Sách lậu chính là cơn đại nạn vô cùng nguy hiểm không chỉ tai hại trong giới xuất bản mà còn tác hại đến xã hội, nhất là thế hệ trẻ. Một trong những NXB có sách bị in lậu nhiều nhất, ông Phạm Sỹ Sáu, NXB Trẻ nói: "Thực sự mà nói, chúng tôi đã hết cách. Chúng tôi cho rằng thà làm sách mới, chất lượng để "sống chung" với sách lậu còn dễ hơn chống sách lậu. Thực tế cho thấy, sách lậu ngày càng ngang nhiên hoành hành, các trang web rao bán công khai sách giả mang đến tận nhà thì không còn gì để nói. Còn ngoài đường, vỉa hè thì sách giả tràn lan chiếm 90% các chiếu sách. Chúng tôi bất lực với cuộc chiến này".
Mục đích chính của việc in lậu, bán sách lậu là lợi nhuận, trong khi việc xử phạt quá nhẹ không đủ sức răn đe đã làm cho tệ nạn này cứ tồn tại dai dẳng. Thậm chí có nhiều trường hợp vi phạm lặp đi lặp lại rất nhiều lần mà mức xử lý chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Trường hợp trùm in lậu Nguyễn Hữu Chiến là một điển hình, ban đầu, tên này bị bắt vì in lậu ở Hà Nội (chỉ phạt 1 triệu đồng và 1 năm tù giam), sau đó vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiếp tục "hành nghề" và bị bắt, hắn lại ra Thái Nguyên hoạt động tiếp rồi bị bắt... Dù bị bắt nhiều lần nhưng đến nay hắn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chính vì mức độ xử lý quá nhẹ, chủ yếu phạt hành chính nên các đối tượng vi phạm không dễ bỏ "nghề" hốt nhiều bạc này.
Người dân cần chọn mua sách ở nơi tin cậy, đề phòng hàng giả. |
Có nhiều ý kiến cho rằng, để chống sách lậu thì các NXB nên giảm giá thành, dùng tem chống hàng giả và nâng cao công nghệ. Tuy nhiên, tất cả các cách này đều không khả quan vì sau một thời gian áp dụng đều bị lực lượng sách lậu làm theo, thậm chí càng tinh vi hơn, trong khi các chi phí bỏ ra của bọn chúng rất thấp nên thu nhiều lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng độc giả đôi khi không quan tâm đến chất lượng sách, thậm chí sách sai, xấu họ cũng mua miễn sao rẻ hơn là được. Công tác tuyên truyền giáo dục cũng còn yếu nên nhiều người chưa có ý thức phải dùng sách thật.
Nên chăng đã đến lúc phải sửa đổi điều luật trong đó tập trung vào việc xử lý hành vi vi phạm, không chỉ dừng ở phạt hành chính mà nếu mức độ nghiêm trọng và nhiều lần thì phải chuyển qua hình sự, kết hợp tước giấy phép... mới có thể phần nào dập tắt đại nạn này. Thậm chí, không riêng những đối tượng chủ mưu, đối với người phát hành, bán lẻ sách giả sẽ bị tịch thu toàn bộ sách giả và phạt tiền gấp 3 lần tổng giá trị sách giả tính theo giá bìa. Cạnh đó thiết nghĩ cần rà soát và bổ sung những quy định chặt chẽ hơn với nhà in. Hiện nay, có nhiều nhà in được hình thành, nằm rải rác nhiều trong các khu dân cư, cần có sự kiểm tra của lực lượng công an phường, công an khu vực. Trước đây, công an khu vực chỉ kiểm tra giấy phép hành nghề chứ không kiểm tra được sản phẩm của đơn vị, cơ sở đó là một hạn chế và là lỗ hổng dễ xảy ra vi phạm.
Nguyễn Hùng