Sa sút trí tuệ - Nguy cơ và cách phát hiện

26-05-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Sa sút trí tuệ (SSTT) là sự suy giảm chức năng trí tuệ và nhận thức, dẫn đến giảm khả năng hoạt động sống hàng ngày.

Sa sút trí tuệ (SSTT) là sự suy giảm chức năng trí tuệ và nhận thức, dẫn đến giảm khả năng hoạt động sống hàng ngày. Đây là bệnh thường gặp và ảnh hưởng trầm trọng đến người cao tuổi (NCT). Ước tính trên thế giới, tỷ lệ mắc ở người từ 60 tuổi trở lên là 3,9% (khoảng 24 triệu người). Với xu hướng già hóa dân số, cứ sau khoảng mỗi 20 năm số người mắc SSTT sẽ tăng gấp đôi. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở các nước đang phát triển, gấp 3 - 4 lần các nước phát triển.

Ai có nguy cơ bị SSTT?

Những người có các yếu tố nguy cơ sau dễ bị SSTT: Huyết áp: THA ở tuổi trung niên dễ tăng nguy cơ SSTT, thậm chí bệnh Alzheimer. THA liên quan đến quá trình thoái hóa thần kinh hoặc gây teo não. Ngược lại ở nhóm tuổi rất già, huyết áp thấp dường như lại báo trước khả năng bị SSTT và bệnh Alzheimer. Béo phì ở tuổi trung niên có liên quan đến tăng nguy cơ mắc SSTT khi về già. Đái tháo đường gây tăng nguy cơ SSTT. Bệnh tim: Bệnh tim mạch thường phối hợp với tăng nguy cơ SSTT và bệnh Alzheimer. Bệnh mạch não: Nhồi máu não đa ổ, đột quỵ là những yếu tố nguy cơ chính gây SSTT sau đột quỵ. Tăng mỡ máu có mối liên quan giữa tăng cholesterol máu ở tuổi trung niên với bệnh Alzheimer khi về già. Uống rượu: Uống rượu quá mức có thể gây SSTT do rượu và làm tăng nguy cơ SSTT do mạch máu. Chế độ ăn: Một số nghiên cứu cho thấy có liên quan giữa chế độ ăn nhiều mỡ bão hòa với tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer...

Tăng huyết áp dễ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Ảnh: TM

Làm thế nào để phát hiện?

Biểu hiện thường đa dạng nhưng nổi bật nhất là giảm trí nhớ, từ từ nặng dần, mất dần khả năng nhận thức và trí tuệ trong vòng 2 - 10 năm và hậu quả là mất hết mọi khả năng sinh hoạt độc lập, trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào người khác và thường tử vong do nhiễm khuẩn.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh giảm trí nhớ gần hay trí nhớ ngắn hạn như nhắc đi nhắc lại một câu hỏi, thậm chí chỉ cách nhau vài phút, hoặc rất hay đi tìm đồ dùng cá nhân vì không nhớ để chúng ở đâu. Quên các từ ngữ thường dùng nên phải diễn đạt theo kiểu nói vòng vo (ví dụ: cái mũ gọi là cái để đội đầu). Khó khăn trong sinh hoạt thường ngày. Thay đổi nhân cách, rối loạn cảm xúc và giảm khả năng nhận xét, đánh giá. Người bệnh trở nên khó tính, dễ nóng giận và kích động. Trong giai đoạn này, họ thường có khả năng bù đắp những thiếu sót về trí nhớ nếu như vẫn sống trong môi trường quen thuộc nhưng sẽ bộc lộ dễ dàng nếu sống ở môi trường mới.

Giai đoạn trung gian: Người bệnh bắt đầu khó hoặc không làm được công việc hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân... Mất khả năng thu nhận thông tin nên bị rối loạn định hướng nặng về không gian và thời gian. Bệnh nhân có thể lạc ngay cả khi ở trong nhà mình, dễ bị ngã. Nặng hơn, có thể bị hoang tưởng, đặc biệt hoang tưởng bị ám hại, do đó ngày càng trở nên nghi kỵ người xung quanh.

Giai đoạn nặng: Người bệnh hoàn toàn lệ thuộc vào người khác trong các hoạt động thường ngày như ăn uống, đại tiểu tiện, tắm rửa và đi lại. Người bệnh không còn nhận biết được người thân trong gia đình, không đi lại được nên phải nằm liệt giường.

Khi nào cần đi khám?

Bệnh nhân SSTT cần được đưa đến khám tại các cơ sở y tế khi có các triệu chứng như: hỏi đi hỏi lại mãi cùng một câu hỏi, thường dựa dẫm vào người khác để quyết định một vấn đề, quên những hoạt động mà trước đó họ thường xuyên làm một cách dễ dàng: quên cách nấu ăn, đánh răng, rửa mặt, nhầm lẫn về tiền nong..., hoặc bị lạc ở những nơi quen thuộc, để nhầm đồ đạc trong nhà, hoặc có những rối loạn về tâm thần như hoang tưởng, ảo giác, kích động, đi lang thang, có các biến chứng khác...

Bệnh có chữa khỏi không?

Hiện tại chưa có các thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh SSTT, chỉ có thể điều trị triệu chứng, làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh. Các thuốc hiện nay chia thành hai nhóm chính: Nhóm ức chế men cholinesterase và nhóm ức chế thụ thể N-methyl-D-aspartate. Ngoài ra, các thuốc khác có thể kết hợp và hỗ trợ điều trị như bảo vệ tế bào thần kinh, các thuốc kháng viêm không steroid... nhưng hiệu quả còn đang nghiên cứu.

Có thể phòng tránh SSTT không?

Để phòng tránh và điều trị hiệu quả SSTT, xu hướng hiện nay là phát hiện sớm và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ với hy vọng làm giảm hoặc chậm khởi phát bệnh. Những nghiên cứu mới đây đã đưa ra hai giả thuyết gợi ý khả năng dự phòng SSTT. Thứ nhất là giả thuyết mạch máu và điều trị các yếu tố nguy cơ. Thứ hai, giả thuyết về tâm lý xã hội với lối sống tích cực và gắn kết với xã hội ở tuổi trung niên và tuổi già có thể có tác dụng bảo vệ hoặc làm chậm sự khởi phát SSTT.

ThS.BS. Nguyễn Hải Yến


Ý kiến của bạn