Sách cho thiếu nhi: Còn nhiều trăn trở

19-04-2017 15:31 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi ở nước ta vẫn phát hành với số lượng lớn và đa dạng về thể loại. Tuy nhiên, dòng sách dành cho đối tượng này cũng có những cung bậc buồn vui...

Sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi ở nước ta vẫn phát hành với số lượng lớn và đa dạng về thể loại. Tuy nhiên, dòng sách dành cho đối tượng này cũng có những cung bậc buồn vui, bởi chiếm một số lượng lớn thị trường sách thiếu nhi là các tác phẩm nhập khẩu, trong khi đó sách “made in Việt Nam” chỉ đếm trên đầu ngón tay hoặc cũng từng xuất hiện nhiều cuốn sách có nội dung thiếu chuẩn mực...

Sách nội lép vế

Hiện nay, nhiều nhà xuất bản (NXB) thừa nhận sách cho thiếu nhi chủ yếu là các tác phẩm được mua bản quyền từ nước ngoài (chiếm 70 - 80%). Không khó để nhận thấy, hiện diện trên các kệ sách và nhiều tác phẩm được các em yêu thích là của nước ngoài như Doraemon, Người lớn bé nhỏ, Tò mò quá, Bảy viên ngọc rồng, Thủy thủ mặt trăng, Truyện tranh trinh thám Conan, Những cuộc phiêu lưu sáng chói của Flora và Ulysses, Biệt thự chuột nhắt, Thân gửi Sở thú, Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó...Bộ sách về muông thú, thiên nhiên dành cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng được trao giải Sách hay 2016.

Bộ sách về muông thú, thiên nhiên dành cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng được trao giải Sách hay 2016.

Chính thực trạng trên phản ánh sách nội dành cho các em nhỏ rất ít, trong khi những tác phẩm phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi lại chủ yếu là tác phẩm “lâu đời” trải dài từ thế hệ này tới thế hệ khác được tái bản nhiều lần như Dế mèn phiêu lưu ký, Tìm mẹ, Cái Tết của Mèo con, Hạt cườm tham ăn, Búp bê của ai nhỉ?, Những câu chuyện, Rạng đông Côn Đảo, Chú bé đi dưới đáy nước, Đảo chim trắng, Nhóm chim xanh, Chó nhà đi làm xiếc, Tiếng sáo trúc...Theo chia sẻ của một số công ty phát hành sách, trên thực tế, không có nhiều tác giả, nhất là các tác giả trẻ viết sách cho lứa tuổi thiếu nhi, vì thế những tựa sách dành cho các em nhỏ Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay và tình trạng nhập khẩu sách thiếu nhi là điều khó tránh khỏi.

Không những vậy, thời gian qua công chúng còn phát hoảng khi phát hiện sách cho thiếu nhi có nội dung phản cảm như “đầu độc” các em nhỏ. Chẳng hạn trong cuốn Những điều trẻ em cần biết: Cuốn sách nhỏ về bạo lực có bức ảnh người đàn ông và người phụ nữ ôm nhau trong tình trạng khỏa thân và trái tim bay xung quanh minh họa cho câu nói “Bạo lực cũng giống như tình yêu thương, đã tồn tại từ xa xưa”. Hoặc cuốn Những bí mật trẻ em cần biết: Cuốn sách nhỏ về cái chết có hình minh họa là cậu bé ngửa cổ nhìn lên bầu trời có 3 người khỏa thân nhìn xuống. Đặc biệt, cơ quan chức năng từng xử phạt nặng đơn vị phát hành cuốn sách Hỏi đáp trí tuệ III có nội dung không phù hợp với thiếu nhi. Theo đó, trong cuốn sách này có các phần hỏi đáp “khó đỡ” như Vì sao mẹ của bạn Minh lại viết loạn xị lên những bài viết của người khác? - câu trả lời: Cô ấy là biên tập viên của nhà xuất bản; hỏi: Biện pháp phát triển trí lực hữu hiệu nhất là gì? - trả lời: Ăn ít đi một chút; với câu hỏi Khi đi thăm quan vườn thú, loài nào ở trong cái ngăn có cửa đầu tiên? thì có câu trả lời trong sách là Cô bán vé...

Nguồn vui nho nhỏ

Đó là việc thị trường sách vẫn le lói một số tác phẩm của các tác giả trong nước được bạn đọc nhí đón nhận. Trong đó phải kể tới một số cuốn sách của nhà văn Nguyễn Ðông Thức, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Nhật Ánh với những cuốn: Kính vạn hoa, Bồ câu không đưa thư, Đảo mộng mơ, Lá nằm trong lá, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ... và đặc biệt là cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ - một trong những tác phẩm đã được nhận Giải thưởng Văn học ASEAN của Nguyễn Nhật Ánh. Thời gian gần đây, cuốn Tũn Tồ của tác giả trẻ Hương Thị cũng được các em nhỏ yêu mến bởi những mẩu chuyện vui và ngộ nghĩnh về chú bé Tũn ngây thơ, ngờ nghệch, nghịch ngợm, ngại học nhưng lại khéo léo và yêu động vật. Cuốn sách là hành trình tìm về tuổi thơ của tác giả, để gặp lại bạn bè một thuở. Ở đó, những câu chuyện tưởng như đã ở rất xa, đã thuộc về một miền ký ức bỗng trở về sống động.

Đặc biệt, bộ truyện tranh dành cho thiếu nhi gồm 12 cuốn của nhà văn Vũ Hùng viết về muông thú, rừng núi và thiên nhiên tươi đẹp được Hội Xuất bản Việt Nam trao giải Sách hay 2016. Thông qua 12 cuốn sách, nhà văn Vũ Hùng đã tạo nên những trang văn đẹp và hay hiếm có về thiên nhiên hoang sơ trong rừng nguyên sinh Việt Nam. Theo đánh giá của Hội Xuất bản Việt Nam, bộ sách của nhà văn Vũ Hùng còn có giá trị giáo dục cho trẻ em nhiều thế hệ sau bởi dưới sự tác động của con người, những cảnh đẹp tại Việt Nam đang dần bị tàn phá, không giữ được nguyên vẹn những hình ảnh tươi đẹp từ xưa. Qua đó, nhà văn Vũ Hùng mong muốn trong tâm thức các em nhỏ thấy yêu đất nước, nâng cao tình người hơn.

Theo nhà văn Lê Tấn Hiển, viết sách cho thiếu nhi không gì ngoài lòng đam mê và tình yêu, phải hướng thiện thông qua những câu chuyện, nhân vật. Đồng thời, viết sách cho tuổi nhỏ cần loại bỏ những sự khuyên nhủ giáo điều, cứng nhắc bằng suy nghĩ tác giả. “Nếu đã xác định viết cho trẻ xem thì phải viết sao cho hấp dẫn, thu hút bằng những gì gần gũi với đời sống của chúng, biết chúng thích gì, không thích gì... Và nhà văn cũng cần lồng ghép tính giáo dục, hướng dẫn, thẩm mỹ trong ấy” - nhà văn Lê Tấn Hiển chia sẻ.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn