Hà Nội

Sạch gián, “sạch” cả tiền dân?

24-03-2014 07:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngay sau khi có chỉ đạo từ Bộ NN&PTNT là phải xử lý ngay số gián đất đang có mầm mống phát triển, Sở NN&PTNT Bắc Ninh đã gấp rút gửi văn bản tham mưu UBND tỉnh ra văn bản yêu cầu tiêu hủy gián ngay.

Báo Sức khỏe&Đời sống có bài Đừng để lặp lại kịch bản “ốc bươu vàng”, phản ánh về vụ việc đang gây lùm xùm dư luận những ngày qua: nuôi gián đất có nguồn gốc Trung Quốc ở Bắc Ninh. Hiện nay, cơ quan ban ngành địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số gián đất nêu trên. Tuy nhiên, vụ việc không đơn giản dừng lại ở đó, mà vấn đề đặt ra là người dân được chính quyền địa phương đàng hoàng cấp phép nuôi gián, họ đổ ra hàng tỷ đồng mỗi hộ để đầu tư, nay “xuống đất” hết vì cấp phép sai thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Đã rõ bên có lỗi

Ngay sau khi có chỉ đạo từ Bộ NN&PTNT là phải xử lý ngay số gián đất đang có mầm mống phát triển, Sở NN&PTNT Bắc Ninh đã gấp rút gửi văn bản tham mưu UBND tỉnh ra văn bản yêu cầu tiêu hủy gián ngay. Và cũng lập tức UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan ban ngành gồm Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an tỉnh, Sở KHĐT tỉnh, đặc biệt là chính quyền xã Xuân Lai của huyện Gia Bình và xã Quảng Phú - huyện Lương Tài về việc xử lý, tiêu hủy gián đất. Chỉ trong một hôm, toàn bộ số gián đất đã bị chôn lấp tiêu hủy sạch sẽ, không sót một con.

Ông Nguyên nói: Hàng tỷ đồng của tôi đã ra tro. Đốt tôi đi còn hơn. Tại sao cho phép tôi làm, rồi lại bắt tôi tiêu hủy. Thế này thì giết tôi rồi...

Trở lại vụ “gián đất” lần này, việc một số hộ dân ở 2 huyện Lương Tài và Gia Bình (Bắc Ninh) đầu tư nuôi gián đất là do có thương lái Trung Quốc “cố vấn” thì ai cũng đã rõ. Lý do tiêu hủy gián cũng rất hợp tình hợp lý và cần thiết, bởi gián là loại côn trùng gây hại cho xã hội, là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy, là thủ phạm gặm nhấm, hư hỏng các vật dụng sách vở, quần áo...

Nhưng khác với cái “dịch ốc bươu vàng” trước kia ở chỗ, người dân đã “đàng hoàng” và cẩn thận xin phép bằng văn bản và được cấp giấy phép nuôi gián hẳn hoi do Sở KH-ĐT của tỉnh ký. Sở đã đồng ý rành rành như vậy, người dân yên tâm đến thế là cùng. Họ đổ vốn vài tỷ đồng ra đầu tư, thì nay lại có “lệnh xóa sổ”, vậy thì cái sai này của ai đã rõ rành rành.

Dân mất tiền, lại thêm công đi kiện?

Như đã nói trên, một hộ dân thiệt hại trong vụ gián đất cụ thể là hộ ông Nguyễn Đình Nguyên ở xã Quảng Phú (Lương Tài) và bà Nguyễn Thị Lương ở xã Xuân Lai (Gia Bình). Ông Nguyên đầu tư gần 2 tỷ đồng, chưa kể bà Lương và một hộ nữa. Cũng may trước khi làm, ông xin giấy phép hẳn hoi nên Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh không “chối” vào đâu được. Thế nên ông được Sở “an ủi” rằng: “Sở sẽ xem xét để đề xuất mức hỗ trợ phù hợp cho hai chủ cơ sở nuôi gián ở huyện Gia Bình và huyện Lương Tài, không để họ phải chịu thiệt thòi”.

Nghe nói lại có một “sáng kiến” nữa là Sở KH-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Ninh áp dụng chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo Quyết định 30 của UBND tỉnh, trong đó nếu 2 chủ hộ nuôi gián bị thiệt hại, có nhu cầu chuyển đổi sang hướng kinh doanh, chăn nuôi khác như lợn, gà, vịt... thì sẽ được hỗ trợ về kinh phí xây dựng chuồng trại, giống, kỹ thuật.

Ông Nguyên cho biết, không phải chỉ là tiền, gia đình ông còn phải mất nhiều thời gian công sức trong hơn nửa năm trời để chăm chút cho lũ gián. Nếu Sở KH-ĐT không xin lỗi và đền bù tương xứng với mức thiệt hại về kinh tế và tinh thần mà gia đình ông phải chịu trong thời gian qua, thì ông chỉ còn nước thuê luật sư để kiện họ ra tòa đòi lại quyền lợi hợp pháp.

Chuyện người dân đi kiện cơ quan công quyền từ xưa tới nay các cụ đã đúc kết trong hình ảnh “con kiến kiện củ khoai”. Nghĩa là cái việc ấy về lý thuyết là chẳng có gì sai. Nhưng thực tế thì sao mà nó... yếu ớt đến vậy.

Rắc vôi và tẩm xăng để tiến hành tiêu hủy gián.

Bộ máy quản lý có vấn đề

Sau những vụ lùm xùm kiểu “ốc bươu vàng”, hay “con gián đất” này, vấn đề đặt ra là sao hiếm khi người ta được nghe nói về các chủ trương, chính sách hoặc chí ít là cái định hướng đem lại lợi ích kinh tế cho người dân của cơ quan quản lý địa phương đến vậy. Dường như các cơ quan này chỉ ngồi chờ người dân chủ động mày mò, đề đạt lên rồi họ duyệt, mà duyệt còn không thẩm định, thẩm tra kỹ càng. Thế rồi đến khi duyệt bừa duyệt sai xảy ra thiệt hại thì... người dân chịu.

Nếu như đem thay những con gián đất bằng những căn nhà, miếng đất đang bị bỏ hoang, đang xây dựng dở dang trên khắp cả nước, người ta sẽ dễ dàng thấy được cái tầm nhìn vĩ mô của các cơ quan quản lý yếu kém đến thế nào. Họ không định hướng được có lợi cho người dân, họ cũng không nắm bắt được những nhu cầu, những đòi hỏi của thực tế để đáp ứng. Và một lỗi nữa, đó là sự phối kết hợp không đồng bộ, lỏng lẻo giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau. Khiến cho Sở này bảo đúng, sau đó lại Bộ khác nói sai, dẫn tới tình trạng chồng chéo và kết cục lúc nào cũng giống nhau: người dân phải è cổ ra chịu thiệt hại.

Điều mà dư luận rất chờ đợi ở vụ việc gián đất cụ thể này, cơ quan đã sai rõ rành rành là Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh sẽ đền bù, sửa lỗi thế nào? Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn tới lòng tin của người dân vào các cơ quan quản lý nhà nước.

Hoàng Lê


Ý kiến của bạn