Cùng với quá trình hội nhập, nhu cầu tìm đọc sách dịch từ nước ngoài ngày càng cao. Thậm chí sách dịch đã gần như làm một cuộc soán ngôi sách trong nước khi kéo phần lớn người đọc thực sự về phía mình. Tuy nhiên, xét về bản chất, sách dịch vẫn còn tồn tại nhiều nguyên liệu thô mộc, nhiều lỗi sai nghiêm trọng về ý nghĩa ngôn ngữ diễn đạt. Đáng tiếc là không nhiều người đọc tinh tường và đủ khả năng thẩm định để nhận biết. Từ đó định hình những cách đánh giá không chính xác về chuẩn của ngôn từ.
Sách tri thức dịch lệch chuẩn
![]() Đây là mẫu, bạn có thể sửa lại ảnh, màu nền, kích cỡ của bảng tùy theo nhu cầu. |
Không có những từ điển bách khoa có tính chuẩn mực, uy tín và được cấp phép quốc tế một cách nghiêm chỉnh. Từ điển, sách phổ thông dịch từ tiếng nước ngoài dù có cố gắng đến mấy cũng không thể trở thành sách tri thức chuẩn. Không tìm được những cuốn sách tạo nên một hệ thống nhất quán, nhiều độc giả đã chọn cách tự học ngoại ngữ, đọc sách nước ngoài, tự dịch, nghiên cứu và tìm hiểu.
![]() Một số tác phẩm văn học dịch nước ngoài gây dư luận thời gian qua. |
Sách văn học cũng mất điểm
Để dịch tốt sách văn học nước ngoài, ngoài khả năng ngoại ngữ thành thạo, chuẩn mực, vốn hiểu biết phong phú về vùng đất, con người, tập quán của sách đề cập, dịch giả cũng cần phải có năng lực về ngôn ngữ, hành văn. Nhưng có lẽ điều này hơi quá sức với khá nhiều dịch giả Việt Nam, liên tục những “thảm họa văn học dịch” bị công chúng phát hiện. Đáng chú ý là trong số đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài và nhiều dịch giả đã được kiểm định qua nhiều cuốn sách và nhiều năm trong nghề vẫn gây thất vọng cho độc giả.
Giáo sư Cao Xuân Hạo có viết rằng: “Dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn”. Điều này đòi hỏi ở dịch giả khả năng nhạy cảm với ngôn từ. Không phải cứ biết ngoại ngữ là dịch được sách văn học. Ấy vậy mà nhiều người vẫn cậy có ngoại ngữ, chọn những tác phẩm danh giá của nước ngoài để dịch và gây nên cái nhìn thiếu thiện cảm của độc giả bởi khả năng ngôn ngữ và tầm hiểu biết hạn chế. Họ đánh mất độc giả của mình chính bởi sự lộn xộn, tối nghĩa, khó hiểu của ngôn từ và không thể biện hộ được cho sự thiếu học hỏi và thiếu trách nhiệm của mình.
Không có một chế tài nghiêm chỉnh trong xuất bản sách dịch cho các nhà xuất bản, không có những quản lý, khuyến khích nhất định cho dịch giả, tương lai của dịch thuật sẽ còn chật vật.
Thành Vinh