Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Các loại sắc phong thường thấy như sắc phong chức tước, là loại sắc phong do nhà vua các triều đại phong kiến dùng để phong chức tước cho các quan lại, quý tộc, người có công… Loại này không còn nhiều và thường do các gia đình dòng họ lưu giữ nên không phổ biến ra công chúng.

Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Sắc phong thần, là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần, do nhà vua các triều đại phong kiến phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng (Thành hoàng…).

Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 3.

Hầu như các đình làng của người Việt đều được các triều đại nối tiếp nhau ban sắc phong. Đây là cổ vật giá trị, mặc dù đã bị mất số lượng đáng kể nhưng còn lại đến nay khá lớn và thường được bảo tồn trong các kiến trúc tín ngưỡng của làng, xã.

Đối tượng được phong tặng thường là: nhân vật lịch sử có công với nước, thường gọi là nhân thần và các thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên…

Nhân vật trên sắc phong thần cũng có thể là những người dân bình thường nhưng có công khai hoang lập làng, truyền dạy nghề thủ công hoặc có công đức với cộng đồng… gắn liền với lịch sử làng xã cổ truyền.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, các sắc phong  trong các triều đại phong kiến đều gắn với vận hội lớn của đất nước. Vận hội có thể là việc thuận lợi như xây dựng kinh thành, đê điều... chính là việc xây dựng cuộc sống của người dân. Và vận hội có thể là khi đất nước gặp nguy nan như đất nước bị xâm lược hoặc gặp thiên tai như lụt lội thì nhà vua sẽ giao cho Bộ Lễ kiểm kê, sưu tầm để sắc phong cho các vị thần.

Bởi lúc này đất nước cần sự đồng thuận tối đa của toàn thể dân tộc để vượt qua thử thách và các vị thần chính là tinh túy của tinh thần nhân dân tích tụ lại được nhân dân thờ phụng, tín ngưỡng. Chính điều này đã đoàn kết nhân dân để vượt qua những thử thách. Chính vì vậy, sắc phong lúc bấy giờ là biểu tượng cho tinh thần toàn thể nhân dân, dân tộc.

Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 4.

Và khi tổ chức lễ đón nhận sắc phong lúc bấy giờ thì đều phải nói "sắc tại như thần tại" tức là sắc ở đâu là thần ở đó.

Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 5.

Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 6.

Mới đây, Ban bảo vệ di tích lịch sử xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã tổ chức lễ tiếp nhận sắc phong di tích lịch sử cấp quốc gia đình Tri Chỉ bị thất lạc 16 năm trước. Đây là 22 đạo sắc phong gốc do nhà sưu tập Đặng Vũ Khương hiến tặng. Đây là sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng cho các vị thần/Thành Hoàng làng thuộc làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên. 22 đạo sắc phong này phần lớn còn giữ được nguyên hiện trạng.

Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 7.

Ông Đặng Vũ Khương hiến tặng 22 đạo sắc phong cho Ban bảo vệ di tích lịch sử xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).

Đình làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên có niên đại xây dựng thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII - XVIII, được gìn giữ khá nguyên vẹn giá trị nghệ thuật. Đình Tri Chỉ với gần 400 năm tồn tại, sự cổ kính của ngôi đình đã mang trên mình những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 8.

Trước đó, năm 2022, trên diễn đàn "Hội mê Sắc phong", nhà sưu tập Đặng Vũ Khương đã công bố thông tin đang lưu giữ 22 đạo sắc phong của di tích đình làng Tri Chỉ và có ý định giao tặng lại cho địa phương.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, sắc phong cần phải được giữ gìn một cách trang  nghiêm, trang trọng vì đó chính là lòng dân. Câu lạc những người sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá sắc phong đã làm được những việc hết sức đáng quý.

Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 9.

Theo ông Nguyễn Ánh Ngọc, thành viên của 'Hội mê sắc phong', diễn đàn "Hội mê sắc phong" là tập hợp những người có chung đam mê trong việc sưu tầm, bảo tồn, tìm hiểu văn hóa dân tộc nói chung và sắc phong nói riêng. Đến nay, các thành viên của hội đã sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức trao hàng trăm sắc phong cho các di tích khác nhau.

Sắc phong - Mạch nguồn văn hóa dân tộc - Ảnh 10.

Mỗi đạo sắc phong gồm địa chỉ thờ thần (thôn, xã, phủ, huyện, tỉnh); Tên gọi của thần (thần hiệu, huy hiệu, duệ hiệu, mỹ tự); Lý do thần được sắc phong hoặc nâng cấp phẩm trật (trung đẳng thần, thượng đẳng thần…); Trách nhiệm của thần đối với dân sở tại (che chở bảo hộ cho dân); Trách nhiệm của dân đối với thần (tôn kính, thờ cúng thần); Ngày tháng năm ban sắc (thuộc đời vua nào).

Ban bảo vệ di tích lịch sử xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) tổ chức lễ tiếp nhận sắc phong di tích lịch sử cấp quốc gia đình Tri Chỉ bị thất lạc 16 năm trước. (Video: Tuấn Anh)

Sắc phong cho cá nhân và gia tộc có đóng góp nhiều công trạng cho đất nước cũng được kết cấu tương đối giống sắc phong cho thần thánh. Riêng các nội dung về thành tích, công trạng, được ghi cụ thể, tỉ mỉ hơn. Phần khen thưởng bằng vật chất thường cũng được liệt kê thể hiện trong sắc phong.

Sắc phong được xem là di sản văn hóa độc đáo, có ý nghĩa quan trọng về khoa học, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và nghệ thuật, là nguồn tư liệu quý giá mà cha ông để lại. 

Bởi nhìn vào sắc phong, những người có chuyên môn có thể biết được xuất xứ triều đại nào, niên đại bao nhiêu cùng các nét văn hóa lịch sử đặc trưng của thời kỳ ấy; đồng thời, cũng là nguồn tư liệu chuẩn xác để nghiên cứu sự thay đổi địa danh và đơn vị hành chính, cung cấp cho đời sau nguồn tư liệu về lịch sử lập làng, xã, lịch sử hình thành dân cư, dòng họ, cộng đồng, khai khẩn, thành hoàng làng.

Hiện nay, trong cả nước vẫn còn lưu giữ được một số lượng lớn sắc phong, bản sao sắc phong, cùng với thần tích. Trong đó, thư viện Khoa học xã hội có 13.211 bản khai thần tích (có chép kèm sắc phong) với khoảng 230.000 trang tư liệu chép tay do các chức sắc làng xã sao chép giao nộp năm 1938. Kho sách Hán Nôm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng có 412 ký hiệu ở mục thần sắc. Công tác sưu tầm và xuất bản sách liên quan đến sắc phong cũng đang được quan tâm ở nhiều địa phương, như cuốn Sắc phong Nghệ An (2013) giới thiệu 1.600 đạo sắc, Sắc phong ở Đà Nẵng (2013) giới thiệu 250 đạo sắc, Sắc phong triều Nguyễn trên địa bàn Thừa Thiên Huế (2014) giới thiệu 300 đạo sắc, Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế (2018) giới thiệu 2.171 đạo sắc…Đây là nhóm tài liệu hữu ích để tìm hiểu hoạt động tín ngưỡng làng xã Việt Nam. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, sắc phong thần của lịch triều đang đóng vai trò không nhỏ cho việc công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng ấy, trải dài suốt nhiều thế kỷ cùng với sự biến đổi của lịch sử, đến nay có không ít ngôi đình làng, dòng họ, đình chùa, miếu mạo đã tìm lại và dày công gìn giữ các sắc phong của nhiều triều vua phong kiến Việt Nam.

Ý kiến của bạn