Sách chân dung văn nghệ sĩ: Đâu là dấu ấn?

12-05-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau một khoảng thời gian im hơi lặng tiếng, mảng sách chân dung văn nghệ sĩ đang có dấu hiệu quay trở lại.

Sau một khoảng thời gian im hơi lặng tiếng, mảng sách chân dung văn nghệ sĩ đang có dấu hiệu quay trở lại. Tuy nhiên, đi kèm với số lượng dày đặc hơn, chất lượng và cá tính của mảng sách này được đánh giá là thiếu đồng đều, nhiều cuốn sách thiếu đi bản sắc của người viết.

Hiện tượng ngành xuất bản

Mấy năm về trước, việc nhiều cuốn sách chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng lần lượt ra mắt được xem như một hiện tượng của ngành xuất bản. Người mở màn cho trào lưu viết chân dung văn nghệ sĩ dài hơi có lẽ là nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Với tập Cây Bút Ðời Người, ông đã phác họa 12 chân dung văn học như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Nhị Ca, Thanh Tịnh, Nguyễn Thành Long, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Tế Hanh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nghiêm Ða Văn... Vương Trí Nhàn coi việc viết về các văn nghệ sĩ nổi tiếng là một cách để phản ánh tính cách con người họ ngoài tác phẩm. Đến Xuân Sách, với tập Chân dung nhà văn coi việc dựng chân dung các nhà văn là mang lại “một thế giới đầy sức hấp dẫn đối với một người say mê văn học và tấp tểnh nuôi mộng viết văn”. Điều đặc biệt ở tập sách này của Xuân Sách là ông cho độc giả cảm nhận về những tên tuổi của làng văn bằng những vần thơ nếu Hoài Thanh là “Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên” thì Nguyễn Khải là “Cha và con... và họ hàng/ hết bay mùa thóc lẫn Mùa lạc/ cho nên Chiến sĩ thiếu lương ăn”, còn Tố Hữu thì “Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng/ mắt trông về tám hướng phía trời xa/ chân dép lốp bay vào vũ trụ/ lúc trở về ta vẫn là ta!”.

Chuyện tình nghệ sĩ của nhà báo Hà Đình Nguyên.

Vào thời điểm cuối năm ngoái, một tập sách khá thú vị là Chuyện tình nghệ sĩ của nhà báo Hà Đình Nguyên ra mắt bạn đọc. Những câu chuyện tình thời trai trẻ của các nghệ sĩ nổi tiếng như: Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Lưu Hữu Phước, Châu Kỳ, Lam Phương; các nhà thơ: Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Nguyễn Nhược Pháp, Bùi Giáng, Phùng Quán, Phạm Thiên Thư; các nghệ sĩ: Phùng Há, Kim Cương; các ca sĩ Thanh Lan, Lê Uyên Phương... được hé lộ trong cuốn sách này gây thích thú cho độc giả. Điều đáng quý ở cuốn sách này là tác giả đã cất công tìm kiếm những nguồn tư liệu “không đụng hàng”, trực tiếp phỏng vấn các nhân vật với giọng văn dí dỏm, lôi cuốn.

Không chỉ nổi tiếng với tác phẩm Chuyện kể năm 2000 từng gây rúng động dư luận, nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi ra mắt tập chân dung về văn nghệ sĩ mang tên Viết về bè bạn cũng rất được chú ý. Điểm đặc biệt của tập sách này là những ký họa ngôn ngữ về những văn nghệ sĩ đến từ Hải Phòng như Dương Tường, Nguyên Bình, Lê Đại Thanh, Nguyên Hồng, Nguyễn Thanh Bình. Với hơn 600 trang sách, Bùi Ngọc Tấn đã đạo diễn một bộ phim tư liệu về những mặt ít được nói tới của văn chương nghệ thuật, về cả những con người thành danh lẫn những tiếng nói bị vùi dập.

Những cái nhìn lệch tông

Cùng chung nguồn cảm hứng với những đồng nghiệp khác, lại sẵn có vốn tiếp xúc với các nhà văn do công việc phê bình nghiên cứu, năm ngoái, nhà văn - nhà phê bình Văn Giá đã ra mắt tập sách Người khác và tôi. Tập sách gồm 9 bài viết chân dung và 16 bài tiểu luận, phê bình, trong đó những bài chân dung nhận được nhiều sự chú ý hơn cả. Nhà văn Văn Giá đã phác họa những tên tuổi lớn của làng văn, làng nghiên cứu như GS. Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, TS. Hoàng Ngọc Hiến, nhà thơ Tế Hanh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn – nhà nghiên cứu Vương Trung, nhà văn Thanh Châu, nhiều cây bút tiêu biểu, sung sức hoặc đã ghi dấu ấn trên văn đàn: Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Hữu Nhàn, Vi Thùy Linh, Bảo Chân, Mai Văn Phấn. Nhưng dường như chừng ấy tên tuổi kêu như khánh không đủ để làm tập sách trở nên “ăn khách” mà trái lại còn nhanh chóng chìm vào quên lãng. Nguyên do có lẽ nằm ở chỗ cách viết khuôn sáo, quy tắc của tác giả đã không đủ hấp lực để lôi kéo những bạn đọc trẻ ngày nay khi mà thị trường sách ngày càng phong phú, nhiều lựa chọn đọc hơn. Mặt khác, có những cái tên, có lẽ tác giả không nên nhắc đến vì thực ra họ chưa chắc đã đáng đứng bên cạnh những nhân vật tên tuổi khác mà có khi chỉ vì cảm nhận chủ quan thành ra lệch tông của tác giả.

Khai thác đời sống và tính cách của nghệ sĩ hoạt động giải trí, cuốn sách Dưới những ngón tay tôi của nhà báo Hà Quang Minh lại cho độc giả một cái nhìn toàn diện hơn về những nhân vật nổi tiếng của showbiz như ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, nhạc sĩ Mai Khôi, Lê Khánh, Khánh Thi, những người đẹp Xuân Lan, Ngọc Khánh, các nhạc sĩ Bảo Chấn, Đức Trí, Tuấn Khanh, Ngọc Châu, Đỗ Bảo, họa sĩ Tạ Tỵ, đạo diễn Lưu Huỳnh, Lê Hoàng, nhà thơ Du Tử Lê. Độc đáo hơn cả, tập chân dung của Hà Quang Minh nhiều phần có dáng dấp của tản văn và truyện ngắn với tiêu đề đậm chất thơ như: Lũ rêu, quên, nào phủ lối gạch son; Cát hoài im, trải lặng, tự bao giờ; Từng ngón tay mềm, chuốt tơ, Cỏ đã ngủ rồi, Còn lại chỉ xanh rêu... Dẫu vậy, có lẽ sẽ có những nhân vật phấn khởi và có cả nhân vật chạnh lòng khi mà họ không muốn cùng “chung chiếu” nhưng cứ bị tác giả cuốn sách xếp vào cho đầy đủ đội hình.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, đi vào một lối mòn đã có ít nhiều những tiền nhân thành công, một số những cây bút trẻ viết chân dung văn nghệ sĩ được báo chí quan tâm hiện nay lại chưa có được một cái nhìn cũng như lối viết sắc sảo, độc đáo, thường là nhàn nhạt, trôi tuột. Có lẽ nguyên do chính là các tác giả không có chủ đích viết thành hệ thống những chân dung nhân vật mà chỉ tập hợp từ các bài đã đăng báo. Mặt khác, tư duy báo chí cũng phần nào làm giảm đi tính “phiêu” cần có của thể loại này. Thành ra, điều mà độc giả thấy là những trang viết không thống nhất về màu sắc, ý nghĩa, những cái tên chưa tương xứng đặt cạnh nhau dường như chỉ cốt sao cho đầy đủ trang bản thảo nộp cho nhà xuất bản.

Tất nhiên, nhìn chung, thể loại chân dung văn nghệ sĩ vẫn là một mảnh đất màu mỡ vì triển vọng phát hành cũng như khả năng được biết đến nhiều hơn của tác giả. Tuy vậy, viết để tạo một dấu ấn, cho cả bản thân và nhân vật vẫn là điều mà các tác giả viết chân dung văn nghệ sĩ cần chú trọng trau dồi hơn. Suy cho cùng, điều đó mang lại rất nhiều cơ hội cho họ.

Mẫn Thy


Ý kiến của bạn