Với chủ đề Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, Hội sách Hà Nội 2014 có sự tham gia của hơn 200 đơn vị nhà xuất bản đã trở thành một điểm nhấn trong dòng sự kiện văn hóa Thủ đô những ngày vừa qua. Không chỉ đơn giản là một điểm đến cho những người yêu sách, những sự kiện văn hóa và những buổi ra mắt sách, có thể thấy rõ ràng hơn một văn hóa đọc đang được mở rộng và bất chấp những tiên liệu xấu, hiện tại cùng tương lai của sách in vẫn có nhiều mảng màu tươi sáng.
Người Việt vẫn yêu sách
Không kể đến việc những nhà sách vẫn tọa lạc tại những vị trí đẹp, mỗi dịp hội chợ sách được mở ra là thêm một lần chứng kiến tình yêu của độc giả. Ví như Hội sách Hà Nội 2014 lần này cũng vậy, những gian hàng của các nhà xuất bản hàng đầu vẫn luôn đông khách. Là một trong những nhà phát hành sách hàng đầu Việt Nam hiện nay, Nhã Nam vẫn là điểm thu hút đông đảo người đọc mọi thời điểm trong ngày. Gian hàng rộng nằm ngay gần cửa ra vào luôn “quá tải” khách hàng đến tìm những cuốn sách mới. Không phụ lòng mong đợi, hội sách này là lần ra mắt của một loạt những tác phẩm đặc sắc, trong đó có nhiều danh tác của văn học Việt Nam như Lều chõng (Ngô Tất Tố), Hồn bướm mơ tiên (Khải Hưng) và Giông tố (Vũ Trọng Phụng). Có thể thấy Nhã Nam tiếp tục phát huy điểm mạnh của mình là sự trình bày rất chỉn chu và cuốn hút về bìa, khiến mọi cuốn sách đều có nét cá tính riêng. Về những tác phẩm nước ngoài, việc những cuốn sách như Xứ cát/Dune (Frank Herbert) được in chữ khổ to, bìa mềm cũng giảm thiểu tính “đồ sộ” của bộ sách khoa học - viễn tưởng kinh điển này, lôi kéo thêm độc giả cho chúng.
Các bạn trẻ thích thú với sách.
Hội sách 2014 đã cho thấy văn học không chỉ là nam châm hút sách duy nhất. Triết học, bộ môn tưởng “khó nhằn” với nhiều độc giả giờ đang tìm đường trở lại giá sách khi Nhã Nam cho ra mắt bộ đôi Zarathustra đã nói như thế/Thus Spake Zarathustra và Buổi hoàng hôn của những thần tượng/Twilight of the Idols của Friedrich Nietzsche cũng như Siêu hình tình yêu, Siêu hình sự chết thuộc tác phẩm Thế giới như là ý chí và biểu tượng/The World as Will and Representation của triết gia Arthur Schopenhauer. Tuy nhiên, không phủ nhận việc chỉ giới thiệu một số đầu sách khó tổng quát được các trường phái triết học (vốn khác biệt) của các tác giả trên cho những người nhập môn. Có độc giả thừa nhận họ đã thích thú mua nhưng vẫn chưa biết đọc... để làm gì. Dù vậy, với gian hàng phong phú thể loại, Nhã Nam có thể khẳng định vị thế của mình trong việc đa dạng hóa sở thích đọc của độc giả Việt Nam. Bên cạnh đó là Alphabooks, hãng sách luôn là điểm đến của những quyển sách trong mảng giáo dục và quản trị kinh doanh. Dù không có quá nhiều ấn phẩm mới nhưng Alphabooks vẫn ghi điểm với độc giả qua các chương trình tặng quà, đổi voucher và đổi sách rất tấp nập. Ngoài ra, những hàng sách ngoại văn như của Nhà xuất bản Xunhasaba hay Artbook cũng đón lượng khách đông không kém, khi những người chủ sạp cũng công nhận các bạn trẻ đã hăng hái mua và đọc sách ngoại văn (Anh ngữ là chủ yếu) hơn nhiều.
Một gian hàng cũng luôn đông khách không kém là của Nhà xuất bản Kim Đồng. Cuốn sách mới Tớ là mèo Pusheen quá dễ thương đã sớm trở thành hàng hiếm khi... hết hàng quá nhanh! Nhưng ấn phẩm kỳ công nhất Nhà xuất bản Kim Đồng mang tới Hội sách Hà Nội lần này là Lược sử nước Việt bằng tranh. Được hiệu đính bởi nhà sử học Dương Trung Quốc, quyển sách là những bức tranh panorama ghi chép lại lịch sử Việt Nam rất công phu. Cùng với Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX (Lê Thành Khôi) và bản dịch Sử ký Tư Mã Thiên mới của dịch giả Trần Quang Đức, có thể nói Hội sách Hà Nội 2014 đã đem lại hơi thở mới cho dòng sách lịch sử tưởng khô khan và kén người đọc.
Một điểm nhấn đáng nói của Hội sách 2014 là sự góp mặt của một cửa hàng sách cũ, nằm lọt thỏm giữa hai gian sách Đông Tây và sách ngoại văn của infostones. Không đâu xa lạ với những người mê sách tại Hà Nội, đây chính là gian hàng của Sách cũ Hà Thành, một trang facebook luôn cung cấp những quyển sách xưa hiếm cho độc giả. Lần đầu góp mặt trong một hội sách lớn, nhưng gian hàng của anh Hợp (chủ sạp và quản trị page Sách cũ Hà Thành) luôn tấp nập người đến xem và mua, khiến chính anh cũng phải bất ngờ. Những cuốn sách cũ, sờn gáy được anh cẩn thận bọc lại, vẫn có sức hút cũng bởi những lời giới thiệu rất am hiểu và thân thiện của người chủ.
Bạn đọc thích gì?
Dù không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng có thể nhận xét rằng văn học nước ngoài, cụ thể là Âu - Mỹ, vẫn đang dẫn đầu về sức hút. Trong khi đó, văn học châu Á, chỉ có hai tên tuổi từ Nhật Bản là Haruki Murakami hay Banana Yoshimoto thu hút độc giả. Văn học đương đại Trung Quốc có sự góp mặt đông đảo nhất nhưng số người thực sự mua sách lại không nhiều. Cũng dễ hiểu khi với sức hút của mình, những nhà phát hành lớn như Nhã Nam đang đẩy mạnh dòng sách “kinh điển” bằng những danh tác đến từ châu Âu và châu Mỹ, theo đó thu hút độc giả vào những đầu sách đó. Hy vọng rằng nếu những nhà xuất bản và phát hành khác khai thác những bản dịch và/hoặc biên tập chất lượng của các tác phẩm châu Á, những hội sách sau sẽ không còn sự chênh lệch quá rõ ràng về các đầu sách tiêu thụ.
Mặc dù thống kê có đem lại những doanh thu đáng nhớ, đáng mừng ra sao, hình ảnh hàng người già trẻ đứng dưới khu di tích Hoàng thành Thăng Long mừng rỡ chạm vào những cuốn sách mới, vẫn là hình ảnh đẹp nhất mà Hội sách Hà Nội đem lại.
Bài, ảnh: Phương Hà