Sa trực tràng có nguy hiểm?

20-07-2011 09:24 | Tin nóng y tế
google news

Sa trực tràng là hiện tượng thành trực tràng thoát ra khỏi cơ thắt hậu môn. Có hai mức độ sa trực tràng là sa không hoàn toàn

Từ 6 tháng nay mỗi lần đi đại tiện tôi thấy ở hậu môn lòi ra một cục nhỏ có lúc rớm máu. Tôi đi khám thì được biết bị sa trực tràng. Xin hỏi bệnh này có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?

Nguyễn Thị Hà Giang (Tuyên Quang)

Sa trực tràng là hiện tượng thành trực tràng thoát ra khỏi cơ thắt hậu môn. Có hai mức độ sa trực tràng là sa không hoàn toàn (chỉ có niêm mạc trực tràng sa ra ngoài) và sa hoàn toàn (toàn bộ thành của trực tràng chui ra khỏi ống hậu môn). Nguyên nhân của hiện tượng này thường phối hợp với một bệnh lý khác gây kích thích rặn liên tục như polype hậu môn, trực tràng, trĩ nội, sỏi bàng quang; nguyên nhân làm suy yếu cơ nâng hậu môn; yếu mạc ngang, màng bụng phần tiểu khung kéo dài và yếu. Khi mới bị sa trực tràng, chỉ sa khi phải rặn khi đại tiện, vì táo bón, có thể ấn vào dễ dàng nhưng khi đã bị sa trực tràng muộn, khối lượng trực tràng bị sa tăng lên thì thường không đưa vào được, nếu có đưa vào được thì lại sa xuống dễ dàng. Ở giai đoạn này, người bệnh dễ gặp một số biến chứng như chảy máu hoặc sung huyết vì vỡ tĩnh mạch, đoạn trực tràng sa bị nghẽn do cơ hậu môn co thắt, phù nề, niêm mạc tím tái dần có các mảng hoại tử gây nên viêm dưới phúc mạc, có thể dẫn tới tử vong. Để điều trị bệnh lý cần dựa trên nguyên tắc loại bỏ các nguyên nhân khác như sỏi bàng quang, trĩ…, sửa cơ thắt hậu môn (nếu bị nhão), cắt bỏ màng bụng phần tiểu khung (nếu kéo dài) bằng các phương pháp phẫu thuật khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ của sa trực tràng.

BS. Nguyễn Hải Liên


Ý kiến của bạn