Hà Nội

Sách cũ “thức giấc”

01-03-2017 12:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong lĩnh vực văn hóa đọc thời gian qua, nhiều sự kiện mua bán, trao đổi sách cũ đã, đang diễn ra góp phần làm sống lại nét văn hóa giữa nhịp sống hiện đại.

Trong lĩnh vực văn hóa đọc thời gian qua, nhiều sự kiện mua bán, trao đổi sách cũ đã, đang diễn ra góp phần làm sống lại nét văn hóa giữa nhịp sống hiện đại. Điều này phản ánh dù xã hội phát triển không ngừng nhưng nhiều người trong chúng ta luôn muốn tìm về những điều xưa cũ để hoài niệm hoặc gìn giữ một nét đẹp văn hóa xa xưa...

Thực tế cho thấy, khoảng thời gian gần đây, đặc biệt tại Hà Nội, nhiều chương trình hội chợ, đại hội sách cũ được tổ chức và luôn thu hút một lượng lớn người dân tham gia. Các chương trình về sách cũ không chỉ đơn thuần là hoạt động trao đổi sách mà thực sự đã trở thành sân chơi của những người đam mê sách cũ, muốn tìm lại một chút hoài niệm trên những trang sách vương màu thời gian. Ở những cuốn sách cũ, người cao tuổi tìm thấy tuổi thơ, thời trẻ của mình với trang giấy in đơn sơ, giản dị... Với người trẻ, những cuốn sách cũ không chỉ giúp họ có thêm thông tin, kiến thức mà họ còn biết được thời của ông bà, bố mẹ, những cuốn sách được thiết kế, in ấn và quý giá như thế nào.

Mới đây, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), công chúng lại được hòa mình vào không gian văn hóa đọc với Hội chợ sách cũ Hà Nội 2017. Các gian hàng sách cũ bán nhiều cuốn đồng giá từ 10.000-20.000 đồng, gọi là bán chứ thực ra với mức giá này như thể món quà tặng nhau. Các thể loại sách cũ thuộc mọi lĩnh vực như văn học, văn hóa, lịch sử, đời sống, y học, ngoại văn... được in, xuất bản cách đây vài chục năm với màu ố vàng, có khi bị mối mọt ăn lẹm góc nhỏ được trưng bày và bán với giá rẻ, nhiều người vì thế đã mua cả một... ba lô sách cũ. Bạn trẻ Ngân Anh hiện đang làm cho một công ty truyền thông tại Hà Nội đến với Hội sách cũ 2017, chia sẻ: “Đến đây em thấy nhiều sách cũ và rất thích. Tuy vẻ ngoài những cuốn sách có chút nhàu nhĩ, giấy in vàng ố hoặc chữ hơi mờ, song em mua những cuốn sách này để làm kỷ niệm. Chính những cuốn sách cũ giúp cho người trẻ như chúng em biết được cuộc sống bây giờ đầy đủ, tiên tiến hơn trước rất nhiều”.Nhiều sự kiện về sách cũ thời gian qua tại Hà Nội thu hút đông đảo người dân tham gia.

Nhiều sự kiện về sách cũ thời gian qua tại Hà Nội thu hút đông đảo người dân tham gia.

Cũng vừa khép lại cách đây chưa lâu, Phiên chợ sách cũ lần 2 khai xuân Đinh Dậu 2017 diễn ra tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội đã thu hút nhiều người đến mua, đọc sách, qua đây trở thành sân chơi cho người yêu sách cũ và là nơi gìn giữ nhiều nét văn hóa đậm bản sắc Việt. Hàng ngàn cuốn sách cũ đã được các đơn vị như Sách cũ Hà Thành, Sách cũ Bạch Mai, Sách Vì dân... tham gia Phiên chợ sách cũ lần 2 bán cho người dân. Sự kiện này đã trở thành cầu nối cho sinh viên tiếp cận nguồn tri thức, độc giả tìm được những cuốn sách quý bổ sung cho bộ sưu tập của mình. Với đông đảo người dân Hà Nội, đây là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa từ lâu và đến nay đang “thức giấc”.

Trong khi đó, ở phía Nam, những gian hàng sách cũ tại Đường sách TP.HCM cũng luôn nhộn nhịp cảnh mua bán. Theo chủ một gian hàng sách cũ trên Đường sách TP.HCM, thời gian qua có nhiều cuốn sách bị rách bìa, hư gáy sách nhưng được xuất bản từ trước năm 1975 của một số NXB hiện đã đi vào dĩ vãng như NXB Khai Trí, Sài Gòn, Thái Bạch... đều được nhiều người hỏi mua, đặt hàng trước dù giá tiền khá cao. Ngoài ra, hiện nay trên các trang mạng xã hội cũng có nhiều cá nhân sưu tầm và bán sách cũ như: Sachcu123, Sách xưa, Sách cũ đây, Sách truyện vỉa hè, Chuột chù sách cũ...

Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh sách cũ, người dân hiện nay đến với sách cổ, sách cũ vì thích sách, thích đọc. Nhưng cũng có những người yêu quý, gìn giữ những cuốn sách cổ như đang cố gắng lưu giữ những giá trị văn hóa xưa cũ, quý báu mà ông cha ta để lại. Anh Nguyễn Đình Tùng - chủ hiệu sách cũ tại Hà Nội cho rằng: “Sách cũ có cái hồn riêng của nó. Trong từng quyển sách cũ, với màu thời gian, với màu giấy, mùi giấy, năm xuất bản, nhà xuất bản khi cầm một cuốn sách lên tìm được một cuốn sách mà ta thích ta cần thì nó sung sướng vô cùng. Sách mới cũng rất tốt, rất đẹp nhưng nó vẫn không có được cái chất mà sách cũ vốn có”.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy sách càng cũ thì càng đồng nghĩa với việc thời gian xuất bản càng xa, nó giống như một minh chứng lịch sử, một dấu mốc để đánh dấu từng thời điểm phát triển của nền xuất bản Việt Nam. Cũng chính vì thế nên với những người sành và sưu tầm sách cũ, những cuốn càng cũ thì càng có giá trị, thước đo cho giá trị ấy có thể là những dịch giả danh tiếng, những đầu sách quý hiếm hay có thể đó là những cuốn sách được phát hành đời đầu, tất cả những lý do trên tạo nên một sức hút, một chỗ đứng rất riêng cho sách cũ. Rõ ràng, trong thời buổi văn hóa giải trí nghe nhìn bùng nổ và du nhập nước ta như hiện nay nhưng các chương trình, sự kiện hoặc những cửa hàng sách cũ vẫn hoạt động và ngày càng được mở rộng là một điều đáng mừng. Sự hồi sinh trong việc mua bán, trao đổi, sưu tầm sách cũ không chỉ góp phần nâng tầm văn hóa đọc mà còn có giá trị bảo tồn nét đẹp văn hóa vốn đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân ở các thế hệ.


Bài, ảnh: Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn