Hà Nội

Sa sâm thanh phế, hóa đàm

26-08-2012 07:28 | Y học cổ truyền
google news

Sa sâm là rễ phơi hay sấy khô của cây san hô thái (Glehnia littoralis Fr. Schmidt. Ex Miq.), thuộc họ hoa tán (Apiaceae). Nam sa sâm là rễ của loài sa sâm (Adenophora veticillata Fisch.), thuộc họ hoàng liên (Campanunaceae).

(SKDS) - Sa sâm là rễ phơi hay sấy khô của cây san hô thái (Glehnia littoralis Fr. Schmidt. Ex Miq.), thuộc họ hoa tán (Apiaceae). Nam sa sâm là rễ của loài sa sâm (Adenophora veticillata Fisch.), thuộc họ hoàng liên (Campanunaceae). Đây là vị thuốc vẫn nhập từ Trung Quốc. Công dụng tương tự như bắc sa sâm, nhưng tác dụng dưỡng âm kém bắc sa sâm, tác dụng trị ho lại mạnh hơn.

Thành phần hóa học: Sa sâm bắc có tinh dầu, acid triterpenic, β-sitosterol, polysaccharid, nhiều dẫn chất coumarin, dẫn chất của psoralen và scopoletin… có tác dụng giãn mạch, tăng trương lực cơ tim, trừ đàm và kháng trực khuẩn.

Theo Đông y, sa sâm vị ngọt đắng, tính hơi hàn; vào các kinh phế và vị. Công năng chủ trị: dưỡng âm, thanh phế, hoá đàm chỉ khái. Chữa phế táo, âm hư, vị âm hư. Liều dùng cách dùng: 9-25g; nấu, hầm, rang, nướng, phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số cách dùng sa sâm làm thuốc:

Nhuận phế chỉ khát:

Thang sa sâm mạch đông:

Sa sâm 12g, mạch môn 12g, ngọc trúc 12g, thiên hoa phấn 12g, tang diệp 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Ngày uống 1 thang. Trị chứng phế vị táo nhiệt, ho khan ít đờm, họng khô, miệng khát. Nếu trong người nóng quá thì gia thêm địa cốt bì 2g.

Thang thanh kim ích khí:

Sa sâm 20g, hoàng kỳ 4g, sinh địa 20g, tri mẫu 12g, huyền sâm 12g, ngưu bàng tử 12g, xuyên bối mẫu 6g. Sắc uống. Trị chứng hư nhược khí ngắn, phổi yếu, mất tiếng.

- Sa sâm 20g, mạch môn 20g. Sắc uống, Trị hư lao, thổ huyết, nóng sốt, phổi yếu, mạch nhanh, khó thở.

- Sa sâm nam 15g, tía tô 10g, gừng nướng 5 lát, cửu lý hương sao 4g, chè mạn 2g, chanh non 1 quả (thái miếng). Sắc uống 2 lần trong ngày. Chữa viêm phổi, ho đờm, tức ngực.

Sinh tân chỉ khát:

Thang ích vị:

Sa sâm 16g, sinh địa 20g, ngọc trúc 12g, mạch đông 12g. Sắc uống. Trị bệnh nhiệt về cuối kỳ phạm đến tân dịch, còn sốt lai rai, họng khô, miệng khát.

Hoặc sa sâm nam 20g, rễ vú bò 20g, hà thủ ô 20g, bạch truật nam 20g, rễ cà gai 20g, hoài sơn 12g, rễ cây lứt 12g, cam thảo nam 12g, trần bì 8g, gừng 4g. Sắc uống 2 lần trong ngày. Có thể sấy bột làm viên, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 20g. Làm thuốc bổ mát, chữa cảm sốt.

Một số món ăn – bài thuốc có sa sâm:

Nước đường sa sâm:

Sa sâm 25g, đường phèn 15g, nước lượng thích hợp, đun nhỏ lửa 15 phút. Dùng cho trường hợp ho sốt (phế nhiệt khái tấu).

Sa sâm hầm thịt nạc:

Sa sâm 12g, thịt nạc 100g, hầm nhừ, thêm gia vị (hạn chế dùng tiêu ớt). Dùng cho sản phụ ít sữa.

Canh thịt gà sa sâm:

Sa sâm 15 - 60g, trứng gà 3 quả. Nấu dạng canh trứng. Dùng cho trường hợp đau nhức răng.

Kiêng kỵ:

Không dùng khi ho do cảm cúm (cảm mạo phong hàn).

Ở Việt Nam, sa sâm chủ yếu từ cây (Launaca pinnatifida Cass.), thuộc họ cúc (Asteraceae). Được dùng thay bắc sa sâm và nam sa sâm, tác dụng chữa sốt, ho khan háo phổi, ho có đờm, nhuận tràng, lợi tiểu nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu về hoá học. Cần chú ý nguồn gốc vị thuốc.

TS.Nguyễn Đức Quang


Ý kiến của bạn