Hà Nội

Sa Pa oằn mình cõng thủy điện

29-11-2019 07:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Sa Pa - Khu du lịch Quốc gia vốn yên bình, nhỏ bé là vậy nhưng hiện đang oằn mình cõng hàng chục dự án thủy điện lớn, nhỏ. Không chỉ làm mất đi sự bình yên vốn có, các nhà máy thủy điện còn phá vỡ cảnh quan du lịch nơi đây. Nếu tính cả các dự án đang được nghiên cứu, Sa Pa có tới 20 dự án thủy điện với tổng công suất 345,6MW đang được triển khai.

Khách du lịch giảm

Xã Bản Hồ, huyện Sa Pa một thời được mệnh danh là thung lũng thiên đường. Nhưng thời gian gần đây, lượng khách đến Bản Hồ giảm mạnh. Gần 20 công trình thủy điện đang phá nát cảnh quan của Sa Pa, trong đó Bản Hồ là nơi tan hoang nhất. Sau gần 2 giờ vượt qua các loại ổ gà, ổ trâu và bụi bặm, Bản Hồ đã hiện ra trước mắt chúng tôi với hình ảnh 2 công trình thủy điện là Sử Pán và Nậm Toóng như hai gọng kìm khóa chặt lấy cả bản. Phía dưới công trình thủy điện Sử Pán là thủy điện Bản Hồ đang được triển khai xây dựng. Dọc con suối Mường Hoa thơ mộng trước kia giờ chỉ còn trơ lại sỏi đá, duy chỉ có ở những hồ chứa thủy điện là còn có nước.

Và theo như nhiều người kể lại, chính công trình thủy điện Sử Pán 1 vào đêm 23 rạng sáng ngày 24/6/2019 vừa qua đã đột ngột xả lũ không đúng quy trình gây ra thiệt hại nặng nề cho vùng hạ lưu của xã Bản Hồ, cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu của người dân.

Vài năm trước, du khách đến Sa Pa không bao giờ bỏ qua loại hình du lịch cộng đồng (homestay) bởi bà con dân tộc vẫn giữ được cách sống, cũng như phong tục tập quán của dân tộc mình mà vẫn có thêm thu nhập. Những tưởng hình thức du lịch homestay là bền vững, ít bị tác động; thế nhưng vài năm trở lại đây, Bản Hồ hầu như không đón được khách. Lý do là vì khi đến đây, du khách chả còn gì để ngắm... ngoài thủy điện. Khách du lịch dần bỏ đi, các homestay sau một thời gian được xây dựng không có khách cũng đang tính chuyển đổi công năng. Anh Lý Lao Sán - chủ homestay ở xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, bồi hồi: Ruộng bậc thang thì nhiều nhưng suối không có nước, giờ chỉ toàn đá sỏi, khách không có gì để xem...

Sa Pa oằn mình cõng thủy điệnSa Pa đang bị “băm vằm” vì thủy điện.

Hiện chỉ tính riêng xã Bản Hồ có đến 6 công trình thủy điện đã đi vào hoạt động, chưa tính thủy điện Bản Hồ do Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Long đang xây dựng. Và để xây dựng được các công trình thủy điện thì hàng chục hộ dân phải di chuyển chỗ ở, kèm theo đó là hàng chục héc-ta đất sản xuất bị mất đi nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện, nhưng điều làm cho nhiều người dân địa phương làm du lịch cộng đồng ở đây khó tìm được sinh kế và chính họ là người chịu thiệt hại nhiều nhất khi khách du lịch không đến.

Thực tế việc cấp phép cho các công trình thủy điện thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, dù rằng chính quyền địa phương cũng như các Sở, ngành của tỉnh Lào Cai đều ý thức được việc khi xây dựng thủy điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường dù ít hay nhiều, thế nhưng tất thảy cũng chỉ dừng ở mức kiến nghị. Ông Lê Tân Phong - Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Tỉnh Lào Cai hiện chỉ đạo rất nghiêm việc đánh giá tác động môi trường. Nếu nói về tác động của thủy điện đối với môi trường và cảnh quan là có tác động đáng kể.

Ông Lê Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết, theo thống kê của chúng tôi, trên địa bàn của Sa Pa có khoảng 20 thủy điện, công suất khoảng 200MW. Với mật độ dày như vậy, đương nhiên sẽ ảnh hưởng  rất lớn đến cảnh quan môi trường, đời sống của nhân dân và du lịch.

Hãy cứu lấy Sa Pa

Thủy điện không chỉ là nỗi sợ của riêng những hòn đá ở bãi đá cổ Sa Pa mà các bản làng nổi tiếng về du lịch cộng đồng cũng “thấm đòn đau” của thủy điện. Số liệu thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai cho thấy, lượng khách đến tham quan và lưu trú tại các điểm du lịch có thủy điện như xã Tả Van, Bản Hồ giảm mạnh. Cả khu vực suối Mường Hoa với Bãi Đá cổ, Cầu Mây, các khu ruộng bậc thang đã và đang bị “xẻ thịt” để làm thủy điện.  Con suối nước nóng và thác nước La Ve trước kia trong vắt giờ sủi bọt đục ngầu vì đất, lòng suối nham nhở toàn đá do công trình thủy điện thi nhau đổ xuống. Giờ ngay chính những người dân bản cũng không ai dám xuống tắm ở suối, chứ đừng nói gì đến du khách.

Vẫn biết để giải bài toán phát triển du lịch bền vững không hề đơn giản, nhất là với một tỉnh miền núi còn nghèo, đụng gì cũng thiếu. Tuy nhiên phát triển cái gì, ở đâu vẫn cần phải quy hoạch và có một chiến lược lâu dài. Quy hoạch phải đi đôi với bảo tồn và gìn giữ kiến trúc, cũng như nét đẹp văn hóa của Sa Pa để nơi đây là “nơi gặp gỡ của đất trời” mới có giá trị lâu dài. Đừng để Sa Pa trở nên bụi bặm, ngổn ngang như một công trường với cách làm thủy điện cùng với du lịch như hiện nay.


Mai Anh - Vĩnh Trường
Ý kiến của bạn