Dự thảo “Đổi mới chương trình và Sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) sau năm 2015” của Bộ GD&ĐT đã bị Ủy ban Thưởng vụ QH “chê” nội dung yếu kém, “quá sơ sài” và “không khả thi”.
Sau gần 3 năm chỉnh sửa, ngày 14/4/2014, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo “Đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông (SGKPT) sau năm 2015”, với 2,5 trang giấy, trong đó kinh phí thực hiện (chưa kể kinh phí xây dựng các trường học còn thiếu) là 34.275 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD.
Trước đó, tháng 5/2011, Bộ GD-ĐT đưa ra công luận bản dự thảo này với dự toán kinh phí ban đầu là 70.000 tỷ đồng, trong đó chi cho biên soạn chương trình và SGK khoảng hơn 960 tỷ đồng.
Thế nhưng, Ủy ban Thưởng vụ QH “chê” dự án này nội dung yếu kém, “quá sơ sài” và “không khả thi”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Về việc biên soạn SGKPT, một số nhà khoa học, nhà giáo biện luận: Một số nước trên thế giới dùng cùng lúc nhiều bộ SGK cho GDPT, cho nên nước ta cũng nên theo cách đó! Tôi nghĩ rằng: Việc một số nước trên thế giới (gồm mấy nước phát triển và có nước mới bước vào giai đoạn phát triển) từ lâu đã dùng nhiều bộ SGK là một chủ trương, một biện pháp nằm trong hệ thống hoàn chỉnh của triết lý giáo dục ở đất nước họ; phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội, nhà trường và chất lượng con người cũng như tính cách con người của họ (cụ thể nhất- là GV và HS). Vả lại, họ dùng nhiều bộ SGK nhưng không phải trường nào của họ cũng ở đẳng cấp cao, cũng là các trường danh tiếng cả, mà có nhiều trường cũng rất bình thường. Chức danh khoa học của họ cũng thế. Ngay như ở Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, v. v... cũng đều như thế! Tôi không học đòi Lỗ Tấn, nhưng tôi cứ “bàng hoàng” vì nhiều người xứ mình (ở mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi, mọi chức danh) chỉ biết bắt chước, rập khuôn nhiều việc ở nước ngày nước nọ. Ông đi Mỹ thì nức nở ca ngợi nền giáo dục Mỹ; ông đi Nga thì xuýt xoa về nền giáo dục Nga; ông đi Nêpan thì chỉ biết nức nở khen Nêpan, v. v.... Thật chẳng khác nào chuyện thầy bói xem voi ở xứ ta! Các “nhà nghiên cứu”, các “chuyên gia” này không tìm hiểu, không nghiên cứu kỹ lưỡng cái tầm cơ sở kinh tế- xã hội, nền giáo dục và phẩm chất, tính cách con người của các nước ấy. Họ khác ta rất nhiều về mọi phương diện (điều kiện kinh tế- xã hội, trình độ khoa học và tư duy, tâm lý- tính cách dân tộc, sự phát triển của giáo dục mỗi nước, v. v…)! Đã khác nhau rất nhiều, mà lại bắt chước họ nguyên xi, không dựa trên điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để chọn lọc, cải tiến và sáng tạo- thì sao gọi là khoa học?!
Trên cơ sở cụ thể về điều kiện kinh tế- xã hội, tâm lý, tính cách con người Việt Nam và thực tế GD&ĐT của ta, tôi đề xuất: Nên biên soạn ngay SGK mới và chỉ nên thống nhất một bộ SGK cho GDPT, nhưng chất lượng của nó phải tốt. Nói thế, để khẳng định rằng: Chất lượng SGK của ta hiện nay, qua bao lần biên soạn, thay đổi, chỉnh sửa, vẫn rất yếu kém; có vài môn học không thiết thực, ôm đồm. Điều này, công luận đã lên tiếng từ lâu. Tôi chỉ nói một cách khái quát: SGK các môn khoa học tự nhiên thì hầu hết là quá tải; SGK các môn khoa học xã hội thì rườm rà, kiến thức lạc hậu và viết không hay, nhiều khi lại sa vào “hàn lâm” không phải lối. SGK của ta lại còn mắc điều tối kỵ- là nhiều chỗ sai kiến thức khoa học ở một số môn khoa học tự nhiên, và có những quan điểm đánh giá, nhận định khiên cưỡng, không sát đúng với thực tế thường xảy ra ở các môn khoa học xã hội và nhân văn. Điều này, rất đáng buồn cho giới học thuật nước nhà! SGK như thế, khiến GV khó dạy, HS khó học và chán học. Vậy làm sao mà nâng cao được chất lượng GD-ĐT?
1- Muốn có SGK tốt, trước hết phải xây dựng được hệ thống chương trình chuẩn cho GDPT.
Hệ thống chương trình chuẩn này phải căn cứ vào mục tiêu của GDPT và mục tiêu của giáo dục từng cấp học. Người ta hay bàn về cái gọi là “Triết lý giáo dục”, nghe nó cao siêu, trừu tượng và vì thế, nhiều người không nhận ra thực chất (nội hàm) của khái niệm này. “Triết lý giáo dục” chẳng qua chỉ là quan niệm về mục tiêu của giáo dục mà thôi. Nghĩa là: GDPT nhằm đào tạo ra những con người như thế nào, phải đạt được những tiêu chí gì, đáp ứng được những yêu cầu cụ thể nào về các mặt đức- trí- thể- mỹ và kỹ năng sống? Từ mục tiêu chung đó, mà xác định mức độ phù hợp cho từng cấp học.
Thực tế biên soạn, chỉnh sửa SGKPT nhiều năm qua cho thấy: Chúng ta chưa có một hệ chương trình chuẩn, từ lớp 1 cho đến lớp 12 (theo hệ PT 12 năm), nhưng đã tổ chức biên soạn, rồi lại nhiều lần chỉnh lý các bộ SGK cho các cấp PT. Đấy là một “quy trình ngược”, không khoa học. Thật chẳng khác gì việc xây dựng một tòa nhà kiên cố, nguy nga mà lại không có bản vẽ thiết kế chuẩn xác và chưa xây tốt nền móng! Theo đó, biên soạn SGK cấp nào thì do cấp ấy làm, đơn lẻ, biệt lập, không gắn với hệ thống chương trình của toàn bậc PT. Vì thế, đã làm cho nội dung SGK được biên soạn tùy tiện, bị trùng lặp giữa các cấp, kiến thức nặng nề, không theo một quá trình phát triển từ thấp đến cao một cách thống nhất.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT phải gấp rút tổ chức biên soạn hệ thống chương trình chuẩn cho GDPT, mời các chuyên gia có uy tín thực sự và các GV giỏi thực sự để làm công việc này (tôi nhấn mạnh hai chữ “thực sự”- ĐNĐ). Sau khi dự thảo chương trình của từng cấp học (có tham khảo các chương trình tương đương ở các nước tiên tiến), phải lắp ráp, rà soát lại một cách kỹ lưỡng trong toàn hệ thống chương trình GDPT; rồi tổ chức hội thảo, phản biện, lấy ý kiến của các nhà khoa học và các nhà giáo, để thống nhất và cho công bố hệ thống chương trình chuẩn cho GDPT. Từ đấy, mới tổ chức biên soạn SGK cho từng lớp, từng cấp học. Tôi muốn nói thêm rằng: Cần kiên quyết gạt bỏ một vài môn học không cần thiết, vì chỉ thêm rối rắm, phiền hà, vô tích sự và chỉ làm khổ HS và GV.
2- SGK chất lượng tốt, phải đảm bảo được các yêu cầu cơ bản:
Có tính khoa học (kiến thức phải tuyệt đối chính xác, kiến thức gọn nhẹ; nhận định và đánh giá một sự kiện, hiện tượng, một vấn đề phải đúng đắn, trung thực, khách quan, công bằng- nhất là về các tác gia, tác giả và tác phẩm văn chương, các nhân vật và sự kiện lịch sử; có tính sư phạm (bao gồm tính vừa sức, phù hợp với tâm- sinh lý lứa tuổi của HS, thiết thực và hấp dẫn HS, gởi mở được tư duy lô- gíc, kích thích óc sáng tạo của HS); có tính hiện đại- tiên tiến (theo trình độ phát triển của khoa học thế giới- đối với các bộ môn khoa học tự nhiên và công nghệ) và có tính thực tiễn (gắn với thực tiễn VN, dễ áp dụng vào điều kiện cụ thể đương đại của VN và với tầm nhìn vài chục năm sau).
3- Để có SGK tốt, phải theo quy trình sau đây:
Trên cơ sở bộ chương trình chuẩn, Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi viết SGK cho từng lớp, từng bộ môn. Người dự thi viết SGK là các nhà khoa học, nhà giáo và bất cứ ai có trình độ, có năng lực, quan tâm tới GD&ĐT nước nhà.
Tổ chức các hội đồng thẩm định (sơ khảo và chung khảo) cho SGK từng lớp, từng bộ môn. Hội đồng thẩm định phải là những người có trình độ khoa học chuyên sâu, thật sự có uy tín, thẩm định với tinh thần “Thượng tôn khoa học”, vô tư, trong sáng. Hội đồng thẩm định sơ khảo lựa chọn lấy một vài bản thảo SGK (từng lớp, từng môn) có chất lượng, tiếp đó tổ chức cho tác giả các bản thảo này báo cáo trước hội đồng thẩm định như bảo vệ một công trình khoa học, có phản biện, đánh giá (bỏ phiếu kín)), để rồi chọn ra hai bản thảo SGK có chất lượng tốt (cho từng lớp, từng bộ môn) và trình lên Hội đồng thẩm định chung khảo do Bộ trưởng GD-ĐT ra quyết định thành lập, để chọn lấy một bản thảo SGK tốt nhất (cho từng lớp, từng bộ môn).
Bản thảo SGK tốt nhất này sẽ được phép in thành sách và được dùng thí điểm ở một số trường học. Sau một năm kiểm nghiệm thực tế và tham khảo ý kiến của các GV đứng lớp và công luận, sẽ cho chỉnh sửa, để in ấn thành một bộ SGKPT chính thức, dùng trong cả nước trong nhiều năm. Theo tôi, quy trình này tiến hành ngay từ bây giờ và nhanh nhất cũng phải trong khoảng 3 năm, chứ không thể vội vàng, với cách làm việc chủ quan, đơn giản được! Tuy nhiên, nó không tốn kém tới hơn 960 tỷ đồng để biên soạn chương trình và SGK mới- như trong dự án 70 nghìn tỷ đồng để thay đổi chương trình và biên soạn SGK PT- mà Bộ GD&ĐT đã nêu ra!
4- Chỉ nên dùng một bộ SGK cho GDPT, nhưng có thể có nhiều sách tham khảo (STK) cho các bộ môn. Không thể và không nên theo hướng dùng nhiều bộ SGK; vì như thế sẽ “loạn kiến thức”, nảy sinh rất nhiều phức tạp, hệ lụy và tiêu cực. Tuy nhiên, có thể có nhiều STK. Điều đặc biệt cần lưu ý là: Phải quản lý tốt chất lượng của các STK. Nghĩa là: các NXB phải có đội ngũ cán bộ biên tập có trình độ khoa học chuyên sâu và có các cố vấn chuyên môn có chất lượng tốt (ngoài biên chế NXB). Tốt nhất là cũng nên có một hội đồng thẩm định các bản thảo STK gửi đến. Bản thảo nào có chất lượng tốt nhất, thì mới duyệt, cho in và phát hành. Không nên chỉ chạy theo thành tích (số lượng đầu sách) và hám lợi nhuận, hoặc vì thân quen mà cho ra đời những cuốn STK rởm, chuyên xào xáo và đạo văn của người khác ! Việc này, đã tạo ra một thị trường STK bát nháo hiện nay!
Thiết nghĩ, phải làm ngay việc xây dựng hệ thống chương trình chuẩn, rồi ngay sau đó tổ chức biên soạn SGKPT theo quy trình nêu trên. Không để đến năm 2015 mới tiến hành công việc tối hệ trọng này- như ý định của Bộ GD&ĐT. Làm được những điều như trên, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn- nghiệp vụ cho đội ngũ GV các cấp, nhất định nâng cao được chất lượng GDPT, làm cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục Đại học, ngõ hầu chấn hưng nền GD-ĐT nước nhà.
Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính Đại học Hải Phòng)