Sắc màu thời gian và sự tôn vinh cao quý

18-08-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Hướng tới lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức Triển lãm các tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh của 19 tác giả mới được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012 (từ 29/7/2013 - 5/8/2013).

Hướng tới lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức Triển lãm các tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh của 19 tác giả mới được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012 (từ 29/7/2013 - 5/8/2013). Đây là một triển lãm đặc biệt trong năm với 39 tác phẩm hội họa, điêu khắc và ảnh của những tác giả quen thuộc và tài năng của nước nhà.

Tuy có những tác giả đã mất nhưng triển lãm này là sự hội ngộ hết sức ấm áp và đem lại ký ức sâu sắc qua những đề tài mang tính lịch sử hào sảng và cuộc sống lao động lạc quan mà các tác giả đã gây ấn tượng mạnh đối với người xem hàng chục năm qua.

Đáng chú ý, Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này chỉ trao cho một người trong giới hội họa là cố danh họa Nguyễn Gia Trí (1908/1993). Đó là giải thưởng cao quý cho một tài năng hội họa kiệt xuất. Ông là một họa sĩ hàng đầu của nước ta đã để lại nhiều tác phẩm sơn mài quý giá, được thế giới công nhận và có giá bán khá cao. Trong làng hội họa xưa, không ai không biết đến câu “Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn” (Nguyễn Gia Trí - Nguyễn Tường Lân - Tô Ngọc Vân - Trần Văn Cẩn). Đó là những họa sĩ tài danh hàng đầu của nước ta. 

Đồng thời, họa sĩ Nguyễn Gia Trí có thể nói là người khai sáng ra thể loại tranh sơn mài ở Việt Nam. Từ những tác phẩm tranh sơn mài của ông, chúng ta có quyền tự hào khi so sánh với những thành tựu hội họa trên thế giới. Đặc biệt, ông có một số tranh vẽ về đề tài Hà Nội rất độc đáo. Mỗi hình tượng mà ông dựng lên trong tác phẩm đều lung linh và chuyển động trong sắc vờn, cùng ánh sáng huyền ảo của kỹ thuật sơn mài đến độ trong veo. Đó là những tác phẩm Thiếu nữ bên Hồ Gươm, Thiếu nữ bên hồ Sen, Thiếu nữ với mùa xuân, Ai mua rươi ra mua.

Sắc màu thời gian và sự tôn vinh cao quý 1
 Dọc mùng - Tranh Nguyễn Gia Trí.

Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Gia Trí là người duy nhất bán tranh theo giá được tính theo số lượng được đo từng phân vuông, nghĩa là tranh kích thước càng lớn, cứ tính theo số phân vuông mà nhân tiền lên. Ông có hàng trăm tác phẩm đã bán đi, nhưng theo nguyện vọng của ông, người ta đã giữ lại 3 bức tranh sơn mài khổ lớn, không đưa ra nước ngoài. Đó là những bài học quý về hội họa cho hậu thế khi cảm được những tư duy và tình yêu của ông về đất nước quê hương qua hình tượng nghệ thuật.

Cùng với danh họa Nguyễn Gia Trí, còn có 16 họa sĩ và nhà điêu khắc được trao Giải thưởng Nhà nước lần này là các tác giả: nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường; họa sĩ Trần Hữu Chất (nhà thơ Hồng Chinh Hiền); nhà điêu khắc Phạm Văn Hớn (Phạm Mười); họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện; nhà điêu khắc Hoa Bích Đào; họa sĩ Dương Ngọc Viên; họa sĩ Trịnh Bá Phòng; họa sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Mai Khanh; nhà điêu khắc Phạm Quang Hồng và các cố họa sĩ như Lê Thanh Đức, Lê Huy Hòa, Dương Hướng Minh, Xu Man, Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Cao Thương và Nguyễn Quang Phòng. Họ đều có sự đóng góp xứng đáng với sự nghiệp hội họa cách mạng của nước nhà.

Nhiều người yêu hội họa lần này rất chú ý tới gương mặt hết sức độc đáo - đó là cố họa sĩ người Tây Nguyên: Xu Man (1925-2007). Từ nhỏ, Xu Man cùng với cha mẹ là nô lệ cho chủ buôn. Ông đã tham gia cách mạng từ rất sớm, trở thành chiến sĩ trong hàng ngũ quân đội, được tập kết ra Bắc học hội họa và là một họa sĩ người Ba Na đầu tiên trên đất Gia Lai. Họa sĩ Xu Man đã có dịp gặp Bác Hồ. Sự kiện này gây dấu ấn đặc biệt trong đời ông. Chính vì lẽ đó, ông dường như dành nhiều công sức và tình cảm sáng tác về đề tài Bác Hồ. Thành tựu và sự nghiệp của ông có lẽ nổi bật ở mảng đề tài này với hơn 100 tác phẩm về hình tượng Bác Hồ. Người xem khó có thể quên chân dung Bác rất thân thương qua sắc màu của Xu Man như: Bác Hồ với Tây Nguyên, Mừng chiến thắng, Nhân dân Tây Nguyên với Bác Hồ, Như có Bác Hồ trong ngày vui chiến thắng... Những tác phẩm này đã từng đem lại cho họa sĩ Xu Man giải A triển lãm toàn quốc năm 1997 và Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam... Cuộc đời của cố họa sĩ Xu Man đầy trắc trở và rất kỳ ảo, đã được nhà văn Trung Trung Đỉnh viết thành một cuốn sách Cuộc đời nghệ sĩ Xu Man. Cuốn sách đã được tái bản với hàng chục ngàn bản, gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc và những ngưởi yêu tranh Xu Man.

Hai gương mặt nữ họa sĩ: Lê Mai Khanh và Hoa Bích Đào được Giải thưởng Nhà nước năm 2012, đều có thành tựu hội họa rất đáng quan tâm với sự phong phú về đề tài và phong cách nghệ thuật độc đáo. Nếu nhà điêu khắc Hoa Bích Đào thể hiện sự lạ ở những tác phẩm gò đồng như Trò chơi, Kịch câm... với giải A Triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2005 và 2006... thì họa sĩ Lê Mai Khanh lại đã từng đoạt giải A Triển lãm đồ họa năm 1985 và giải Nhất đề tài chiến tranh cách mạng năm 1989. Đáng chú ý, Lê Mai Khanh thường vẽ các bộ tranh với tư duy công nghiệp nhiều góc cạnh khám phá bất ngờ. Đặc biệt, cả hai nữ họa sĩ này đều là thạc sĩ mỹ thuật và có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp sáng tạo mỹ thuật hiện đại nước nhà. Riêng họa sĩ Lê Mai Khanh còn là Nhà giáo ưu tú và có công đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhiều họa sĩ trẻ trong hàng chục năm qua.

Được Giải thưởng Nhà nước lần này đối với ngành nhiếp ảnh nước nhà có vẻ khiêm tốn với hai tác giả Vương Khánh Hồng và Chu Chí Thành. Tuy vậy, sự sàng lọc của thời gian và sự đánh giá của các nhà chuyên môn đã phản ánh sự tôn vinh cho nhiếp ảnh thật sự thỏa đáng. Khi nhắc đến cái tên Chu Chí Thành, ai cũng có thể thấy ông là một chân dung nghệ sĩ của chiến tranh. Chẳng cứ cuốn sách ảnh Ký ức chiến tranh của ông trong năm 2010 mà trong nhiều triển lãm, người xem đã phát hiện ra một chất liệu khá kỳ lạ qua ống kính Chu Chí Thành ngoài tính thời sự và có một ngôn ngữ hình hết sức có hồn. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đã từng có những nhận định về những tác phẩm của Chu Chí Thành rằng: “Tôi kính trọng sự thành thực của một nghệ sĩ bậc thầy khi đặt vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và tuyên truyền...”. Đó là ống kính Chu Chí Thành với 4 bức ảnh được chọn trao giải thưởng: Thoát khỏi ngục tù, Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về, Hạnh phúc của những người chiến thắngNhững bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng.

Sắc màu thời gian và sự tôn vinh cao quý 2
 Thoát khỏi ngục tù - ảnh Chu Chí Thành.

Cùng với nghệ sĩ Chu Chí Thành, ống kính Vương Khánh Hồng lại được mệnh danh là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trường Sơn. Ông đã từng liên tục hàng tuần lăn lộn trong khói lửa bom đạn trên tuyến đường Trường Sơn để chụp ảnh cho tòa soạn báo. Ông cũng từng tham gia trực tiếp chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị, làm công binh mở đường cho các chuyến xe đi vào chiến trường miền Nam. Chính vì trải nghiệm thực tế đó, ống kính Vương Khánh Hồng luôn luôn có sự lắng đọng và sự rung động từ gan ruột nên có sức truyền cảm mạnh mẽ. Người xem khó có thể quên những bức ảnh của ông như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những người lính trên tuyến đường Trường Sơn, Các chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu, Trên đường Trường Sơn... Chúng ta có nhiều niềm vui qua sự đóng góp tài năng của 19 họa sĩ và nhiếp ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2012. Sự đánh giá của Nhà nước thật sự thỏa đáng và thể hiện qua giải thưởng đã được trao cho các tác giả. Với 39 tác phẩm tiêu biểu cho 19 nghệ sĩ tuy chưa thể phản ảnh hết sự nghiệp của mỗi người nhưng đã để lại ấn tượng khó quên cho người xem qua cuộc triển lãm lần này. Mỗi người là một thành tựu. Mỗi người là một phong cách nghệ thuật. Và cả 19 người đã tạo nên một vườn hoa nghệ thuật, đã dâng hiến cho cuộc sống với sự tận tụy và lao động hết mình vì sự nghiệp nghệ thuật cách mạng nước nhà.       

Châu Ê
 

Ý kiến của bạn