Trí tuệ của con người là do bộ não quyết định. Bộ não của bạn là cơ quan chỉ nặng 1.5 kg. Nó chứa khoảng 30 tỉ tế bào thần kinh nhưng nó là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể... |
Vậy sa sút trí tuệ là gì?
Đó là một hội chứng đặc trưng bởi: sự giảm sút về trí nhớ, sự suy giảm về khả năng tư duy như phán đoán, suy luận, sử dụng ngôn ngữ và những sự suy giảm này gây trở ngại cuộc sống hàng ngày. Tình trạng sa sút trí tuệ bệnh lý, hay gặp là bệnh Alzheimer. Bệnh có nhiều biểu hiện nặng nề khác so với sự suy giảm trí tuệ bình thường do quá trình lão hóa.
Đây là một bệnh càng tăng lên khi người ta càng cao tuổi, đặc biệt là từ 70 tuổi trở lên và khoảng 50% những người từ 85 tuổi mắc bệnh này. Những người tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, bệnh lý mạch vành nguy cơ bị bệnh cao. Bệnh Alzheimer là một bệnh lý của não do quá trình chết ngày càng tăng lên của các tế bào thần kinh ở não. Nguyên nhân chết của các tế bào thần kinh là do sự tăng sản xuất hoặc tăng tích lũy trong não loại protein beta – amyloid. Quá trình chết của các tế bào thần kinh có tốc độ khác nhau ở những cá thể khác nhau. Tiến trình này có thể kéo dài từ 8 đến 20 năm, nên có trường hợp bệnh tiến triển nhanh, có trường hợp bệnh tiến triển chậm.
Biểu hiện của bệnh lý Alzheimer
Thường gặp là: ở giai đoạn đầu thường hay quên những sự việc mới xảy ra, ví dụ quên không tắt đèn, không nhớ mình đã uống thuốc gì vào buổi sáng, thay đổi tính cách: vô cảm, thu rút các mối quan hệ xã hội. Ở giai đoạn tiến triển, người bệnh gặp phải những khó khăn trong giải quyết các vấn đề cần suy nghĩ có tính chất trừu tượng như suy nghĩ, tính toán, lập kế hoạch, tính hóa đơn, hiểu những gì mình đã đọc, tổ chức công việc thường ngày. Người bệnh có thể dễ kích động, tranh cãi vô cớ, ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể mất định hướng, lẫn lộn, không nhớ ngày tháng, không nhớ nơi mình ở, không nhớ những nơi mình đã đi qua, không thể kiểm soát được việc vệ sinh cá nhân, không tự chăm sóc được bản thân.
Khi bạn thấy người thân của mình có 10 dấu hiệu sau thì cần phải cảnh giác với căn bệnh này: Hay quên; Khó khăn trong làm việc gia đình hàng ngày; Có vấn đề về diễn đạt ngôn ngữ; Mất định hướng không gian, thời gian; Giảm khả năng phán đoán; Khó khăn trong những suy nghĩ trừu tượng; Đặt những đồ vật trong nhà sai vị trí; Thay đổi cảm xúc hoặc hành vi; Thay đổi tính cách; Mất khả năng đưa ra giải pháp để giải quyết một vấn đề.
Kiểm tra khả năng nhận biết của bệnh nhân Alzheimer Ảnh: ĐA |
Khi bệnh nặng thì người bệnh có thể có hoang tưởng, ảo giác, kích động do sự ảnh hưởng của các cơ quan thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác.
Và điều trị
Việc điều trị bệnh Alzheimer đến nay kết quả còn chưa cao và cần được sự khám xét của bác sỹ chuyên khoa tâm thần người già. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể ngăn ngừa tiến triển của bệnh bằng các liệu pháp giáo dục, tập luyện cho người mắc bệnh ở giai đoạn sớm nhưng để đạt được hiệu quả tốt cần phải có sự hướng dẫn của các nhà chuyên khoa.
BS. Trịnh Thị Bích Huyền