cho rằng sách lậu có thể đưa vào hành vi vi phạm bản quyền chứ không phải là hàng giả bởi tất cả các phát minh sáng chế, các tác phẩm văn học nghệ thuật khi đã đăng ký tên của một người chủ sở hữu, nếu bị làm giả thì sẽ cấu thành tội vi phạm bản quyền. Sách cũng là một loại hàng hóa nhưng nó có chế định điều chỉnh riêng. Ví dụ một hành vi đã bị xử lý hành chính rồi mà vẫn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự. Và nếu hành vi in lậu mà gây nguy hiểm và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì vẫn bị xử lý hình sự.

Thực tế, không dễ để có thể phân biệt được đâu là sách thật, sách giả dù có tem chống giả. Để chặn tình trạng bán sách lậu, các cơ quan chức năng cần làm chặt chẽ từ cấp phép in ấn, đến kiểm tra, phát hành. Đồng thời, đưa ra nhiều hình thức xử phạt nghiêm minh. Bên cạnh đó, chính độc giả - những người mua sách cũng nên ý thức việc phải mua và đọc sách thật như là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, thì nạn sách lậu mới bị dẹp triệt để.

Tuấn Phong

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH