Khi cầm cuốn sách trên tay, trước khi đến với nội dung của tác phẩm, thường thì độc giả sẽ tiếp cận bìa sách đầu tiên và nếu bìa sách “bắt mắt” sẽ làm độc giả thích thú để rồi mua cuốn sách đó. Điều này phản ánh, ngoài chất lượng tác phẩm của cuốn sách thì việc thiết kế bìa “bắt mắt” cũng rất quan trọng. Họa sĩ Văn Sáng với hơn 20 năm kinh nghiệm làm bìa sách cho biết: “Để thiết kế bìa sách tốt thì người họa sĩ tối thiểu phải nắm được là nội dung và tinh thần chính của cuốn sách đó”…
Quan trọng
Thường thì bạn đọc vẫn chú trọng đến nội dung của một cuốn sách nhiều hơn là bìa của cuốn sách đó, song ít người biết một bìa sách có chất lượng thẩm mỹ cũng là yếu tố quan trọng để làm cho cuốn sách ở tình trạng “best seller” (bán chạy nhất). Bìa sách chính là trang đầu tiên và trang cuối cùng bên ngoài cuốn sách. Nếu bìa 1 thường gồm có nhan đề sách, đôi khi cả nhan đề phụ, tên tác giả, tên nhà xuất bản và một hình minh họa có trọng lượng nào đó thì bìa 4 có thể gồm giá sách, tên dòng sách, trích đoạn, giới thiệu ngắn về tác giả - tác phẩm hoặc đơn giản là không có gì ngoài sự tiếp nối hợp lẽ với bìa 1. Nhưng bìa sách còn có cả chức năng, nhiệm vụ, vai trò, ý nghĩa đi xa hơn khi không những được coi là công cụ bảo vệ ruột sách mà còn được dùng để trang trí các giá sách, những cửa hàng sách; phức tạp hơn nữa là phát huy khả năng “quyến rũ” khách hàng để đảm bảo thu nhập cho không chỉ tác giả mà cả một đội ngũ “hậu phương” chính là nhà xuất bản.
Nếu chúng ta chịu để ý và quan sát một cuốn sách thì dễ nhận thấy bìa sách thường mang đến cho độc giả, cho công chúng một thông điệp, một cảm xúc, một chỉ dẫn về cách tiếp cận tinh thần tác phẩm đó. Nhưng hiện nay, đa số bìa sách có vẻ bóng bẩy, hào nhoáng song lại trống rỗng. Dường như họa sĩ thiết kế không hề biết gì về nội dung cuốn sách mà mình sẽ trình bày bìa. Họ làm ào ạt để rồi bìa không dính dáng gì đến nội dung. “Vẽ bìa hoàn thiện rất công phu và khó, đòi hỏi họa sĩ phải có khả năng cảm nhận văn chương, để nhận ra những độc đáo trong cá tính sáng tạo của từng tác giả. Riêng bìa thơ thì cần có chất thơ”, họa sĩ Văn Sáng từng đoạt nhiều giải thưởng cho bìa sách đẹp, một trong những hoạ sĩ thiết kế đồ hoạ sách hàng đầu Việt Nam hiện nay bày tỏ.
Làm gì để có một bìa sách tốt?
Còn nhớ năm 2014, ngành xuất bản cũng như công chúng “ngã ngửa” khi chứng kiến hình ảnh bìa của một cuốn sách về luật do Nhà xuất bản Lao động - Xã hội thực hiện có in hình nghệ sĩ Công Lý được “chế” rất phản cảm. Giới họa sĩ chuyên thiết kế bìa sách cho biết, bìa sách luật có hình nghệ sĩ Công Lý là kết quả của sự cẩu thả từ phía họa sĩ, sự buông lỏng quản lý của nhà xuất bản. Ở ta có một thực tế, sách liên kết thì nhà sách quyết định và gần như không thông qua nhà xuất bản duyệt. Đôi khi họa sĩ chỉ làm việc với nhà sách, có những bìa sách không liên quan đến nội dung nhưng bắt mắt, nhà sách vẫn quyết định in, mục đích làm sao bán được sách là quan trọng nhất, tức là hướng về yếu tố thị trường và kinh doanh. Bởi vậy mới có những bìa sách phản cảm và thiếu tính thẩm mỹ như thời gian trước.
Công việc thiết kế bìa sách được giới trong nghề nhận định lắm “công phu”, người họa sĩ thiết kế bìa sách cũng giống như sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải thích vẽ gì thì vẽ một cách tùy tiện. Công việc thiết kế bìa sách đòi hỏi người họa sĩ phải đọc tác phẩm để có cảm nhận riêng về nội dung. Nhiều khi ý tưởng cho bìa sách chỉ đơn giản đến từ tựa sách, một nhân vật hay một chi tiết, hình ảnh nào đó trong tác phẩm mà người họa sĩ thấy ấn tượng... Tuy nhiên, dù là những cuốn sách đòi hỏi hình thức cầu kì như sách văn học, giải trí, hay đơn giản như sách phổ biến kiến thức; dù được thiết kế bằng phần mềm đồ họa hay là vẽ tay truyền thống... thì trang bìa cũng phải đảm bảo được tính thẩm mỹ, phù hợp với nội dung, thể loại rồi mới tính đến yếu tố lạ, đẹp, hấp dẫn. Các yếu tố này khi được đáp ứng đầy đủ sẽ tự thân thu hút độc giả chứ không cần các nhà xuất bản, các tác giả phải PR rầm rộ trên các kênh thông tin đại chúng.
“Để thiết kế bìa sách tốt thì người họa sĩ tối thiểu phải nắm được nội dung và tinh thần chính của cuốn sách đó. Từ đây, người họa sĩ mới thể hiện ý tưởng để làm sao truyền đạt được tinh thần và nội dung của cuốn sách một cách mạnh mẽ, đơn giản nhất để bạn đọc tiếp cận một cách nhanh chóng nhất” - họa sĩ Văn Sáng.
Quỳnh Phạm
Cũng theo giới họa sĩ thiết kế bìa sách như Lê Thiết Cương, Văn Sáng… thì vai trò của bìa sách là yếu tố quan trọng nhất tạo nên hình thức, diện mạo của một cuốn sách. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở khía cạnh thẩm mỹ, là đẹp hay xấu, mà trang bìa là ấn tượng đầu tiên của độc giả khi tiếp cận một cuốn sách. Và trong thực tế, không ít trường hợp, bìa sách đẹp, gây ấn tượng còn ảnh hưởng cả tới số lượng phát hành. Tuy nhiên, thực tế có họa sĩ cho rằng, những cuốn sách có nội dung nhưng khi phát hành do lỗi trình bày bìa không được tốt, khi đó, người ta làm bìa mới ở lần tái bản sau đẹp hơn thì lượng sách bán ra suôn sẻ và được bạn đọc đón nhận.