Múa đội nước của người Chăm - Các cô gái đội trên đầu bình gốm, trong bình gốm thường chứa nước lã hoặc nước chè xanh để dâng cúng thần linh hoặc mời khách quý.
Điệu múa này trở thành nghi lễ đặc trưng của người Chăm trong việc tiếp đón khách quý. Các cô gái vừa nhún chân vừa nâng nhẹ đôi tay, miệng cười tươi chào các vị khách. Không chỉ đội bình gốm có chứa nước để đi lại, múa hát, người Chăm còn tổ chức trò chơi thi đội nước trong các lễ hội.
Nhạc cụ của người Chăm không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần mà còn là phương tiện biểu diễn nghệ thuật mang lại biểu cảm thẩm mỹ trong đời sống tâm linh.
Các nhạc cụ của người Chăm như: Trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanchi thường xuất hiện từ lễ hội thiêng cho đến hội vui. Các nhạc cụ đệm cho những điệu múa truyền thống của người Chăm tạo những tiết tấu rất sôi động, giúp cho không khí của buổi lễ thêm vui vẻ, rộn rã.
Người dân Ninh Thuận còn rất biết gìn giữ di sản quý báu của văn hóa Chăm Pa từ chữ viết, trang phục, lễ hội, các làng nghề truyền thống đến nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.
Gốm bàu Trúc là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo mang đậm nét văn hóa Chăm không thể trộn lẫn.
Nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp còn được gọi là “quê hương sợi chỉ đủ màu” - nơi những người phụ nữ ngày ngày nhịp nhàng bên khung gỗ.
Dệt là nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm ở làng Chăm Mỹ Nghiệp. Người dân nơi đây dùng các khung gỗ, tre thô sơ làm khung dệt. Với đôi tay khéo léo, những sợi chỉ nhỏ dần biến thành từng mảnh thổ cẩm quý phái.