Cánh Diều là bộ sách giáo khoa (SGK) xã hội hóa đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, nhằm cung cấp cho học sinh và giáo viên trong cả nước một bộ sách phù hợp với điều kiện dạy và học ở Việt Nam. Điều đặc biệt, đây là bộ sách hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước.
Sau 2 năm đưa vào sử dụng trong các trường phổ thông, SGK Cánh Diều được nhiều giáo viên, nhà trường lựa chọn.
Tiếp nối thành công đó, các đơn vị xuất bản tiếp tục biên soạn và cho ra mắt bộ SGK lớp 3, 7 và 10 với đầy đủ các môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ sách đã được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, là một trong những bộ sách được đưa vào sử dụng trong nhà trường từ năm học tới.
Để giúp các cơ sở giáo dục, giáo viên, phụ huynh, xã hội có thêm thông tin và lựa chọn được bộ sách tốt nhất cho học sinh, chiều ngày 22/2, báo Lao Động đã tổ chức tọa đàm: "Giới thiệu SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều".
Triết lý "Đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống" của Bộ sách Cánh Diều
Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về điểm ưu việt của SGK Tiếng Việt, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018; Tổng chủ biên, kiêm chủ biên SGK tiếng Việt lớp 3 - Bộ sách Cánh Diều cho biết: Chúng tôi đều thống nhất "Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống"- đấy là phương châm được đề ra để thực hiện giáo dục của Nghị quyết 29 của Đảng: tư tưởng thực học thực nghiệp. Nghị quyết 29 có 2 tư tưởng, thứ nhất dân chủ. Thứ hai thực học thực nghiệp.
Thực học thực nghiệm thể hiện ở mỗi môn một khác. Nhưng quá trình của chúng ta ở tất cả các sách bao giờ cũng đi từ thực tế, từ phân tích thực tế rút ra các bài học. Đem bài học vào thực tiễn. Ví dụ môn Tiếng Việt, trình bày hiện thực cuộc sống, có thể trình bày qua hình thức tranh, tình huống giả định, tình huống thực tế nào đó. Mình hướng dẫn học sinh hoạt động để phân tích tình huống đó. Sau đó rút ra bài học. Cuối cùng, chúng tôi mới kết thúc bằng hoạt động sáng tạo giúp học sinh áp dụng. Đấy cũng là cách khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Sau phần sáng tạo có phần bài tập tự đánh giá. Đây là tư tưởng xuyên suốt các môn học. Điểm thứ hai, để thực hiện tư tưởng "Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống".
Điểm chung cho tất cả các SGK, không dạy theo lý thuyết nữa. Đây chính là tư tưởng dân chủ. Nghĩa là học sinh bây giờ không ngồi nghe lí thuyết thầy cô giảng nữa mà các em phải được thực hành. Tức là học sinh thực hành, tự đánh giá mình. Trong quá trình các em làm bài tập, thảo luận, các em được quyền lựa chọn đề tài, thảo luận. Như vậy mới có thể rèn năng lực của các em.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn; Chủ biên SGK Ngữ văn lớp 7, lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều: Triết lý "Đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống" của Bộ sách Cánh Diều rất đúng với tinh thần của Chương trình GDPT 2018, Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tinh thần đã nêu rõ, tuy nhiên làm thế nào để viết tốt và truyền tải tốt phụ thuộc vào tài năng sư phạm.
Điểm mới của môn Ngữ Văn là thay đổi cách tiếp cận. Trước đây chạy theo nội dung, theo thể loại, hết dân gian, đến trung đại rồi đến hiện đại. Tuy nhiên, sách mới tổ chức sách theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được. Đồng thời, văn phong rõ ràng, diễn đạt trung thành, bám sát các hoạt động thực tiễn. Đồng thời, trang bị cho các em văn hóa phổ thông.
Sách mới của chúng tôi khắc phục hiện tượng học sinh chỉ chép lại văn mẫu cho thi cử. Theo đó, chúng tôi quán triệt không cung cấp văn mẫu, chỉ cung cấp ví dụ. Đặc biệt quan trọng thay đổi cách đánh giá thi cử, tư tưởng học hằng ngày. Theo đó, trên ngữ liệu mới mới đo được suy nghĩ của các em, không phải chép lại những kiến thức đã học trong bài thi
Điểm mới của SGK lớp 3, 7 và 10 so với SGK hiện hành
GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán, Tổng chủ biên SGK Toán - bộ sách chia sẻ: Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong quá trình chúng tôi biên soạn SGK trước đây thì đều tiến hành thực nghiệm ở dưới nhà trường phổ thông, ít nhất 10% số lượng tiết học cả năm đó.
"Chúng tôi thực nghiệm ở các trường phổ thông trên các vùng miền khác nhau của đất nước. Với những vùng miền khác nhau thì chúng tôi đánh giá xem bản thảo dự định khả thi trong cuộc sống như nào và cần điều chỉnh ra sao cho tốt hơn.
Hơn nữa, sau khi hội đồng thẩm định phê duyệt, tiếp tục đưa bản thảo cho giáo viên, cơ quan giáo dục toàn quốc để góp ý. Qua đó, chúng tôi nhận được sự góp ý của 63 tỉnh thành và rất nhiều thầy cô. Chúng tôi xem xét giải trình từng ý kiến đó, cái nào sửa thì sửa, cái nào chưa được thì xem xét giải trình.
Riêng môn Toán thì bản giải trình còn kéo dài cả trăm trang. Những bản giải trình này cố gắng sẽ làm cho bộ SGK không mắc phải sạn trong quá trình biên soạn. Đối với môn Toán, tôi hy vọng không còn sạn nữa và nếu còn thì có thể lý giải được rằng nên viết như này, nên viết thế kia. Còn "nhân vô thập toàn", chúng ta không thể nói thẳng rằng sẽ không có lỗi sạn nào được".
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS. Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 - Tổng Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 7, Tổng chủ biên SGK Sinh học lớp 10 cho biết: Bộ sách đặt ra mục tiêu đơn giản, dễ dàng, phù hợp với cơ sở các trường phổ thông không chỉ ở thành phố mà cả ở nông thôn. Người viết sách hiểu rõ ở thành phố thiết kế câu hỏi này, ở nông thôn câu hỏi dễ hơn…