Sa sinh dục: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh và điều trị

01-11-2024 14:04 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Sa tạng chậu (trước đây gọi là sa sinh dục) là tình trạng bàng quang, tử cung hoặc trực tràng bị sa xuống trong âm đạo hay nặng hơn cổ tử cung ra khỏi âm hộ. Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt.

1. Tổng quan về bệnh sa sinh dục

1.1. Sa sinh dục là gì?

Sa tạng chậu ( Pelvic Organs Prolapse – POP) trước đây gọi là sa sinh dục là sự tụt xuống của tử cung, bàng quang, trực tràng, thành trước, thành sau âm đạo ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường, do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ tại sàn chậu. Trong trường hợp nặng, các tạng trên có thể sa ra ngoài âm đạo.

Tuy là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Các chị em thường cam chịu, giấu bệnh vì căn bệnh "khó nói" này nên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là rắc rối trong quan hệ vợ chồng và các rối loạn tiểu tiện mà người phụ nữ gặp phải như tiểu không hết nước tiểu hoặc khó tiểu.

Tử cung là một bộ phận của cơ quan sinh dục nữ, thực hiện chức năng sinh sản, nằm sâu trong ổ bụng. Nó được giữ tại chỗ bằng lớp cơ và các tổ chức vùng đáy chậu (dàn của phần dưới khung xương chậu), bởi các thành âm đạo và các dây chằng trong bụng và chậu hông. Khi các dây chằng bị giãn, tử cung không còn nằm đúng trục. Khi cơ nâng hậu môn bị giảm sút chất lượng co rút, các dây chằng âm đạo không thể kéo lên để bịt âm đạo nhằm kháng lại áp lực ổ bụng, tử cung mất các liên hệ lân cận sẽ bị tụt ra ngoài ở các mức độ khác nhau và một khi áp lực trong ổ bụng tăng (như khi thở, rặn, ho) và sức nặng của tử cung sẽ đẩy, kéo nó tụt dần xuống thấp gây nên sa sinh dục với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Sa tạng chậu trước đây hay gọi là sa sinh dục, có thể gặp ở 50% ở phụ nữ sau 50 tuổi, gây nhiều phiền phức như tiểu khó, tiêu khó và giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

Sa sinh dục: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh và điều trị- Ảnh 1.

Hình ảnh sa sinh dục ở phụ nữ.

Những phụ nữ quan hệ tình dục quá sớm, sinh đẻ nhiều, lao động nặng nhọc, lao động tay chân suốt ngày phải làm việc ở tư thế đứng, gánh gồng, đội vác nặng gây tăng áp lực ổ bụng có nguy cơ bị sa sinh dục cao. Những người đi làm quá sớm sau sinh cũng có nguy cơ bị sa sinh dục cao.

Sa sinh dục cũng có thể gặp cả ở phụ nữ chưa sinh đẻ do thể trạng yếu, dây chằng mỏng, tử cung ở tư thế trung gian nên khi có áp lực mạnh trong ổ bụng sẽ đẩy tử cung sa dần xuống. Còn ở những người đã sinh đẻ nhiều lần, các dây chằng yếu, tầng sinh môn rách hay giãn mỏng, dưới sự tăng áp lực lên ổ bụng, thành âm đạo bị sa và kéo tử cung sa theo.

1.2. Nguyên nhân sa sinh dục

  • Các bệnh lý hoặc yếu tố liên quan đến tăng áp lực ổ bụng như nôn, ho kéo dài, táo bón thường xuyên, béo phì, các khối u sinh dục, báng bụng.
  • Đẻ sớm, đẻ dày, sau đẻ lao động sớm hoặc lao động nặng, người ốm yếu suy dinh dưỡng sau sinh hoặc thiếu ăn tất cả các nguyên nhân trên đều dẫn đến tình trạng các dây chằng của tử cung và các cơ vùng đáy chậu bị giãn mỏng, suy yếu hoặc bị rách, không đủ sức giữ tử cung ở vị trí cũ.
  • Các rối loạn tiết niệu như viêm đường tiết niệu kéo dài, sỏi tiết niệu, bí tiểu.
  • Người cao tuổi và mãn kinh (do thiếu nội tiết tố), rối loạn dinh dưỡng.
Sa sinh dục: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh và điều trị- Ảnh 2.

Sa sinh dục thường được gọi là sa dạ con hay sa tử cung.

2. Triệu chứng của bệnh sa sinh dục

Một số phụ nữ không nhận thấy bản thân mắc sa sinh dục, người bệnh đã báo cáo dấu hiệu sa sinh dục như sau:

  • Cảm giác nặng ở vùng xương chậu.
  • Đau vùng thắt lưng chậu, đau vùng bụng dưới, vùng âm hộ.
  • Âm đạo bị rộng, đau khi giao hợp.
  • Cảm giác có khối u sa xuống âm hộ hoặc thấy sa hẳn ra ngoài âm hộ.
  • Các rối loạn về đi tiểu như: tiểu khó, tiểu liên tục, són tiểu…
  • Táo bón mãn tính.

3. Bệnh sa sinh dục có lây nhiễm không?

Bệnh sa sinh dục không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó không có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

4. Cách phòng bệnh sa sinh dục

Để phòng ngừa sớm bệnh sa sinh dục phụ nữ cần lưu ý:

  • Nên sinh đẻ trong độ tuổi từ 22 - 29 tuổi. Vì về mặt sinh lý, đây là thời kỳ sung mãn, các bộ phận trong cơ thể chưa bị thoái hóa, dễ phục hồi.
  • Khi sinh nở, nên để cán bộ y tế có chuyên môn phục vụ.
  • Sau khi sinh cần được nghỉ ngơi đủ thời gian cho các cơ và dây chằng vùng đáy chậu co trở lại. Không lao động sớm trước ba tháng.
  • Tránh lao động quá nặng nhọc liên tục hoặc phải thay đổi tư thế để nghỉ ngơi, thư giãn khi làm việc ở tư thế đứng và đi lại quá nhiều.
  • Ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức dẻo dai cho cơ bắp nói chung và các cơ vùng đáy chậu (luyện những bài tập nhẹ hoặc phải có sự tư vấn của bác sĩ).
Sa sinh dục: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh và điều trị- Ảnh 3.

Phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép tổng hợp nâng tử cung và bàng quang cố định vào mõm nhô được đánh giá là có nhiều ưu điểm nhất.

5. Cách điều trị bệnh sa sinh dục

Tùy vào tình trạng của người bệnh, mục tiêu điều trị là người bệnh có muốn có con trong tương lai hay không, bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị sa sinh dục là điều trị nội khoa (thuốc, tập phục hồi chức năng...) hoặc phẫu thuật.

5.1. Điều trị nội khoa

Thường được áp dụng với bệnh nhân mắc sa sinh dục độ I, độ II, hoặc với bệnh nhân cao tuổi, mắc các bệnh mãn tính hay người không đủ điều kiện phẫu thuật.

Điều trị có thể bao gồm nhiều phương pháp trị liệu như:

  • Thay đổi thói quen, sinh hoạt phù hợp.
  • Sử dụng nội tiết estrogen tại chỗ (dạng viên đặt âm đạo hay cream bôi thoa).
  • Tập vật lý trị liệu phục hồi sàn chậu: tự tập, tập với máy tập sàn chậu, kích thích điện cơ sàn chậu.
  • Các phương pháp điều trị cơ học: Đặt vòng nâng (pessary) bàng quang, tử cung, trực tràng, ngả âm đạo để hỗ trợ cho các cơ quan bị sa xuống.

5.2. Điều trị bằng phẫu thuật

Nguyên tắc

Phục hồi lại các cấu trúc và chức năng sinh lý của cơ quan bị sa của sàn chậu.

Chỉ định cắt tử cung khi có bệnh lý tại cổ tử cung, tử cung. Nếu như cổ tử cung bình thường và người bệnh có điều kiện theo dõi cổ tử cung định kỳ thì nên cắt tử cung bán phần, giữ lại cổ tử cung để tránh phá vỡ cấu trúc nâng đỡ quan trọng của sàn chậu (vai trò của vòng xơ quanh cổ tử cung) làm phương tiện cố định các hệ thống nâng đỡ được phục hồi trong phẫu thuật như mảnh ghép, may phục hồi bằng chỉ không tan.

Lựa chọn phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vào:

  • Cơ quan bị sa, mức độ sa, có thay đổi chức năng sinh lý sàn chậu.
  • Độ tuổi.
  • Tình trạng kinh tế, lối sống.
  • Tình trạng sức khỏe người bệnh.
  • Điều kiện trang thiết bị hiện có.
  • Khả năng và sở trường của phẫu thuật viên.
  • Nhu cầu của người bệnh sau khi được tư vấn điều trị cặn kẽ.

Chỉ định phẫu thuật điều trị sa tạng vùng chậu.

Sa tạng chậu từ độ 2 theo POP-Q hoặc sa sinh dục độ III, IV, có triệu chứng hay biến chứng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh, thất bại điều trị bảo tồn 3-6 tháng (pessary) hoặc người bệnh yêu cầu được phẫu thuật sau khi đã được đánh giá tư vấn đầy đủ.

Các phương pháp phẫu thuật như:

  • Phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép tổng hợp.
  • Phẫu thuật qua đường âm đạo.
  • Phẫu thuật qua đường bụng.
  • Phẫu thuật kết hợp ngả bụng và ngả âm đạo.
Sa sinh dục có biểu hiện như thế nào?Sa sinh dục có biểu hiện như thế nào?

SKĐS - Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, nhất là phụ nữ ở nông thôn, trong lứa tuổi từ 40-50 trở lên, chiếm khoảng 5-8%. Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ.


BS CKI Trần Đình Tài
Phụ trách phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa
Ý kiến của bạn