Sắc xuân Vàng Ma Chải

01-01-2016 08:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhìn lên bản đồ, Vàng Ma Chải như một bán đảo vươn mình hứng chịu mọi sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như khó khăn cách trở về địa hình.

Nhìn lên bản đồ,  Vàng Ma Chải như một bán đảo vươn mình hứng chịu mọi sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như khó khăn cách trở về địa hình. Đây là những xã thuộc diện nghèo nhất tỉnh Lai Châu với 100% đồng bào là người dân tộc thiểu số.  Ai có lên đây mới thấu hiểu: Ở một nơi địa đầu của Tổ quốc, mặc dù khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng tình quân dân ở đây đã gắn bó như cây rừng với đất.

Đường tuần tra mùa xuân (ảnh chụp các chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải).

Xuất phát từ TP.Lai Châu từ khi màn đêm còn chưa loãng, mưa lất phất càng làm cho cái lạnh càng thêm phần giá buốt. Thượng tá Điêu Văn Dim, trợ lý Ban vận động quần chúng (Bộ đội Biên phòng Lai Châu) dặn dò: “Các anh mặc thêm áo ấm, bởi cái rét vùng cao dữ dằn lắm” làm cho ai nấy vừa khắc khoải, vừa háo hức được trải nghiệm cái rét xứ mây mù. Đến ngã ba Mường So, chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 132 ngược đường lên biên giới. Càng đi, đường càng hẹp, dốc càng dựng. Hai bên đường, những vạt dã quỳ đang kỳ nở rộ. Từ chân lên tới đỉnh núi, dã quỳ khoác lên núi rừng một màu vàng rực rỡ, thoát ẩn thoát hiện sau những màn mây mù đặc sánh, bồng bềnh trôi trên các sườn núi. Có đoạn, dã quỳ xòa xuống cả kính xe tạo nên một không gian thơ mộng. Mọi người thi nhau chụp cảnh huyền ảo của hoa và mây trời hòa quyện, mấy cô gái trẻ nhí nhảnh bên những đám dã quỳ, đôi gò má ửng hồng lẫn màu của hoa nhạt nhòa trong gió rét vùng cao.

Cả đoàn ai cũng cảm động khi thấy Thiếu tá Hồ Mạnh Long, Chính trị viên Đồn biên phòng Vàng Ma Chải ngược cả chục cây số đường rừng ra đón đoàn, áo quần lấm bê bết do mưa bụi và bùn lầy. Nắm tay thật chặt, thở ra những làn hơi ấm hòa quyện với mây rừng giữa miền sương lạnh, Thiếu tá Long cười ấm áp: “Rét như Sa Pa hay Ý Tý thì ai cũng biết, chứ ở đây băng giá cũng thường xuyên. Có hôm tuyết phủ trắng cả ngọn cỏ, cành cây!”.

Tới Đồn, niềm cảm động xen lẫn tự hào lan tỏa trong mỗi người vì đã được đặt chân nơi phên dậu Tổ quốc sau cung đường nửa ngàn cây số đầy gian khó. Tọa lạc trên đỉnh cao 2.000 mét so với mực nước biển, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải được xây dựng khang trang bằng những dãy nhà kiên cố, mái ngói thâm nâu qua nắng gió thời gian. Hai bên, hàng thông cổ thụ hiên ngang vươn lên giữa mây trời xứ lạnh, hàng đào đang nở hoa xen lẫn những bông lau rừng trắng muốt rung rinh trước gió. Trước sân đồn, lá cờ đỏ kiêu hãnh tung bay như chào đón mùa xuân nơi tuyến đầu Tổ quốc. Dẫn tôi đi thăm một vòng, Thiếu tá Hồ Mạnh Long giới thiệu: dãy núi bên cạnh là đất bạn Trung Quốc, còn phía trước nhìn hút tầm mắt là Đồn Biên phòng Dào San, con đường nối hai đồn hình vòng thúng ôm lấy một thung lũng như lòng chảo. Thiếu tá Long cười: “Nhìn nhau thấy mặt, cách nhau nửa ngày”, tuy chỉ cách 5km đường chim bay nhưng đi đường vòng mất hơn 30km theo tỉnh lộ 132 đầy nhọc nhằn, vất vả.

Hiện Đồn Vàng Ma Chải đang quản lý hơn 14km đường biên với 7 mốc giới thuộc ba xã: Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử và Mồ Xì Xan (huyện Phong Thổ). Nơi này là địa bàn sinh sống chủ yếu của 2 dân tộc Mông và Dao đỏ. Theo Thượng úy Nguyễn Hữu Kiểm, Đội trưởng Đội vận động quần chúng: đây là địa bàn hết sức phức tạp bởi địa hình núi rừng hiểm trở. Nhận thức của người dân thấp, nhiều thủ tục lạc hậu vẫn còn, do vậy nếu không làm tốt công tác vận động quần chúng thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, phát triển kinh tế - xã hội và tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho bà con các dân tộc.

Dường như ngày ngắn hơn ở nơi xứ lạnh bởi mới 5 giờ chiều mà không gian đã mịt mù sau ánh điện. Bữa cơm được dọn ra. Đồn trưởng, Trung tá Bùi Văn Mạnh cười thân thiện: “Lợn Đồn nuôi, rau chiến sĩ trồng. Chiêu đãi anh em toàn cây nhà, lá vườn cả”. Đồn cách chợ hơn ba chục cây số và mỗi tuần cũng chỉ có một phiên nên những năm qua anh em chiến sĩ luôn chủ động tự cung tự cấp là chính. Ngoài giờ làm nhiệm vụ, anh em chiến sĩ lại tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống vật chất và xây dựng môi trường cảnh quan đơn vị xanh sạch đẹp.

Ngoài trời, gió thổi ù ù mang theo hơi lạnh từ dưới thung tràn lên chui qua khe cửa ùa vào phòng lạnh buốt. Ngồi tâm sự với Đồn trưởng Bùi Văn Mạnh, màu sương gió đen sạm hiển hiện trên gương mặt của một người gắn cả tuổi xuân của mình với miền đất biên cương của Tổ quốc. Đồn trưởng Mạnh khắc khoải: đường biên dài và hiểm trở, mỗi lần tuần tra anh em phải trèo đèo, lội suối, băng rừng để bảo toàn từng tấc đất. Thậm chí, khi phá án các trinh sát còn mất nhiều ngày kiên trì phục kích với muỗi, vắt trong mưa rừng và cái rét tê tái vùng cao. Anh nói như với chính mình: “Sương muối buốt quá, anh em giờ này ở với dân bản không biết ăn nghỉ ra sao!”. Nói rồi, anh quay ngoắt sang tôi: “Ở cái xứ sở này, sương mù kéo dài cả tháng, có khi mấy ngày liền mọi người chả rõ mặt nhau, nắng được một ngày là hiếm hoi lắm anh ạ”.

Đất nước đã thanh bình, những năm qua dẫu đã được Đảng, Nhà nước chăm lo cải thiện thì biên cương vẫn là nơi gian khó nhất. Mặc dù thiếu thốn trăm bề nhưng dường như cán bộ chiến sĩ ở đây ai cũng tự hào vì nhiệm vụ của mình nơi phên dậu Tổ quốc. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, công tác vận động và giúp đỡ đồng bào nơi đóng quân cũng được đặt lên hàng đầu. Trong kỳ Đại hội Đảng bộ vừa qua đã có 2 đồng chí tham gia vào Ban Thường vụ Đảng ủy các xã để cùng Đảng ủy địa phương trong việc lãnh đạo chỉ đạo, mặt khác, sẽ kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào. Được biệt danh là “khắc tinh của tội phạm” với nhiều vụ án nguy hiểm đã được phá, Thượng úy Trương Minh Trung tâm đắc: nhờ có quần chúng, nhiều nguồn tin có giá trị được cung cấp đã góp phần giúp chúng tôi  phá gọn nhiều vụ trọng án, đem lại sự bình yên cho cuộc sống ở vùng biên.

Chiến sĩ quân y Đồn biên phòng Vàng Ma Chải khám và cấp thuốc cho đồng bào dân tộc Dao đỏ ở xã Vàng Ma Chải.

Điều vui nhất là trong những năm qua tình hình dịch bệnh ở cả ba xã biên giới đã được đẩy lùi, năm 2015 các thầy thuốc quân hàm xanh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ và trạm y tế các xã triển khai tiêm phòng Rubella cho toàn bộ trẻ em, phun thuốc muỗi phòng chống sốt rét, vận động cai nghiện ma túy cho 20 đối tượng. Bên cạnh đó, còn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong khám chữa bệnh. Anh Hầu A Sèo, bản Xín Chải, xã Pa Vây Sử chia sẻ: “Trước kia, khi có người ốm thì mổ lợn tế lễ nên bệnh càng nặng hơn. Giờ nghe biên phòng rồi, khi ốm sẽ đến trạm y tế thôi, không nhờ thầy mo thầy cúng nữa!”.

Từ việc làm tốt công tác vận động mà người dân ở cả 3 xã biên giới đã thay đổi nhận thức về chính sách dân số để nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Ông Hảng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử chia sẻ: chính quyền xã vững mạnh, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo cũng nhờ sự giúp sức của biên phòng. Tình hình an ninh ổn định là nền móng giúp xã vững vàng vươn lên xây dựng nông thôn mới. Trầm ngâm một hồi, Chủ tịch Tủa khẳng định: “Tết Bính Thân này bà con vui lắm. Biên phòng đã giúp người dân phát triển kinh tế để có cái Tết ấm no hơn”. Nhờ sự đoàn kết của tình cá nước, cuộc sống của các chiến sĩ gần như gắn chặt với cuộc sống của bà con dân bản. Nhấp chén trà nóng hổi, Trung tá Mạnh khoát tay một vòng chỉ ra phía hàng đào đang chúm chím nở hoa ở khuôn viên đồn: “Hàng đào kia là do đồng bào trồng tặng đó, nhiều năm nay cứ mỗi độ xuân về đào đua nhau nở, trai gái trong bản lại kéo nhau tới nơi này ném còn, thổi sáo liên hoan văn nghệ với các chiến sĩ mừng xuân”.

Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ mà càng phải nâng cao tinh thần cảnh giác với tội phạm và các thế lực thù địch. Theo Đồn trưởng Bùi Văn Mạnh:  Trong những ngày cuối năm Ất Mùi, chúng tôi sẽ tổ chức đến thăm hỏi, chúc Tết bà con địa phương. Qua đó, cũng là cơ hội nắm bắt thêm những tình hình khu vực biên giới để cùng với địa phương xử lý ngăn chặn kịp thời, tạo niềm tin và không khí an toàn cho đồng bào vui đón Tết. Khoác thêm chiếc áo ấm, Đồn trưởng Mạnh phấn chấn: “Trời sắp sang xuân rồi, trận rét cuối mùa sẽ báo hiệu nắng ấm ngày mai anh ạ”. Ngoài trời vẫn lạnh tái tê, nhưng lòng người không rét bởi hơi ấm tình người đã lan tỏa. Những chiếc khăn sư thầy Thích Minh Trí vừa tặng sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa, sưởi ấm tinh thần các chiến sỹ trên những nẻo đường tuần tra băng giá.

Hình ảnh “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” luôn ngự trị trong trái tim mỗi người chiến sĩ. Tết Bính Thân này, mặc dù vẫn phải xa nhà, nhưng ai cũng vui bởi bên các anh còn có nhiều đồng đội và đồng bào dân tộc sẵn sàng chia sẻ. Càng tự hào bởi các anh đã làm tròn bổn phận Tổ quốc giao phó, xứng đáng là nơi nhân dân gửi trọn niềm tin. Mùa xuân của các chiến sĩ chính là niềm hạnh phúc của nhân dân, là mùa xuân đất nước. Và tôi thấy, mùa xuân biên cương đang ở ngay trong lòng những người dân bản xứ và trong ánh mắt những người lính trẻ.


Bài, ảnh: Thanh Hội
Ý kiến của bạn
Tags: