Hà Nội

Sách lậu vẫn chưa hạ nhiệt

14-06-2019 07:35 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có một thực tế “biết rồi khổ lắm nói mãi” trên thị trường sách nước ta, đó là sách lậu vẫn có đất sống và được bày bán công khai mọi nơi, mọi lúc.

Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của các đơn vị, nhà xuất bản (NXB) chính thống, trong khi đó độc giả không được thụ hưởng xuất bản phẩm chuẩn nội dung lẫn hình thức. Vì sao vậy?

Sách lậu vẫn nóng

Từ lâu sách lậu, sách giả đã là vấn nạn ở nước ta dù các cơ quan liên ngành đã phát hiện, xử phạt hành chính nhiều cá nhân, đơn vị in ấn, kinh doanh sách lậu. Tuy nhiên, do số tiền xử phạt chỉ chiếm một phần nhỏ so với doanh thu nên một số cá nhân, tổ chức vẫn bất chấp in ấn, buôn bán sách lậu. Nhiều vụ sách lậu bị phát hiện và xử lý thời gian gần đây cho thấy sách lậu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cách đây không lâu, qua kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh sách tại đường Trần Bình (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) do ông Nguyễn Tuấn Anh làm chủ, cơ quan chức năng phát hiện chủ cơ sở đang tổ chức phát hành hàng trăm đầu sách giáo trình học tiếng Nhật với số lượng khoảng 10.000 cuốn. Toàn bộ số sách này không có giấy tờ, hóa đơn xuất xứ, in ấn và xuất bản. Các cuốn sách đều được in bằng tiếng Nhật nhưng đơn vị giá sách được in bằng tiếng... Việt. Được biết, toàn bộ số sách này được in ấn ở nước ngoài và chủ yếu bán cho sinh viên qua mạng, thuê người giao hàng.

Sách lậu vẫn chưa hạ nhiệtLực lượng chức năng của Hà Nội vừa phát hiện hơn 30.000 sách giáo khoa lậu trong kho chứa sách tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức.

Trong khi đó, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cuối tháng 5/2019 đã kiểm tra và phát hiện hơn 30.000 sách giáo khoa các cấp 1, 2 ,3 được làm giả, hầu hết đều không có hóa đơn chứng từ tại một kho chứa sách ở xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do ông Phí Công Được làm chủ. Theo ông Vũ Anh Trí (NXB Giáo dục), toàn bộ số sách giáo khoa trong kho sách của ông Được không phải các ấn phẩm do NXB Giáo dục phát hành, xuất bản, sản xuất và cho phép phát hành. Việc phát hiện số lượng sách lậu này đã kịp thời ngăn chặn sách giáo khoa giả ra thị trường, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng, không để khả năng nhận thức của lứa tuổi học sinh bị ảnh hưởng.

Đại diện Công ty First News - Trí Việt cách đây không lâu cũng thông báo, hàng trăm đơn hàng sách của công ty giữ bản quyền giao dịch qua mạng đa phần là sách giả, sách kém chất lượng. Gần như tất cả các sách giá trị, bán chạy của First News giữ bản quyền đều bị làm giả, in lậu như cuốn Đắc Nhân Tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Hạt giống tâm hồn, Hành trình về Phương Đông, Đi tìm lẽ sống, Làm điều quan trọng, Không bao giờ là thất bại, Bí mật tư duy triệu phú, Nghĩ giàu làm giàu - Cách nghĩ để thành công, Khác biệt hay là chết... Đặc biệt có nhiều sách lậu giá sách cao hơn sách thật từ 20 - 40% để đánh lừa bạn đọc. Chính chiêu thức này của sách lậu đã làm tổn hại lợi ích của các đơn vị kinh doanh sách làm ăn chân chính như First News nói riêng và các NXB, nhà phát hành sách trên cả nước nói chung.

Ngoài ra, nhiều bạn đọc đến với Đường sách Hai Bà Trưng (TP. Huế) đang trong thời gian thí điểm nhưng gần đây cũng tỏ ra thất vọng vì nhiều cuốn sách lậu, hàng “nhái” được bày bán công khai như: Đôi lứa xứng đôi, Phù dung ơi vĩnh biệt, Miếng ngon Hà Nội, Sức mạnh tiềm thức, Nỗi buồn chiến tranh... Nhiều độc giả cho biết các cuốn sách kể trên vốn dĩ là sách lậu, sách giả vì sách không có tem, in xấu, giấy mỏng, chữ sai, hình ảnh mờ nhạt, nhiều đoạn văn nhòe hoặc để giấy trắng, gáy đóng không chắc, trang sách có thể in nghiêng, ảnh bìa xấu...

Vì đâu nên nỗi?

Thực tế, việc sách lậu, sách giả vẫn ngang nhiên tấn công thị trường sách ở ta vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nhiều chuyên gia thừa nhận, do hoạt động in lậu ngày càng tinh vi, trong khi đó nguồn lực thanh tra, kiểm tra còn mỏng nên việc kiểm soát tình trạng in lậu chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, chế tài xử lý các vi phạm trong việc buôn bán, in ấn sách lậu còn quá nhẹ và chủ yếu là phạt hành chính. Theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi in lậu bị xử phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng; hành vi buôn bán sách lậu bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. “Việc xử phạt như hiện nay là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và hạn chế tình trạng sách lậu. Vì thế, nhiều cơ sở in lậu sẵn sàng nộp phạt hành chính và tiếp tục tái diễn sai phạm” - ông Phạm Quỳnh, Phó Giám đốc phụ trách nội dung Công ty Cổ phần Sách giáo dục chia sẻ.

Đáng chú ý, theo chia sẻ từ đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông), sách lậu vốn chưa thể ngăn chặn, xử lý triệt để bởi chính quyền cơ sở ở địa phương (phường, xã, quận, huyện) chưa coi trọng công cuộc chống sách lậu, còn bao che hoặc thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, sách lậu có đất sống vì do khách hàng - các độc giả thường có tâm lý mua được sách giá rẻ, trong khi đó đa số sách giá rẻ thường kém chất lượng và là sách lậu. Bên cạnh đó, nhiều người quan niệm mua sách ở đâu cũng được, từ cửa hàng sách đến “hiệu sách vỉa hè” ở các thành phố lớn. Điều này phản ánh ý thức trong việc mua và đọc sách của nhiều người chưa cao, vô tình tạo không gian cho sách lậu bén rễ và vươn sâu vào thị trường.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn